Vibay

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Sau khi đá hóa đảo trái phép Trường Sa, Trung Quốc sẽ đòi 200 hải lý

(GDVN) - Có lẽ một động cơ nguy hiểm hơn nữa là sau khi tạo ra các đảo mới, Trung Quốc sẽ (đơn phương) tuyên bố họ có một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý.


Hoạt động cải tạo đắp nền bất hợp pháp mới nhất Trung Quốc đang tiến hành ngoài đá Gạc Ma nhằm biến thành 1 đảo nhân tạo.

The New York Times ngày 16/6 đưa tin, việc Trung Quốc tiến hành xây dựng (bất hợp pháp) trên một số bãi đá và rặng san hô ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là một trong những nỗ lực mới nhất mở rộng sự hiện diện của họ ở Biển Đông, sau khi tạo ra những đảo nhân tạo chúng sẽ mọc lên những công trình kiên cố làm nơi đồn trú và lắp đặt các thiết bị giám sát, bao gồm radar.

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mà phía Trung Quốc đang triển khai là hồi còi báo động Việt Nam, Philippines và các bên yêu sách chủ quyền khác ở Trường Sa. Từ tháng 4 Philippines đã phản đối Trung Quốc cải tạo trái phép 2 bãi đá, tháng này Tổng thống Aquino tiếp tục chỉ trích các dấu hiệu di chuyển khác của Trung Quốc trên 2 bãi đá nữa.

Hành động của Trung Quốc cũng khiến các quan chức cấp cao của Mỹ lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã nhắc đến động thái thay đổi hiện trạng trên Biển Đông từ phía Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la vừa qua.

Một số nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc đang nhắm tới 1 điểm cắm chân trong quần đảo Trường Sa làm điểm tựa chiến lược dài hạn triển khai sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương.

Có lẽ một động cơ nguy hiểm hơn nữa là sau khi tạo ra các đảo mới, Trung Quốc sẽ (đơn phương) tuyên bố họ có một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý đối với mỗi "đảo" này bằng cách (cố tình giải thích, áp dụng sai) viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Philippines đã lập luận tại tòa án quốc tế rằng, Trung Quốc chỉ chiếm đóng (trái phép) các bãi đá và rặng san hô, không thể đủ tiêu chuẩn tuyên bố 1 vùng đặc quyền kinh tế.

"Bằng cách tạo ra sự xuất hiện của một hòn đảo, Trung Quốc có thể đang tìm cách tăng cường giá trị cho tuyên bố của họ", Taylor Fravel, một nhà khoa học chính trị Viện Công nghệ Massachusetts cho biết.

Bắc Kinh đã (ngang nhiên, thách thức) công khai thừa nhận hoạt động này "vì nó là lãnh thổ Trung Quốc"?! Cánh quan chức nước này lý sự rằng Việt Nam và Philippines đã xây dựng các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn phía Trung Quốc nên họ có quyền tự do theo đuổi các dự án của mình?!

The New York Times cho biết, các nhà phân tích đã lưu ý rằng những bên còn lại trên Biển Đông đã không xây dựng đảo, các cấu trúc họ xây dựng ở Trường Sa đều diễn ra trước năm 2002 khi Trung Quốc và ASEAN ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC. Trong đó có điều khoản quy định các bên yêu sách ở Biển Đông cần kiềm chế không tiến hành các hoạt động leo thang căng thẳng, không làm thay đổi hiện trạng khu vực này.


Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập sau khi xâm lược của Việt Nam và xây dựng công sự nhà nổi trái phép từ năm 1988. Nhiều khả năng Trung Quốc âm mưu biến Chữ Thập thành 1 căn cứ quân sự mạnh ở Trường Sa để tìm cách thực hiện tham vọng lưỡi bò.

Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng và nó chỉ có thể làm tăng căng thẳng, giáo sư Carl Thayer từ Úc nhận xét. Những động thái Trung Quốc đang làm trên Biển Đông không phải hoạt động đơn lẻ mà là một kế hoạch hoàn chỉnh nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý) của họ, nhưng hiện chưa có phản ứng đồng thời đủ mạnh.

Kể từ tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng 3 hoặc 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa với diện tích ước chừng 20 - 40 mẫu Anh, trong đó có ít nhất 1 đảo nhân tạo được Trung Quốc dành riêng cho mục đích quân sự, các đảo nhân tạo còn lại sẽ sử dụng làm nơi neo đậu, cung cấp hậu cần tàu thuyền, một quan chức phương Tây giấu tên nói với The New York Times.

So với vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thì vụ đảo hóa các bãi đá ở Trường Sa (sau khi Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay) nguy hiểm hơn nhiều. Giàn khoan họ sẽ rút, nhưng đảo nhân tạo thì sẽ còn đó, quan chức này bình luận.

Và đá Gạc Ma (mà Trung Quốc xâm lược của Việt Nam năm 1988 cùng với Chữ Thập, Gaven, Su Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên) rồi sẽ không còn là đá, mà sẽ trở thành đảo, quan chức này lưu ý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua cho biết Việt Nam đã chính thức phản đối các hoạt động bất hợp pháp ngoài đá Gạc Ma và các bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút tàu thuyền khỏi khu vực này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét