Vibay

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

'Quảng bá sử liệu chủ quyền là cách đấu tranh mạnh nhất'

30/10/2012- Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, không quốc gia nào có những bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa mạnh mẽ như Việt Nam. Việc quảng bá các sử liệu này là cách đấu tranh mạnh nhất của nước ta.

Ngày 30/10, trong hội thảo "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam", tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Văn thư lưu trữ Nhà nước cho biết, vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông là một điểm nóng chính trị của khu vực hiện nay. Việc đưa ra các tài liệu lưu trữ là bằng chứng xác thực, có tính pháp lý khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. "Nhiệm vụ của các cơ quan lưu trữ là phải tích cực sưu tầm, thu thập và phát huy giá trị nguồn sử liệu này", bà Hương nói.


Bản đồ Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Bảo tàng lịch sử.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Nhã (nhà sử học có công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa) nhận định, không có một quốc gia nào đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà có nhiều bằng chứng, tài liệu cấp nhà nước từ trước năm 1909 (bắt đầu có tranh chấp chủ quyền) như Việt Nam. "Việc quảng bá, công bố những sử liệu về Hoàng Sa và Trường Sa là cách đấu tranh mạnh nhất của chúng ta trong việc khẳng định chủ quyền", Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh.

Theo ông Nhã, chúng ta đang có những tài liệu, chứng cứ lịch sử mà các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha... vẫn còn lưu giữ chứng tỏ Trung Quốc đã không thừa nhận chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là sự kiện một chiếc tàu Nhật Bản bị đắm trên vùng biển Paracel (Hoàng Sa) năm 1898 đã yêu cầu công ty bảo hiểm của Trung Quốc phải bồi thường, song chính quyền Trung Quốc cho rằng quần đảo này không thuộc chủ quyền của mình nên không chấp nhận bồi thường.

Nhà sử học cũng cho rằng, trong việc đấu tranh về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến sự chiếm hữu thật sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, thì châu bản của vua Minh Mạng năm 1836 (về sự thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này) là quan trọng nhất. Bởi trong phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (tập châu bản Minh Mạng 55, trang 336) ghi lời châu phê của Vua Minh Mạng "Mỗi thuyền viễn thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ 'Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc', cắm cột mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu".

Ngoài ra, Tiến sĩ Nhã cũng dẫn chứng về các châu phê khác của vua thời điểm đó như "thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu" hay phúc tấu còn ghi "chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa"; nhiều châu bản khác của năm 1845, 1847 thời vua Thiệu Trị...

"Đây là những văn bản cấp nhà nước mà không có quốc gia nào có được trước năm 1909. Chúng ta phải dùng những sử liệu này để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền", nhà sử học nhấn mạnh.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã trao đổi cũng Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) sáng 30/10 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Công.

Để thực sự phát huy giá trị của những nguồn sử liệu quý mà cơ quan nhà nước đang quản lý, theo ông Nhã, cần thay đổi tư duy hài hòa giữa trách nhiệm lưu trữ và trách nhiệm khai thác tài liệu lưu trữ cho nhà nghiên cứu. "Hiện nay người phụ trách lưu trữ văn khố thường chỉ lo trách nhiệm lưu trữ mà không quan tâm đến trách nhiệm cho các người nghiên cứu khai thác tài liệu quý. Nếu tài liệu lưu trữ được tốt mà không phục vụ cho sự khai thác thì lưu trữ để làm gì", nhà sử học đặt vấn đề.

Đáp lại những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Cục trưởng Văn thư Lưu trữ Nhà nước nhìn nhận việc những người làm công tác lưu trữ chỉ quan tâm đến tài liệu, mục lục và danh sách tài liệu. Trong khi có những điều chỉ các nhà nghiên cứu chuyên sâu, gợi mở thì người quản lý mới biết được những văn bản, những cột mốc nào quan trọng. "Hy vọng hội thảo này là bước khởi đầu cho mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu và những người làm công tác lưu trữ để sự hợp tác và hỗ trợ giữa 2 bên ngày càng thắt chặt hơn", bà Hương chia sẻ.

Hữu Công/ Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét