Vibay

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Vai trò Mỹ trong quan hệ Việt - Trung

17/11/2012- Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rõ ràng trên đà đi lên, với các diễn biến tích cực ở gần như mọi lĩnh vực trong quan hệ song phương.

James Bellacqua và Brad Daniels
Gửi cho BBC từ bang Virginia, Hoa Kỳ


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Việt Nam tháng Sáu 2012

Vui lòng cân nhắc khi xem

Các trao đổi cấp cao, từng không thể nghĩ đến, đã trở nên bình thường trong những năm gần đây. Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đều thăm Việt Nam năm 2012.

Quan hệ kinh tế đặc biệt mạnh mẽ và gia tăng: Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương, chưa đầy 540 triệu đôla khi quan hệ ngoại giao được bình thường hóa năm 1995, nay lên gần 22 tỷ đôla. Cũng có hợp tác đáng kể trong y tế, giáo dục, và môi trường.

Hai nước cũng ký thỏa thuận về điện hạt nhân, hàng không dân dụng và chống tội phạm xuyên quốc gia. Điều quan trọng, hai nước cựu thù cũng bắt đầu củng cố quan hệ quân sự. Hai nước tiến hành hoạt động hải quân chung lần đầu tiên năm 2010 và hợp tác chặt chẽ về những “vấn đề di sản” còn lại từ chiến tranh, như xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ

Những diễn biến này xuất phát từ lợi ích kinh tế và chiến lược trùng lắp cũng như lo ngại chung về ổn định khu vực. Ví dụ, quan hệ cải thiện với Washington phù hợp với chính sách ngoại giao “đa phương” của Hà Nội, muốn mở rộng quan hệ với các đại cường để tránh phụ thuộc vào một nước duy nhất. Kinh tế thiên về xuất khẩu của Việt Nam cũng hưởng lợi nhờ liên hệ mạnh hơn với kinh tế Mỹ.

Xích lại với Mỹ

Trung Quốc là một yếu tố khác thúc đẩy động thái làm bạn của Hà Nội với Washington. Thoạt nhìn, Trung Quốc và Việt Nam có vẻ chia sẻ nhiều điểm chung. Cả hai nước chia sẻ những điểm tương đồng văn hóa, cùng do đảng cộng sản cầm quyền và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nhưng quan hệ song phương của họ vô cùng phức tạp, và nhiều căng thẳng. Các giai đoạn bị Trung Quốc thống trị đã củng cố sự nghi ngờ sâu sắc trong người Việt. Hai nước cũng có cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu đầu năm 1979.

Gần đây hơn, cán cân thương mại bất lợi và và nhu cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh về tài nguyên thiên nhiên đã làm tăng lo ngại cho Việt Nam rằng nền kinh tế của nước này đang trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, thái độ bị cho là hung hăng của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa đã đang làm nhen nhóm các mối quan ngại về an ninh và kinh tế của Việt Nam về chủ quyền đối với vùng biển tranh chấp đó.

Việt Nam đã đáp lại một phần bằng cách củng cố quan hệ với các đại cường khác - mà đáng kể nhất là Hoa Kỳ, quốc gia mà Việt Nam tích cực tìm kiếm một sự tái cam kết ở trong khu vực. Washington, vốn chia sẻ tâm trạng bất an về sự trỗi dậy của Trung Quốc và có các mối quan tâm riêng về bảo vệ tự do hàng hải qua Biển Đông, đến lượt mình đã tiếp nhận sự tiếp cận của Việt Nam. Đặc biệt, việc tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong các diễn đàn đa phương của Đông Nam Á đã được Việt Nam chào đón. Chẳng hạn, tháng 7/2010 tại Diễn đàn Khu vực Asean, Washington và Hà Nội đã huy động phản ứng ngoại giao đa quốc gia đáp lại động thái được cho là hung hãn của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa. Lãnh đạo Việt Nam cũng giúp mở đường cho Hoa Kỳ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Ngoài ra, mối quan tâm được chia sẻ về Trung Quốc có vẻ là một chất xúc tác cho tăng cường quan hệ an ninh Mỹ-Việt. Chẳng hạn, quyết định hồi tháng 6/2011 của Hà Nội nhằm mở lại căn cứ hải quân quan trọng ‎ chiến lược ở vịnh Cam Ranh cho các tàu chiến nước ngoài ra vào được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như là một lời mời đặc biệt đối với Hoa Kỳ, nhằm mục đích đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa kề cận.

Lo ngại của Trung Quốc



Truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng của Bắc Kinh về một số phát triển gần đây trong quan hệ Mỹ-Việt trong quan hệ an ninh, và nhắc nhở Hà Nội lưu ‎tâm về hậu quả.

Về phần mình, Bắc Kinh tỏ ra công khai nghi ngờ về sự ấm lên trong quan hệ Mỹ-Việt, đặc biệt là các chiều kích an ninh trong mối quan hệ này. Truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng của Bắc Kinh về một số phát triển gần đây trong quan hệ Mỹ-Việt trong quan hệ an ninh, và nhắc nhở Hà Nội lưu ‎tâm về hậu quả.

Trung Quốc có nhiều quan ngại. Đầu tiên là mối quan hệ được cải thiện giữa Washington và Hà Nội sẽ tiếp tay cho mục tiêu "bao vây" hoặc "hạn chế" Trung Quốc và qua đó làm suy yếu các mục tiêu chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng cảnh giác rằng các căng thẳng trong khu vực, bao gồm cả căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ biện minh cho sự hiện diện lâu dài của quân Mỹ ở Đông Nam Á. Một mối quan ngại cuối cùng của Trung Quốc là Hà Nội sẽ cố gắng lợi dụng các nỗ lực của Hoa Kỳ để "tái cân bằng" châu Á và nhấn mạnh hơn tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Nam Trung Hoa.

Do sự gần gũi về địa lý và tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc, duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh có lẽ là mối quan tâm quan trọng duy nhất của Việt Nam trong chính sách đối ngoại. Hà Nội cẩn trọng cân nhắc các quyết định của mình trong mối quan hệ với Bắc Kinh và thường chứng minh với một số mức độ nhất định nhằm xoa dịu người láng giềng phương Bắc. Ví dụ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã xóa bỏ những mô tả tiêu cực về Trung Quốc trên các trang mạng của người Việt, đóng cửa các xuất bản phẩm trong nước chỉ trích Bắc Kinh và giam giữ các blogger Việt Nam công khai chất vấn Hà Nội về việc xử lý mối quan hệ song phương của mình. Việt Nam cũng đã bắt giữ các thành viên của phong trào Pháp Luân Công, vốn bị cấm ở Trung Quốc, và chú trọng đảm bảo an ninh đặc biệt cho rước đuốc Olympic tiền Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh năm 2008 chặng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Hà Nội đồng thời cũng thể hiện thái độ sẵn sàng chống Bắc Kinh, đặc biệt trong những vấn đề xét thấy có liên quan đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tích cực đối đầu với Trung Quốc nhiều nhất. Trong một số trường hợp, Hà Nội đã phản ứng thái độ hung hãn của Trung Quốc trê Biển Đông bằng trả đũa và đôi lúc là tiến hành các biện pháp khiêu khích khác. Chẳng hạn, đáp lại việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân và tuần duyên tại đây, hồi tháng 6/2011 quân đội Việt Nam tiến hành tập trận hải quân bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển miền trung của Việt Nam trên Biển Đông và công bố mua tàu ngầm của Nga để "bảo vệ đất nước".

Không muốn mất lòng



Việt Nam sẽ theo đuổi quan hệ với Hoa Kỳ theo cách mà không làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Trung Quốc.

Mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ có thể được hiểu rõ nhất trong bối cảnh của mối quan hệ Trung-Việt phức tạp. Sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như lợi ích chồng chéo của Washington và Hà Nội trong việc ổn định khu vực làm cho Hoa Kỳ trở thành một đối tác tiềm năng của Việt Nam khi tìm kiếm phương thức chống lại Trung Quốc. Nhưng đồng thời Hà Nội cũng rất thính nhạy với mối quan hệ nhạy cảm với Bắc Kinh và tích cực đề phóng bất kỳ kịch bản nào mà theo đó sẽ tăng cường hợp tác với Washington mà gây ra sự suy giảm đáng kể trong mối quan hệ Trung-Việt. Do đó, Việt Nam có khả năng tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ khi mối quan hệ dường như giúp ngăn chặn hành động của Trung Quốc mà Hà Nội không mong muốn, nhưng Việt Nam cũng đề phòng để tránh bất kỳ sự kích động phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.

Dẫu vậy, triển vọng ngắn hạn của quan hệ Mỹ - Việt là tốt đẹp, và vẫn còn chỗ để phát triển. Cố gắng gần đây của Mỹ nhằm “tái cân bằng” châu Á – Thái Bình Dương trùng khớp với nỗ lực của Việt Nam muốn đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và mở ra cơ hội mới cho hợp tác. Ví dụ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thảo luận về việc đẩy quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược”. Hai nước đang đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Về an ninh, hai nước hồi tháng Tư 2012 đã tiến hành hoạt động hải quân lần thứ ba. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Panetta thăm Việt Nam, hai bên cũng đạt thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác quân sự nhiều lĩnh vực.

Dĩ nhiên cần chỉ ra rằng quan hệ Mỹ - Việt còn có những thách thức. Trong đó có di sản chiến tranh, sứ né tránh xây dựng liên minh của Hà Nội, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam và lo ngại của Việt Nam về việc Mỹ thúc đẩy dân chủ.

Tuy vậy, chúng tôi kết luận rằng triển vọng chung về quan hệ là tốt đẹp, nhờ sự tái cam kết với châu Á của Mỹ, lợi ích kinh tế chung, và mong muốn chung xây dựng niềm tin. Những mục tiêu chung này sẽ bảo đảm quan hệ hai nước tiếp tục đi lên.

Điều quan trọng là khi xu hướng này tiếp tục, Hoa Kỳ sẽ ngày càng trở thành yếu tố gây phức tạp cho quan hệ vốn đã phức tạp của Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi Trung Quốc chắc sẽ theo dõi quan hệ an ninh Mỹ - Việt với sự lo ngại, thì tầm quan trọng mà Hà Nội dành cho quan hệ với Bắc Kinh sẽ bảo đảm cho quan hệ Việt – Trung chỉ bị chia rẽ ở mức tối thiểu.

Việt Nam cũng không xem quan hệ với Washington và Bắc Kinh là trò chơi chỉ một kẻ thắng. Như Nguyễn Nam Dương, một nhà nghiên cứu ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói: “Việt Nam sẽ có quan hệ độc lập với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và chúng tôi muốn phân biệt rõ hai quan hệ đó.”

Nói cách khác, mặc dù quan hệ Việt – Trung có thể tiếp tục căng thẳng, Hà Nội sẽ cố gắng duy trì quan hệ xây dựng với Bắc Kinh dựa trên hợp tác kinh tế và giảm bớt những va chạm sẵn có. Việt Nam sẽ theo đuổi quan hệ với Hoa Kỳ theo cách mà không làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Trung Quốc.

James Bellacqua và Brad Daniels là các nhà phân tích ở Ban Nghiên cứu Trung Quốc của CNA. Bài viết phản ánh ‎ý kiến cá nhân của hai người, chứ không nhất thiết là của CNA.

Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét