Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo về kết quả nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất.
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ cuối tuần qua, VNR cho biết, cơ quan này cơ bản đồng ý với những đề xuất của JICA về dự án giao thông quan trọng nói trên.
Theo VNR, trong báo cáo của mình, JICA cho rằng, từ nay đến trước năm 2030, nhu cầu vận tải trên tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam cơ bản được đáp ứng mà không cần đường sắt cao tốc.
Tuy nhiên, sau năm 2030, nhu cầu vận tải đường sắt tốc độ cao là khá lớn, do vậy cần phải xây dựng đường sắt cao tốc mới khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 320 km/h để vận chuyển khách, giảm nhẹ gánh nặng lên vận tải hàng không. Đặc biệt, theo JICA, nếu không có đường sắt cao tốc sẽ xảy ra ùn tắc và quá tải trên đường bộ.
Về phương án đầu tư, JICA đã đưa ra 4 kịch bản, trong đó phương án A1 là các dự án cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu với khổ đường đơn, không điện khí hóa, tốc độ tàu 90 km/h, thời gian chạy 29 giờ.
Phương án A2 là tăng cường năng lực vận tải cho tuyến đường sắt đơn hiện tại cũng với tốc độ 90km/h, thời gian chạy tàu 25 giờ, năng lực khai thác 50 tàu/ngày đêm, chi phí đầu tư là 1,8 tỷ USD.
Phương án B1 là tăng cường năng lực vận tải bằng cách đường đôi hóa, nâng tốc độ chạy tàu lên 120 km một giờ, thời gian chạy 15,6 giờ, chi phí 14,5 tỷ USD. Cuối cùng là phương án B2 kết hợp đường đôi hóa (sử dụng khổ đường 1.435 mm) và điện khí hóa để tốc độ chạy tàu tối đa là 150 km/h trở lên, thời gian chạy 12,7 giờ, chi phí 27,7 tỷ USD.
Đánh giá các phương án này, JICA khuyến nghị, phương án A2 là có tính khả thi nhất xét trên cả hiệu quả kinh tế và cả phương diện kỹ thuật và thời gian hoàn thành là 2020 - 2025.
JICA đánh giá, nếu theo phương án B2 sẽ phải làm lại toàn bộ kết cấu nền đường, cầu – hầm dẫn tới đóng toàn bộ tuyến đường sắt quốc gia trong thời gian dài và hướng tuyến đường sắt sẽ phải thay đổi. Còn việc nâng cấp tuyến đường sắt khổ 1.000mm để chạy tàu cao tốc là không khả thi do chi phí đầu tư còn lớn hơn cả xây dựng một tuyến đường sắt mới.
Về phân kỳ đầu tư, JICA cho rằng, trước mắt cần xây dựng hai tuyến Hà Nội - Vinh dài 284 km với vốn đầu tư 10,2 tỷ USD và Tp.HCM - Nha Trang dài 366 km với chi phí 9,9 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Cơ quan này cũng gợi ý xây dựng một trong 3 đoạn đường đầu tiên để thực nghiệm là Ngọc Hồi - Phủ Lý, Huế - Đà Nẵng, Long Thành - Thủ Thiêm.
Trong khi đó, theo VNR, Chính phủ nên chọn thực nghiệm xây dựng đường sắt cao tốc đoạn sân bay Long Thành - Thủ Thiêm để đầu tư trước.
Thẩm định những phương án của JICA, VNR đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ lựa chọn phương án A2 và xây dựng tuyến đường sắt cao tốc cho tàu khách với phân kỳ đầu tư hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Việt Nam trong 5-10 năm tới.
Đại diện lãnh đạo VNR cho biết, kết quả nghiên cứu của JICA phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2012 và điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Do vậy, VNR cho rằng, nếu xác định đường sắt là phương tiện chủ đạo về vận tải khách trên trục Bắc - Nam thì nên làm theo khuyến nghị của JICA.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được các cơ quan chuyên môn và Chính phủ trình Quốc hội từ năm 2010 với tổng kinh phí khoảng 56 tỷ USD. Tuy nhiên, do không đủ sức thuyết phục về hiệu quả và khả năng huy động, trả nợ vốn đầu tư, đề án này đã không được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư.
Trên thế giới, hiện một số nước cũng đã và đang triển khai xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, đơn cử như tại Trung Quốc, hệ thống tàu cao tốc đã bị “ế” vì chi phí mua vé của loại tàu này cao gấp 2 - 3 lần so với tàu thông thường nên không được nhiều người dân lựa chọn.
http://vneconomy.vn/2013102809537327P0C9920/lai-de-xuat-lam-duong-sat-cao-toc-tai-viet-nam.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét