06/11/2012- “Khi có tên cướp đột nhập vào nhà cướp tài sản.Nếu không đủ sức và không thể nện cho tên cướp một trận, tôi sẽ báo cơ quan công an đến can thiệp, giải quyết theo pháp luật”... Một bạn đọc đã gửi ý kiến như trên sau khi đọc bài "Trung Quốc lộ rõ mưu đồ xâm phạm Hoàng Sa”, đăng trên báo điện tử Người Lao Động ngày 5-11.
(NLĐO) - Bài báo đã thu hút hơn 9.000 lượt người truy cập, gần 500 bạn đọc đã gửi ý kiến, bày tỏ thái độ của mình trước việc Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thực hiện các mưu đồ biến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thành cái gọi là thành phố Tam Sa. Với nhiều bạn đọc, hành động ngang ngược trên chẳng khắc nào của một kẻ cướp.
Phần lớn ý kiến bạn đọc cho rằng, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao mềm mỏng nhưng kiên định trong giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc. Nhưng chúng ta càng mềm mỏng Trung Quốc càng lấn tới. Với thái độ bức xúc, bạn đọc Vũ Bằng cho rằng: “Không phải đến bay giờ Trung Quốc mới lộ rõ mưu đồ xâm phạm Hoàng Sa. Thực tế năm 1974 Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng sa rồi. Chẳng những xâm chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc còn đánh chiếm một số đảo, bãi đá ngầm Trường Sa của ta và còn tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam sa với ý đồ trong tương lai sẽ thôn tính nốt các đảo còn lại trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam”. Bạn đọc Dang nói thêm: “ Từ ngàn năm, dân tộc Việt Nam có bao giờ đuợc sống yên ổn với người láng giềng phương Bắc? Lịch sử còn đó, bao nhiêu cuộc chiến tranh xương máu bảo vệ đất nước vẫn còn đó”.
Nếu search vào google tên “thành phố Tam Sa”, chỉ trong 0,39 giây sẽ cho ra 4,1 triệu kết quả, ngược lại “đảo Phú Lâm” là 4,67 kết quả và “Hoàng Sa” là 13,6 triệu kết quả. Hầu hết các kết quả trên đều chỉ dẫn đảo Phú Lâm hay quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên thực tế, lịch sử hai nước cũng như các tài liệu có giá trị quốc tế cũng đã chứng minh quần đảo Hoàng Sa, trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Như vậy, cái gọi là thành phố Tam Sa rõ ràng chỉ là một thành phố “chui”, không có giá trị pháp lý quốc tế. Trớ trêu thay, Trung Quốc với “đường lưỡi bò” do mình tự vẽ đang mưu đồ biến tất cả các vùng tranh chấp trên biển Đông thành cái của riêng mình.
Dù nhận thức rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng mọi người Nam yêu nước đều hiểu rằng giải quyết tranh chấp với Trung Quốc không đơn giản như cách xử của chủ nhà với một kẻ cướp. Đây là quá trình đấu tranh lâu dài và quan điểm của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam là nỗ lực ngoại giao để buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Chúng ta có lòng tự tôn dân tộc. Chúng ta không thể mãi “lịch sự” với kẻ cướp vào nhà mình". Đó là lý do mà nhiều bạn đọc cho rằng Việt Nam cần phải có những hành động thực tế, mạnh mẽ hơn.
Nguồn : nld.com.vn
http://nld.com.vn/20121106111317548p0c1002/khong-the-mai-lich-su-voi-ke-cuop.htm (Báo Người lao động đã gỡ bỏ bài này)
http://www.tinmoi.vn/khong-the-mai-lich-su-voi-ke-cuop-111098983.html
Cẩn thận anh bộ đội ơi. Kẻo lại mang tội chống phá tổ quốc, lật đổ chính quyền đó.
Trả lờiXóa