Vibay

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Trung Quốc tiếp tục cản trở ‘Bộ Quy Tắc Ứng Xử’ Biển Ðông

20/11/2012- Trung Quốc đã đạt được mục đích khi đã cản trở thành công những thúc hối của nhiều nước ASEAN muốn có sớm cuộc đàm phán để có một Bộ Quy Tắc Ứng Xử hầu tránh xung đột liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.


Các lãnh tụ ASEAN và đối tác Mỹ chuẩn bị chụp hình lưu niệm nhân ngày họp Hội Nghị Thượng Ðỉnh giữa ASEAN và các đối tác ở thủ đô Phnom Penh hôm Thứ Hai 19 tháng 11, 2012. Từ trái: Tổng Thống Philippines Benigno Aquino, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long, nữ Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Thủ Tướng Cambodi Hun Sen, tiểu vương Brunei Hassanal Bolkiah, Tổng Thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ Tướng Lào Thongsing Thammavong, Thủ Tướng Malaysia Najib Razak và Chủ Tịch Myanmar Thein Sein. (Hình: JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images)

Với sự hậu thuẫn lộ liễu của nước chủ nhà Cambodia hiện đang là chủ tịch luân phiên ASEAN, nhiều lắm cũng chỉ có những lời đòi hỏi hay tố cáo những cản trở cho một lịch trình bàn luận ở cấp cao nhất. Tin tức cho hay nhiều phần sẽ không có một nghị trình chính thức cho các tranh chấp biển Ðông khi tổng thống Mỹ từ Thái Lan đến Phnom Penh dự cuộc họp với các đối tác.

Ðiều này làm nhớ lại cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 vừa qua cũng tại Phnom Penh, tổ chức đã không ra nổi một bản thông cáo chung kết thúc chỉ vì Cambodia nhận chỉ thị từ Bắc Kinh, bác bỏ lời kêu gọi của Việt Nam và Philippines về biển Ðông.

Theo AFP, hôm Thứ Hai, 19 tháng 11 năm 12012, các lãnh tụ 10 nước ASEAN tưởng đã hy vọng đứng chung một lập trường về giải quyết tranh chấp biển Ðông khi chuẩn bị gặp Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Nhưng nỗ lực đã bị tắc lại trước sự đối nghịch giữa Philippines với Cambodia, đồng minh của Trung Quốc.

Hôm Chủ Nhật 18 tháng 11 năm 2012, Cambodia loan báo các lãnh tụ ASEAN đã đồng ý “không quốc tế hóa” cuộc tranh chấp và chỉ giữ các cuộc đàm phán giữa các nước liên quan. Ðiều này phản ảnh rõ rệt lập trường và chủ đích của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hôm Thứ Hai, Tổng Thống Philippines Benigno Aquino công khai phản bác lời nói của Thủ Tướng Cambodia Hun Sen là hoàn toàn không có một sự “đồng thuận” nào như vậy. Ông còn cho hay Philippines sẽ tiếp tục nêu vấn đề ở trên các diễn đàn thế giới.

Hãng tin Philippines GMA tường thuật lại chi tiết hơn.

“Tại cuộc họp mặt ASEAN ngày hôm qua (Chủ Nhật) (buổi nghỉ dưỡng), đã có nhiều quan điểm khác nhau được trình bày về vấn đề hợp nhất (hành động) của ASEAN, được chủ tịch (ASEAN) diễn dịch là đồng thuận.” Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario gửi tin nhắn tới GMA viết. “Cái đó không phải là sự hiểu biết của cả Philippines và ít nhất một nước khác”.

Nước khác được hiểu ngầm là Việt Nam, một quốc gia có “lịch sử tranh chấp đẫm máu” với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo.

Sự hợp nhất hành động được hiểu là kêu gọi Trung Quốc cùng với ASEAN tiến hành nhanh chóng các cuộc bàn luận chi tiết một Bản Quy Tắc Ứng Xử (COC) ở cấp cao nhất.

Không những Philippines chống đối, Thủ Tướng Nhật Yoshihiko Noda chống lại chủ trương của nước chủ nhà Cambodia muốn giới hạn các cuộc thảo luận về biển Ðông. Một bản tuyên bố của chính phủ Nhật phổ biến nói ông Noda đã gặp các lãnh tụ ASEAN về các vấn đề khu vực mà các bên đều quan tâm vì có tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định cả khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Theo Reuters, khi Thủ Tướng Cambodia Hun Sen bắt đầu kết thúc cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nhật và các lãnh tụ ASEAN, tổng thống Philippines “đột ngột giơ tay và phát biểu chen vào nói ngắn gọn” là không có sự “đồng thuận” nào cả.

“Xin ghi vào biên bản là điều đó (đồng thuận) không có như tôi hiểu”. Ông Aquino nói. “Lộ trình ASEAN không phải chỉ là một lộ trình duy nhất của chúng tôi. Là một nước có chủ quyền, chúng tôi có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Philippines từng cân nhắc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra các cơ quan tài phán của Liên Hiệp Quốc.

“Trong khi Philippines muốn hậu thuẫn cho một tổ chức ASEAN thống nhất lập trường, chúng tôi có quyền đương nhiên phải bảo vệ lợi ích quốc gia khi cần”. Ngoại Trưởng Rosario nói.

GMA nói Bộ Ngoại Giao Philippines đã gửi một văn bản chính thức trình bày lập trường của họ đến Cambodia và tất cả các ngoại trưởng ASEAN.

Theo lời ông Rosario, tuy Việt Nam cùng lập trường với Philippines chống lại những lời tuyên bố của Hun Sen nhưng tin tức báo chí quốc tế hoàn toàn thấy cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đều nín lặng.

Về phía Trung Quốc, chỉ thấy thông tấn AFP thuật lại lời Ôn Gia Bảo lập lại với các lãnh tụ ASEAN là Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán với các nước liên quan tranh chấp chứ không muốn các nước bên ngoài xía vào, quốc tế hóa vấn đề. Lập trường này vẫn không đổi lâu nay.

Bắc Kinh coi gần hết biển Ðông là “ao nhà” của mình, dựa vào thế mạnh nước lớn. Những va chạm, căng thẳng trên biển Ðông những năm qua giữa Bắc Kinh với Việt Nam và Philippines đều phát xuất từ thái độ bá quyền của Trung Quốc.

Nhiều nhà bình luận thời sự quốc tế từng dự đoán khó lòng có một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) trên biển Ðông như các nước ASEAN mong muốn trừ phi Bắc Kinh đạt được những điều họ muốn.

Theo tin tức quốc tế, có thể Tổng Thống Obama cũng nêu quan điểm của Hoa Kỳ đối với tranh chấp biển Ðông vì có quyền lợi quốc gia ở khu vực. Tuy nhiên, trước sự mua chuộc và áp lực của Bắc Kinh với nước chủ nhà, các cuộc họp năm nay của ASEAN về biển Ðông không dẫn tới một kết quả cụ thể nào. (T.N.)

Theo Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét