Máy bay HL-1 trên bầu trời Việt Nam. Đây là thành quả đúc kết từ mẫu máy bay chế thử đầu tiên TL-1, trở thành chiếc máy bay huấn luyện cho phi công sơ cấp đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Dự án “Xây dựng cơ sở thiết kế và chế thử máy bay cánh quạt loại nhỏ” của Quân chủng Không quân được khởi động vào tháng 1/1978. Đây có thể coi là một dự án đầy “mơ mộng” khi chế tạo máy bay là một công việc hoàn toàn mới mẻ, xa vời trong hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và vẫn chìm trong nghèo nàn lạc hậu.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải người tham gia thiết kế chiếc máy bay “made in Vietnam” đầu tiên cho biết, ý tưởng chế tạo máy bay được khơi nguồn từ lời gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng nền công nghiệp quốc phòng cần có một tầm nhìn xa hơn hoàn cảnh thực tại. Người có công đầu dìu dắt cho những cán bộ thiết kế thoát khỏi sự hoài nghi về tính khả thi của dự án là ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên là công trình sư thiết kế máy bay của Pháp. Theo gợi ý của ông Phúc, cách tốt nhất là nên bắt đầu chế tạo máy bay cánh quạt loại nhỏ. Ông đã chủ động cung cấp tài liệu nghiên cứu như tập sách “Tính toán, thiết kế máy bay” của Pháp, “Luật hàng không Liên bang FAR -25” của Mỹ và còn tặng cho cán bộ Viện Kỹ thuật Không quân các máy tính cầm tay – công cụ hữu ích trong quy trình tính toán, thiết kế bản vẽ chế tạo máy bay.
Ông Nguyễn Văn Phúc (đeo kính) và tổ kỹ sư thiết kế trong thời gian làm việc tại 11 Phan Huy Chú, Hà Nội
Từ các bản thiết kế đến mô hình 1/10 rồi chế tạo máy bay để bay thử là một chặng đường kéo dài hơn 2 năm. Chủ nhiệm dự án, Trung tướng Trương Khánh Châu, vào lúc đó là Trưởng phòng Máy bay- Cục Kỹ thuật- Quân chủng Phòng không, đã được cử sang Pháp để tiếp cận với các văn phòng thiết kế máy bay, các cơ sở chế tạo để tích lũy kinh nghiệm trực quan. Điều kiện nghiên cứu trong nước đương nhiên thiếu thốn từ sinh hoạt đời thường đến thiết bị công nghệ. Các công cụ chế tạo chi tiết, công cụ lắp ráp như máy gia công áp lực, máy gia công nguội, dụng cụ đo, giá đỡ tổng lắp cũng đều… tự chế.
TL-1 là chiếc máy bay đầu tiên, được thiết kế phỏng theo mẫu máy bay Raely-220 của Pháp để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, liên lạc. Tuy là sản phẩm đầu tay nhưng các bước chế tạo TL-1 đều đúng tiêu chuẩn từ quá trình thiết kế sơ bộ, thiết kế chính thức, thiết kế kỹ thuật, thí nghiệm từng phần, thiết kế công nghệ, gia công chi tiết và lắp ráp cụm nhỏ, tổng lắp, bay thử, hoàn thiện sau bay thử.
Máy bay sử dụng động cơ của hãng Continental của Mỹ, có thiết bị liên lạc, dẫn đường đều là những chiến lợi phẩm từ sau năm 1975.
Mẫu TL-1 cất cánh lần đầu tiên tại sân bay Hòa Lạc ngày 25/9/1980 và đã có 13 chuyến bay thử thành công.
Sau thành công TL-1, Bộ Quốc phòng đã chuyển dự án “Thiết kế và chế thử máy bay cánh quạt loại nhỏ” vào chương trình trọng điểm tiến bộ khoa học kỹ thuật mang tên “Chương trình thiết kế máy bay huấn luyện” với nhiệm vụ chế tạo mẫu máy bay huấn luyện sơ cấp HL-1. Từ kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình chế tạo TL-1, mẫu máy bay HL-1 đã đạt được những bước tiến đáng kể. Ví dụ như giảm độ sai lệch kỹ thuật, các tính năng bay đều đạt đúng như số liệu tính toán thiết kế.
Sau khi hoàn thành mẫu HL-1, chương trình đã tiếp tục chế thử thành công máy bay huấn luyện HL-2.
Đại tá, Tiến sỹ Trần Mạnh Chung thuộc Ban thiết kế kết cấu máy bay chia sẻ, chỉ riêng càng trước của mẫu TL-1 cũng là một câu chuyện dài kỳ. Lúc đó tưởng như chiếc máy báy đã hoàn thiện thì ở ngay quá trình thử nghiệm đầu tiên, đã phát hiện càng trước TL-1 được thiết kế theo mô hình kiểu cần câu hoàn toàn không phù hợp. Hậu quả là máy bay đã bị rung lắc và sập càng khi lăn trượt tốc độ trước khi cất cánh.
Trung tướng Trương Khánh Châu đã chia sẻ với phóng viên Sống Mới, “Đây cũng là một kinh nghiệm xương máu cho bài toán đồng bộ hóa quá trình thiết kế chế tạo, vận hành một sản phẩm hoàn thiện. Rất đơn giản nhưng khó khăn vô cùng khi thực hiện nhiệm vụ chỉ dựa trên những nguyên vật liệu tận dụng được từ cả trang thiết bị hệ xã hội chủ nghĩa và chiến lợi phẩm thu được. Vậy là cả nhóm lại lật đật tìm phương án thay thế. Nhóm thiết kế đã sử dụng lại càng trước của chiếc máy bay Jak-18. Nhưng khổ một nỗi, càng Jak -18 lại quá dài nên lại phải tính toán, cắt bớt 60mm và nâng hai càng chính lên để đảm bảo độ ngóc của TL-1. Nói suông là vậy, nhưng đây là một bài toán kỹ thuật đau đầu, chỉ cần sai một li là đi một dặm.
Ngày 25/9, chiếc máy bau TL-1 mặc dù kế hoạch ban đầu chỉ thử lăn trượt tốc độ cao, bay là là mặt đất để kiểm tra độ rung, nhưng phi công Nguyễn Xuân Hiển đã quyết định cho cất cánh để kiểm tra luôn khả năng hạ cánh càng trước. Đây chính là lần đầu tiên TL-1 chạm đến bầu trời, trong sự hồi hộp và phấn khích của toàn bộ những người có mặt trên sân bay Hoa Lạc hôm đó.
Ban thiết kế kết cấu bên chiếc TL-1 (từ trái sang phải: Nguyễn Duy Tộ, Trần Mạnh Chung, Lê Kiên Thành)
Mọi người chia vui cùng phi công Nguyễn Xuân Hiển (thứ 3 từ trái sang) sau chuyến bay đầu tiên thành công của máy bay TL-1
Kỳ tích vẫn xảy ra khi đất nước còn có những nhà khoa học dám đương đầu với thử thách. Chiếc máy bay đầu tiên của Việt Nam lại sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ của một quốc gia vươn lên từ sau cuộc chiến vệ quốc khốc liệt. Vì rất nhiều lý do, hoặc chỉ một lý do mà chương trình chế tạo máy bay phải tạm dừng đã mấy chục năm qua. Những kỹ sư, phi công Việt Nam đã từng chạm đến chân trời khoa học giờ tóc đã muối tiêu, nhưng đa phần đều kỳ vọng vào các đốm lửa tiếp tục được nhen nhóm từ anh “Hai Lúa” đến các cán bộ khoa học tâm huyết vẫn còn đang nung nấu ước mơ tiếp tục được chạm đến chân trời đang thiếu những người bay.
SM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét