(Chinhphu.vn) - Sự kiềm chế từ phía Việt Nam không những giúp ngăn căng thẳng leo thang mà chính phương thức giải quyết hòa bình nhất quán này cũng mang đến nhiều cơ hội khác về mặt ngoại giao, quân sự và kinh tế.
Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), cho rằng rõ ràng Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức từ một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ trên Biển Đông. Căng thẳng vẫn chưa nguôi khi Trung Quốc vẫn không dừng các hoạt động quấy phá tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam xung quanh khu vực Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Sự kiềm chế từ phía Việt Nam không những giúp ngăn căng thẳng leo thang mà chính phương thức giải quyết hòa bình nhất quán này cũng mang đến nhiều cơ hội khác về mặt ngoại giao, quân sự và kinh tế.
Về ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến khả năng cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là một điểm quan trọng vì bốn lý do. Thứ nhất, bằng cách khởi kiện, Việt Nam sẽ cho thế giới thấy thiện ý muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và con đường pháp lý. Thứ hai, Việt Nam sẽ đồng hành với Philippines. Mặc dù khó có khả năng sẽ tìm được nhiều sự đồng thuận hơn từ các thành viên khác của ASEAN, vốn có quan hệ kinh tế lệ thuộc vào Bắc Kinh, nhưng ít ra việc cùng Philippines tham gia khởi kiện cũng sẽ hình thành một liên minh mạnh mẽ giữa các quốc gia có cùng quyền lợi liên quan. Nếu các quốc gia có tranh chấp khác nhìn vào Việt Nam, Philippines và cũng tham gia khởi kiện Trung Quốc, vấn đề Biển Đông sẽ tất yếu được quốc tế hóa. Đây là điều Bắc Kinh không bao giờ muốn xảy ra. Thứ ba, mặc dù khó có khả năng Bắc Kinh chấp nhận bị ràng buộc bởi phán quyết trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển nếu phán quyết này chống lại họ, song điều đó sẽ càng cô lập Bắc Kinh và đặt ra nghi ngờ về lời khẳng định “trỗi dậy hòa bình” và sự cam kết của họ đối với luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Cuối cùng, những chứng cứ pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông vừa mập mờ, không thuyết phục, lại mang tính hai mặt. Ví dụ, Bắc Kinh phủ nhận lập luận của Việt Nam là giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - một điều hết sức rõ ràng. Trong khi đó, cũng chính Trung Quốc lại dùng lập luận thềm lục địa đó ra trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật ở Hoa Đông. Thật mỉa mai và đạo đức giả. Với yêu sách đường 9 đoạn, Bắc Kinh không thể bảo vệ cái không thể nào bảo vệ được. Vì lẽ đó, Trung Quốc đang cố tình tạo ra những “chuyện đã rồi” ở Biển Đông để củng cố cái gọi là chủ quyền của mình.
Trong bối cảnh đó, việc theo đuổi phương thức ngoại giao hòa bình để giải quyết vấn đề sẽ mang đến cho Việt Nam rất nhiều hậu thuẫn từ các nước trên thế giới, như Mỹ và Nhật, vốn ngày càng quan ngại vì những hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Những mối nguy từ Biển Đông đã buộc Việt Nam phải chọn con đường hiện đại hóa quân đội vì mục đích tự phòng vệ. Các cuộc diễn tập song phương và đa phương với các đối tác truyền thống như Ấn Độ đã diễn ra, cũng như tăng cường hợp tác quân sự với ASEAN và Mỹ. Quốc hội Việt Nam tuần này cân nhắc duyệt chi ngân sách 16.000 tỷ đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền Biển Đông; Nhật cũng cam kết sẽ cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam vào năm 2015. Đây là những động thái hoàn toàn chính đáng vì ba lý do. Thứ nhất, Việt Nam hoàn toàn có quyền trang bị tàu lớn để tàu Trung Quốc không thể tiếp tục tự tung tự tác. Thứ hai, sự hiện diện của tàu dân sự sẽ giúp ngăn ngừa căng thẳng leo thang. Thứ ba, phương pháp phòng vệ chính đáng này sẽ xác tín phương thức ngoại giao hòa bình nhất quán Việt Nam đang theo đuổi.
Về kinh tế, căng thẳng xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 và những hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Đây là điều tất yếu. Tuy nhiên, đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam tránh tác động về kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn còn phải chịu nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Đã đến lúc Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình.
Đây cũng là dịp để tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, duy trì thế mạnh cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, khi chi phí sản xuất ngày một gia tăng trong khu vực. Hơn thế nữa, các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng lại với Thái Lan vì bất ổn chính trị tại đây. Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu tiến hành cải cách kinh tế triệt để và nghiêm túc vào lúc này.
Với những quyết định kịp thời và đúng đắn, Việt Nam sẽ càng vươn lên mạnh mẽ từ chính thời điểm khó khăn này.
Nguyễn Chiến (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét