Nghe:
Trần Nhân Tông là một hoàng đế của vương quốc Đại Việt nửa cuối thế kỷ XIII. Nhân vật lịch sử này được biết đến cùng một lúc như là người lãnh đạo vương quốc trong thời gian hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống xâm lược Nguyên – Mông phía bắc, người kiến lập nền hòa bình với vương quốc Chăm pa ở phía nam. Trần Nhân Tông còn đặc biệt nổi tiếng như là người sáng lập dòng thiền Phật giáo mang tên Trúc Lâm Yên Tử. Trong vài thập niên gần đây ở Việt Nam, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được phục hồi và có xu hướng phát triển ngày càng mạnh. Theo đánh giá của một bộ phận công luận tại Việt Nam, Trần Nhân Tông được coi như một trong các vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, trị vì đất nước với một phong cách gần dân và một chủ trương khoan hòa.
Sự ra đời của một viện nghiên cứu và phổ biến giá trị gắn liền với tên tuổi một danh nhân Việt Nam tại Boston, một trung tâm văn hóa khoa học lớn của nước Mỹ, là một điều gây bất ngờ đối với nhiều người Việt Nam. Để đưa tới quý thính giả một số thông tin về các hoạt động và mục tiêu của Trần Nhân Tông Academy, chúng tôi có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc điều hành Viện Trần Nhân Tông tại Boston, và là người, như chúng tôi được biết, đã khơi màn cho sáng kiến thành lập viện, cũng như cho nhiều hoạt động của Trần Nhân Tông Academy.
Tham gia vào tạp chí hôm nay còn có nhà thơ Trần Việt Phương từ Hà Nội, bà Nguyễn Thúy Hà, giám đốc công ty phi lợi nhuận Open Minds ở Hà Nội, phụ trách phát triển các hoạt động liên quan đến Trần Nhân Tông ở Việt Nam, nhà sử học Nguyễn Duy Chính và giáo sư Phạm Cao Dương (từ California – Hoa Kỳ).
Khởi nguồn của ý tưởng về một giải thưởng mang tên Hòa giải và Yêu thương có lẽ đã bắt đầu từ sáng kiến tổ chức một « ngày Hòa giải và Yêu thương » hàng năm 9-9 tại Việt Nam, của mạng kết nối tri thức mang tên Open Mind Network, theo sáng kiến của một số học giả Trung tâm báo chí chính trị và chính sách công Shorenstein (Đại học Havard). Cùng với sự lên ngôi của ngày Hòa giải và Yêu thương tại Việt Nam là một loạt các hoạt động nhằm tôn vinh Trần Nhân Tông. Như vậy là, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ý tưởng về một ngày Hòa giải và Yêu thương vào tháng 9 hàng năm đã được kết nối với biểu tượng « Vua Phật » Trần Nhân Tông để đưa đến "The Tran Nhan Tong Reconciliation Prize", một trong các giải thưởng quốc tế đầu tiên mang tên một danh nhân Việt Nam, cũng được tổ chức trong tháng này.
Viện Trần Nhân Tông hay Trần Nhân Tông Academy, một cơ sở nghiên cứu khoa học về một danh nhân Việt Nam, truyền bá các giá trị và tìm kiếm các giải pháp cho các xung đột xã hội đương đại trên thế giới, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hoạt động chính trị và truyền thông, các nhà nghiên cứu về khoa học chính trị, pháp lý… , các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới, như : bà Ann L. McDaniel, phó giám đốc tập đoàn truyền thông The Washington Post, ông Michael Dukakis, nguyên ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 1988, cựu thống đốc bang Massachusetts, cựu tổng thống Latvia bà Vaira Vike– Freiberga, ông Thomas Pattterson, giáo sư về Chính trị và Báo chí tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard, nhà toán học Hoàng Tụy, nguyên chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An, nhà thơ Trần Việt Phương…
Nội dung các hoạt động và đường hướng của Trần Nhân Tông Academy, cũng như quá trình hình thành của Viện, sau đây xin mời quý vị nghe tiếng nói của ông Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách Viện Trần Nhân Tông từ Boston :
Ông Nguyễn Anh Tuấn (Boston)
RFI : Kính chào ông Nguyễn Anh Tuấn. Trước hết xin cảm ơn ông đã nhận lời nói chuyện với thính giả RFI. Xin được hỏi ông về các nội dung hoạt động chính của Viện Trần Nhân Tông/Trần Nhân Tông Academy.
Nguyễn Anh Tuấn : Xin cảm ơn anh, cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Viện Trần Nhân Tông hoạt động như một tổ chức xã hội, có nghiên cứu, có các hoạt động xã hội. Nghiên cứu thì chúng tôi sẽ phát triển, đẩy mạnh và tổ chức các nghiên cứu, để tìm hiểu kỹ hơn về những giá trị, những di sản của Trần Nhân Tông, và từ đó có thể quảng bá và giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Đấy là công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng, làm sao để ứng dụng được nhiều các giá trị đó vào trong xã hội. Giải thưởng Trần Nhân Tông Hòa giải cũng là một hoạt động quan trọng. Một trong những tiêu chí của Viện Trần Nhân Tông là làm sao thúc đẩy, làm sao đem đến những giá trị, những giải pháp cho thế giới, để vừa ngăn ngừa, vừa giảm thiểu, làm sao cho xung đột trên thế giới bớt đi, Hòa giải yêu thương trở nên chủ đạo trong cuộc sống hàng ngày.
RFI : Xin ông cho biết các hướng nghiên cứu chính về Trần Nhân Tông và di sản của Trần Nhân Tông trong tương lai gần của Viện.
Nguyễn Anh Tuấn : Chúng tôi có những định hướng, chẳng hạn như nghiên cứu một cách sâu sắc, thấu đáo, đầy đủ, những giá trị di sản của Trần Nhân Tông, vì đã hơn 7 thế kỷ, những tư liệu không còn nhiều. Có nhiều bài báo, sách nói về thân thế và sự nghiệp Trần Nhân Tông, nhưng cần những nghiên cứu thấu đáo hơn, có sở cứ hơn, thuyết phục bạn bè quốc tế hơn.
Thứ hai là, tổ chức tập hợp các tư liệu còn tản mát, rải rác của Trần Nhân Tông, tiến tới xây dựng một bảo tàng về Trần Nhân Tông. Đây là sáng kiến của giáo sư Thomas Patterson, chủ tịch Viện Trần Nhân Tông. Ở Hà Nội, cần một bảo tàng có tầm quốc tế xứng đáng với thủ đô Hà Nội, và Trần Nhân Tông là một danh nhân rất lớn của Việt Nam xứng đáng với một bảo tàng lớn, xứng tầm quốc tế. Làm sao để bảo tàng đó có chất lượng, nội dung có giá trị để xứng tầm một bảo tàng lớn, được bạn bè thế giới trân trọng. Đây là các công tác nghiên cứu của Trần Nhân Tông Academy.
Ngoài ra là việc xuất bản các ấn phẩm qua các hội nghị, ví dụ như hội nghị về Hòa giải, 21/09 ở đây, tại đại học Havard. Sẽ có những báo cáo có chiều sâu, rồi chúng tôi sẽ tổ chức các ấn phẩm, các cuốn sách. Sau này sẽ có những hội nghị bàn tròn Trần Nhân Tông bàn về những giải pháp để giải quyết xung đột, ngăn ngừa xung đột chẳng hạn.
Academy không chỉ làm một mình. Chúng tôi tập hợp, liên kết, vận động nhiều nguồn lực trí tuệ, hợp tác trong và ngoài nước, làm sao để phối hợp cùng nhau để nghiên cứu, để đưa ra được các kết quả tốt. Những công việc này không phải ngày một ngày hai, mà còn rất dài hơi, khổ công lắm, không đơn giản tí nào.
Việt Nam là khu vực cần ưu tiên, dân tộc Việt Nam cần hòa giải
RFI : Về hướng nghiên cứu ứng dụng, được coi là một đặc điểm nổi bật của Viện Trần Nhân Tông, Viện có ưu tiến một khu vực địa lý nào không, và một loại hình xung đột nào không ?
Nguyễn Anh Tuấn : Những nơi được ưu tiên là các khu vực « nóng », đang xảy ra xung đột, hoặc tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra xung đột lớn, thì tôi nghĩ Trần Nhân Tông Academy sẽ quan tâm.
Còn về vùng ưu tiên, tôi nghĩ rằng, ngay cả Việt Nam chúng ta cũng là một vùng cần ưu tiên. Dân tộc Việt Nam cũng cần hòa giải. Trong tương lai, làm sao để những khoảng cách, những khác biệt giữa nhóm người này và nhóm người khác trong dân tộc chúng ta, làm sao có một tiếng nói chung, có một sức mạnh tổng lực để đoàn kết, làm sao cho dân tộc chúng ta có một sức mạnh to lớn, để đoàn kết yêu thương nhau, quý mến nhau, cộng hưởng với nhau. Chúng tôi rất tâm niệm, rất tâm huyết, biết điều này nhiều trở lực, nhiều trở ngại. Nhưng chúng ta có thể quan tâm, có thể làm, làm từ đơn giản, từ những việc nhỏ, những vấn đề nhỏ, rồi chúng ta sẽ ra được những con đường lớn, những công việc lớn. Nhưng mà, thôi chúng ta hãy cứ thành tâm, hãy suy nghĩ, hãy trăn trở vì nó, thì đấy là… Làm sao để hàng ngày mỗi người chúng ta sống áp dụng được những cái minh triết, những cái giá trị sống yêu thương, nhân bản, nhân ái, vị tha, hòa giải của Trần Nhân Tông. Và (ứng dụng) cho chính cuộc sống hàng ngày, tôi nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc cho chính chúng ta.
Viện Trần Nhân Tông : kết tinh tâm huyết trí tuệ trong nước và quốc tế
RFI : Thưa ông, bản thân tôi và có thể một bộ phận công chúng, rất là ấn tượng khi được nghe đến một viện nghiên cứu mang tên một danh nhân Việt Nam mà lại được đặt tại Hoa Kỳ, một quốc gia có quan hệ thăng trầm với Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết về quá trình thành lập viện, mà theo tôi được biết, ông là một người chủ xướng và có vai trò quan trọng trong quá trình thành lập cũng như các hoạt động bước đầu của viện.
Nguyễn Anh Tuấn : Quá trình này là một sự trăn trở, có nhiều đóng góp, hợp lực của nhiều trí tuệ và tâm huyết trong xã hội, không chỉ riêng tôi. Vào thời điểm năm 2009, chúng tôi có những suy nghĩ, có nhiều mong muốn để làm một cái gì đó về Trần Nhân Tông, vì Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh của Việt Nam, nhưng mà phải qua trao đổi, chia sẻ với mọi người, và khi tôi có điều kiện sang Havard - Boston ở đây, tôi có điều kiện gặp gỡ và nói chuyện với các học giả ở Havard, đặc biệt là giáo sư Thomas Patterson, và các bạn bè của tôi ở đây. Tôi cũng có điều kiện nói chuyện và xin ý kiến của những người mà tôi rất quý trọng, như nhà văn hóa Việt Phương ở Hà Nội, người trước đây đã rất nặng lòng cố vấn cho Vietnamnet.
Qua các trao đổi chia sẻ như vậy, tôi thấy tự tin hơn, và đi đến quyết định : vậy là chúng ta có thể suy nghĩ làm một cái gì đó về Trần Nhân Tông để giới thiệu ra thế giới, làm sao để những giá trị của Trần Nhân Tông đi vào đời sống của người Việt Nam chúng ta. Tôi quyết định cùng nhau thành lập Trần Nhân Tông Academy ở đây. Nói tóm lại, đây là một quá trình trăn trở, học hỏi, chia sẻ, chiêm nghiệm và trao đổi với nhau. Tôi nghĩ rằng, đây là kết quả tâm huyết, trí tuệ của nhiều người Việt Nam nói chung, tôi chỉ là một người có lòng, có nhiệt tình, còn lại thì tôi nghĩ rằng, để có được ngày hôm nay, có được công việc đang triển khai thế này là kết tinh của rất nhiều tâm huyết trí tuệ trong nước, cũng như bạn bè quốc tế ở đây.
RFI : Vì sao Viện lại chọn giải thưởng Trần Nhân Tông Hòa giải như là một trọng tâm hoạt động ?
Nguyễn Anh Tuấn : Để giới thiệu Trần Nhân Tông ra nhân loại, thì giải thưởng cũng là một điểm nhấn cho mọi người biết đến và cũng là xứng đáng để trân trọng những con người có các đóng góp, hoặc là có những giá trị đồng cảm, hoặc đang đi theo những giá trị tinh thần mà Trần Nhân Tông đã theo đuổi, đã tâm nguyện. Chúng tôi nghĩ đơn giản như vậy thôi. Tức là giải thưởng Trần Nhân Tông sẽ có sức cổ vũ, có sức lan tỏa, được mọi người quan tâm nhiều hơn, cũng là một sự khích lệ đối với người Việt Nam ở trong nước, khi chúng ta có được một giải thưởng quốc tế mang tên Trần Nhân Tông được bạn bè quốc tế trân trọng.
RFI : Ông có thể cho biết những khó khăn trắc trở để có được một cơ sở như ngày hôm nay với sự tham gia của nhiều nhân vật có uy tín, nhiều học giả thuộc các ngành nghiên cứu khác nhau.
Nguyễn Anh Tuấn : Khó khăn là khởi đầu từ số 0. Mọi người bắt đầu xây dựng bằng tâm huyết, tâm nguyện của mình thôi. Đúng là khi ở Việt Nam, khi còn là tổng biên tập vietnamnet, tôi có cả bao nhiên con người, có nguồn lực để làm, kể cả khả năng tài chính, còn sang đây thì đúng là từ số 0.
Nhưng tôi nghĩ, thôi thì, cái quan trọng nhất là mình có lửa, gọi là có lửa nhiệt tình, rồi có tâm, thì chắc chắn sẽ được sự đồng cảm, đồng hành của nhiều người, chẳng hạn như giáo sư Thomas Petterson đã tham gia làm chủ tịch, rồi một số học giả khác, một số nhà hoạt động xã hội có uy tín khác, như là Michael Dukakis (nguyên ứng cử viên tổng thống Mỹ), hoặc những người như Ann L. McDaniel (phó giám đốc tập đoàn truyền thông The Washington Post)… đã nhận làm cố vấn cho giải thưởng. Đấy là những người đó đã cảm nhận được cái giá trị của hòa giải, yêu thương con người của Trần Nhân Tông. Hoặc bà cựu tổng thống Latvia Vaira Vike– Freiberga từng đến Hà Nội để tham gia hội nghị đầu tiên 16-2.
Khó khăn vẫn còn chồng chất, anh ạ. Nhưng mà tôi nghĩ điều quan trọng nhất là có những người có uy tín, có trí tuệ, có nhân cách đồng hành, cùng chia sẻ, cùng giúp, mỗi người một chút thì đã có ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng, lý tưởng cao đẹp vì hòa bình, lý tưởng hòa giải, hòa bình, đem những điều tốt đẹp, yêu thương cho nhân loại, đã gắn tất cả mọi người với nhau. Tôi thật sự cảm thấy rất xúc động, và đẹp nhất, vui nhất cuộc đời mình, được đi làm, làm cùng với những giá trị rất cao đẹp như vậy, với những người rất cao đẹp, cao quý, để triển khai cùng. Cái đó làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc và tự tin. Chẳng hạn như tôi không thể nào quên được những tâm huyết, những trí tuệ, những chia sẻ, những dẫn dắt, mà nhà thơ Việt Phương đã đồng hành, giúp đỡ, đi cùng, đến giờ này cũng thế, nhà thơ Việt Phương luôn luôn dành tâm huyết, trí tuệ cho Trần Nhân Tông Academy. Nếu có tâm huyết, sẽ có những người đi cùng nữa.
Hòa giải là nền tảng cho Hòa bình ?
RFI : Như ông nói hiện nay, nhiều người và ở khắp mọi nơi có mối quan tâm đến vấn đề hòa giải và tình yêu thương, mà còn hơn cả sự quan tâm, mà có thể nói sự hòa giải trở thành một thách thức với nhân loại hiện nay, để khiến cho người ta phải đi tìm những biểu tượng mới, như hình tượng Trần Nhân Tông ở Việt Nam chẳng hạn, cho dù đã có không ít những biểu tượng cho hòa bình ?
Nguyễn Anh Tuấn : Tôi nghĩ rằng, Trần Nhân Tông là một giá trị của nhân loại chưa được giới thiệu nhiều, và nhân loại chưa biết đến nhiều. Bản thân tôi có một niềm tin là đó là một giá trị cao quý mà nhân loại trân trọng, nếu như chúng ta giới thiệu đúng lúc, đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, có nhiều người cũng có niềm tin ấy cho nên đồng cảm với nhau.
Thứ hai, đúng là vấn đề xung đột của nhân loại luôn luôn không bao giờ dứt, khoa học, công nghệ phát triển mạnh, kinh tế phát triển mạnh, nhiều thành quả, và chúng ta đang sống trong thời đại « văn minh », thời đại thông tin internet, mobile, nhưng chưa bao giờ chúng ta có một thế giới yên bình, không có xung đột, không có bạo lực. Không có chiến tranh thì có bạo lực ở nơi này, nơi khác, giữa con người này, con người khác, nhóm này, nhóm khác. Đó là lý do khiến mọi người vẫn tiếp tục quan tâm, mặc dù có nhiều tổ chức xã hội, nhiều phong trào dấy lên ở nhiều nơi, đã làm rất nhiều, chứ không phải ngày nay chúng ta mới làm, nhưng mà có lẽ vẫn chưa đủ.
Thứ nữa là, HÒA GIẢI là một vấn đề rất đáng để quan tâm. HÒA BÌNH cũng là một giá trị, cũng là một mục tiêu, cũng là vấn đề, nhưng HÒA GIẢI cũng đặt ra nhiều vấn đề cho chúng ta làm. Phải chăng có HÒA GIẢI, có khoan dung, có lượng thứ nhau, có thông cảm, đồng cảm, chia sẻ với nhau, thì sẽ dễ dàng dẫn đến, hoặc nó là nền tảng để có được HÒA BÌNH vững chắc hay chăng ? Về sự yêu thương giữa con người với nhau, về sự chia sẻ độ lượng, để từ đó con người vượt qua được những hận thù, những đố kỵ, ganh ghét nhau, để có thể làm hạt nhân cho HÒA BÌNH, ổn định, tốt đẹp cho con người trong tương lai hay chăng ? Về cái này tôi cũng phải suy nghĩ, phải nghiên cứu thật nhiều. Tôi nghĩ về khía cạnh này, đặt vấn đề của anh cũng là chính xác, tôi cũng đồng cảm với cái nêu của anh như vậy.
RFI : Xin thay mặt RFI chúc ông và Viện Trần Nhân Tông nhiều thành công, và hy vọng có thời gian được chuyển tiếng nói của ông và các học giả trong viện tới thính giả của đài.
Nguyễn Anh Tuấn : Cảm ơn anh và qua đài, xin cảm ơn thính giả RFI. Một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với mọi nỗ lực, mọi tâm huyết, trí tuệ của mọi người trong thời gian vừa qua, đã giành cho Trần Nhân Tông Academy, rất nhiều, rất nhiều. Có thể nói đó là sự trân trọng lớn của tôi và của những người đã và đang xây dựng Trần Nhân Tông Academy và mong rằng trong thời gian tới sẽ nhận được những trí tuệ, những tâm huyết, những đóng góp ở khắp mọi nơi để xây dựng nên một viện Trần Nhân Tông có nhiều đóng góp cho nhân loại cho sự nghiệp Hòa giải và Yêu thương. Chúng tôi luôn đón nhận và trân trọng.
Cần thực sự chú ý đến các nghiên cứu cơ bản
Như quý vị đã biết, một trong các sứ mạng chính mà Trần Nhân Tông Academy tự đặt cho mình là tổ chức các nghiên cứu cơ bản về một nhân vật lịch sử cách nay đã 7 thế kỷ. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề như người giám đốc Viện chia sẻ, vì số lượng các tư liệu về giai đoạn này là rất ít ỏi. Đây cũng là điều được nhà thơ Việt Phương, thành viên Ban Cố vấn của viện, cũng như các khách mời khác nhấn mạnh.
Nhà sử học Nguyễn Duy Chính lưu ý đến hai điểm yếu trong các nghiên cứu về lịch sử trung đại Việt Nam, thứ nhất là các văn bản đời sau thường lái quan điểm của cổ nhân và các sự kiện trong lịch sử theo ý mình, bên cạnh đó, tại Việt Nam, ít chuyên gia có thể cùng lúc làm việc trong hai lĩnh vực sử học và lịch sử văn học, đây là một cản trở lớn đối với việc tìm hiểu hành trạng và tư tưởng của Trần Nhân Tông, cũng như đời sống xã hội giai đoạn đó.
Cùng với vấn đề phục dựng lịch sử đầy thách thức, ông Trần Việt Phương nhấn mạnh đến việc cần cẩn trọng trong việc đề cao các giá trị tư tưởng độc đáo của hình tượng Trần Nhân Tông, khi chưa có trong tay đầy đủ các bằng chứng cho phép làm việc này, đồng thời khuyến khích nên nghiên cứu kỹ về môn phái Thiền Trúc Lâm, để xác định được các đặc điểm riêng, nếu có, của môn phái này.
Giáo sư Phạm Cao Dương hoan nghênh ý tưởng về một dự án Trần Nhân Tông, cho đây là một cơ hội tốt cho việc đẩy mạnh nghiên cứu, nhưng cũng đặc biệt lưu ý đến việc cần phải chú ý đến các nghiên cứu căn bản về lịch sử, dựa trên việc đào tạo và đầu tư lâu dài cho nghiên cứu, đặc biệt cho các nhà nghiên cứu trẻ (với gợi ý có thể trao một giải thưởng riêng cho nghiên cứu), nếu không muốn dự án này sau một thời gian ngắn sẽ bị hụt hơi và để lại những hậu quả đáng tiếc. Ông cũng lưu ý về giai đoạn nhà Trần, bên cạnh Trần Nhân Tông, còn có nhiều nhân vật khác rất đáng được quan tâm. Giáo sư Phạm Cao Dương bày tỏ lo ngại rằng, nếu các hoạt động của Viện Trần Nhân Tông thiên về các mục tiêu chính trị nhất thời, thì hình tượng Trần Nhân Tông có thể bị lợi dụng. Sau khi tham khảo thành phần ban cố vấn và điều hành của Trần Nhân Tông Academy, giáo sư Phạm Cao Dương có nhận xét là, việc gần như vắng bóng các nhà nghiên cứu sử học, lịch sử tôn giáo, triết học, cũng như việc dành ít nội dung cho các nghiên cứu cơ bản có thể khiến cho viện không đạt được sứ mạng đề ra. Giáo sư Phạm Cao Dương cũng đặt vấn đề về sự không phù hợp có thể có, giữa tôn chỉ của giải thưởng với bản chất của tư tưởng Trần Nhân Tông.
Tìm hiểu di sản Trần Nhân Tông :
Cơ hội thức tỉnh hướng thượng cho xã hội Việt Nam
Trong báo cáo tham luận tại hội thảo về Trần Nhân Tông đầu năm nay, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa chúng ta trở lại các vấn đề đương đại, với nhận định « sau những chiến thắng to lớn với tinh thần độc lập tự do (…) (người Việt Nam) lại không kế thừa được tiếp theo những tư tưởng của Trần Nhân Tông về khoan dung, tha thứ, trong sự hòa hợp, nhất là trong nước ». Một giải thưởng quốc tế về hòa giải và yêu thương mang tên Trần Nhân Tông, như vậy, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, như một cơ hội hướng thượng để chính xã hội Việt Nam, đặc biệt là những người cầm quyền, đối diện với một sự thực về các đối kháng, bất công trong xã hội, và đối diện với chính mình, hầu tìm cách hóa giải.
Một điểm quan trọng khác trong bài phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc là : « không nên tôn giáo hóa việc này để thấy giá trị phật giáo được trải nghiệm trong thực tiễn Việt Nam qua nhân vật Trần Nhân Tông là giá trị chung mà ở nhiều tôn giáo khác, ở thiên chúa giáo, ở hồi giáo đều có hạt nhân ấy. Nếu chúng ta khai thác được tất cả những hạt nhân tích cực ấy trong mọi tôn giáo, tức là bản chất văn hóa của nó chắc chắn điều ta làm sẽ góp phần vào cái chung và thức tỉnh, dù bắt đầu thức tỉnh bằng sự nhỏ bé. »
Theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét