Dương Danh Dy
1. Gần đây qua Tạp chí “Bách khoa trí thức” (bản tiếng Trung, số ra tháng 7 năm 2012) tôi đọc được bài viết “ Biển Đông: tính đa dạng thiên nhiên và tài nguyên” của tác giả Đông Tuyết. Bài viết dài khoảng 3 trang, đề cập tới nhiều vấn đề như: Phân loại đảo bãi ở Biển Đông; Tính đa dạng của khí hậu; Tính đa dạng của nghề cá và tài nguyên; Tính đa dạng của sinh vật lục địa; Môi trưòng chưa ô nhiễm và tài nguyên đáy biển phong phú.
Tác giả bài viết, đã có một số nhận xét và đánh giá về Biển Đông, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nêu trích dẫn sau: “ Mặc dù mấy năm gần đây ô nhiễm tại khu vực gần bờ biển Biển Đông dần dần nghiêm trọng, nhưng chủ yếu là vùng nước cục bộ gần bờ các thành phố tại khu vực cửa khẩu sông Chu, Dương Giang, Trạm Giang và Khâm Châu, còn vùng biển xa, cách xa đường ven biển như khu vực biển Hoàng Sa và Trưòng Sa thì vẫn giữ được là vùng nước biển thuần thiên nhiên không ô nhiễm”… Ở vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa rất sạch đó, còn có tài nguyên đáy biển phong phú…” (như chúng ta đã biết nên tôi không trích dẫn).
2. Và gần đây nhất là qua Báo cáo Chính trị tại Đại Hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc hôm 14/11/2012, tôi đọc được câu “… Không ngừng triển khai và đi sâu chuẩn bị đấu tranh quân sự, nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng hoá mà hạt nhân là khả năng đánh thắng chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hoá”.
Hai vấn đề nêu trong hai bài viết dài không tới mươi dòng nhưng đã làm tôi suy nghĩ không yên, không thể không nêu ra để các bạn đọc thân yêu trong và ngoài nước cùng suy ngẫm.
Nhận định vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là rất sạch, có tài nguyên đáy biển phong phú” nói lên điều gì?
Không nói ai cũng biết: điều đó càng lôi cuốn, càng tăng thêm lòng tham, ý đồ bá chiếm Biển Đông của Trung Quốc do vậy càng mạnh mẽ hơn, điên cuồng hơn... vì Biển Đông “ngon ăn quá”!
Trung Quốc sẽ gây chiến tranh cục bộ với ai? Và ở đâu?
Với một nước nào đó ở châu Phi hay ở Trung Cận Đông, hay ở châu Mỹ, châu Đại Dương chăng? Tôi không tin nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ có những cuộc chiến tranh cục bộ ở mấy nơi xa xôi này.
Không phải với các nước ở xa thì sẽ là với các nước xung quanh. Thế nhưng với nước nào?
Tôi mạnh dạn loại trừ khả năng với Nga và mấy nước Trung Á thuộc SNG (nếu như họ không giúp Tân Cưong tách ra thành một nước).
Với Ấn Độ tuy có những tiềm ẩn về xung đột biên giới, nhưng Ấn Độ hôm nay đã khác xa Ấn Độ năm 1962, năm Trung Quốc gây chiến tranh biên gíới Trung Ấn. Trung Quốc không thể “liều lĩnh”.
Tôi cũng loại trừ khả năng Trung Quốc gây chiến tranh cục bộ với Bắc Triều Tiên, với Hàn Quốc.
Gần đây tranh chấp đảo Senkaku (Điếu Ngư) căng thẳng thêm, nhưng Trung Quốc không dại gì gây chiến với Nhật để “ngư ông Mỹ, Nga, nhất là ngư ông Mỹ đắc lợi” khi hai nước nhất nhì Châu Á “đánh nhau”.
Thế thì chỉ còn các nước ASEAN thôi. Tuy vậy chúng ta có thể loại trừ các nước Lào, Cămpuchia, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Malaysia vì họ không có “vướng mắc lớn” với Trung Quốc. Từ đó có thể dễ dàng thấy chỉ còn lại hai nước Philippines và Việt Nam.
Tuy vậy cần phải nỏi thẳng ra rằng, Philippines cách Trung Quốc một vùng biển xa, rộng lớn, hơn nữa Phlippines còn có quan hệ chặt chẽ với nhiều nước phưong Tây nhất là Mỹ. Vừa qua chúng ta thấy Trung Quốc đã “nắn gân, hù doạ” nhưng nhân dân Philippines không hề tỏ ra e sợ. Liệu Trung Quốc có gây chiến tranh cục bộ ở đây không? Câu trả lời là rất ít khả năng.
Nhân dân Việt Nam rất muốn sống hoà bình với ngưòi láng giềng lớn Trung Quốc. Không phải là phần tử cứng rắn và cũng chẳng muốn vận vào mình, nhưng càng suy nghĩ tôi càng thấy rằng cuộc chiến tranh cục bộ mà quân đội Trung Quốc đang và sẽ tích cực chuẩn bị nếu xẩy ra trong tương lai có lẽ có tới 90% là nhằm vào Việt Nam chúng ta với lý do là Biển Đông.
Có nên nhìn thẳng vào sự thực không ai muốn đó không?
Mong bạn đọc cho ý kiến.
Ngày 17/11/2012
D.D.D
http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/suy-nghi-them-ve-bien-ong-nhan-oc-hai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét