Vibay

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

“Xâm lược mềm”

03/8/12- (Sức khỏe & Đời sống) - Thế kỷ XXI, nhân loại đã chứng kiến sự phát triển của khoa học kỹ thuật với những thông tin nhanh nhạy, rộng khắp, mọi chuyện trên trái đất chỉ sau ít phút cả thế giới đã tường. Thế nên chuyện đem súng ống đạn dược của “cá lớn” toan nuốt “cá bé” hình như thành chuyện lố trước văn minh và lương tri nhân loại.

Tuy vậy, những tham vọng lấn chiếm, ăn cướp, những mưu toan thủ đoạn bắt nạt của kẻ mạnh đối với kẻ yếu không vì thế mà mất đi. Và hình thái “xâm lược mềm” đã xuất hiện.


Ngay trong quan hệ dân sự giữa hàng xóm láng giềng cũng khó có chuyện nhà hàng xóm đông con, giàu có vác dao gậy ngang nhiên chiếm sân vườn nhà bên cạnh bởi còn dư luận và luật pháp. Thế là bên nhà giàu đông con luôn leo lẻo nói tình nghĩa hàng xóm “tối lửa tắt đèn” nhưng cho con cái để xe cộ, đồ đạc vào sân vườn hàng xóm rồi sân vườn nhà hàng xóm thành của dùng chung, rồi thành của riêng mình. Kẻ yếu phản đối thì bị vu là gây sự. Đưa ra tòa để làm rõ trái phải thì “kẻ cướp mềm” không chịu. Nhà khác lên tiếng thì bị chửi “chuyện hai nhà chúng tôi, không phải chuyện của ông, đừng dính vào”!

Biển Đông đang dậy sóng, gây bất ổn trong khu vực và hòa bình thế giới có nguyên nhân từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Cho đến đầu thế kỷ XX, các bản đồ cổ của Trung Quốc cũng đều xác định cương vực Trung Hoa chỉ tới đảo Hải Nam. Nửa cuối thế kỷ trước, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa (1974) và nhiều bãi đá trong quần đảo Trường Sa (1988) của Việt Nam được xác định chủ quyền từ vài trăm năm trước với rất nhiều chứng cứ khoa học và lịch sử không thể bác bỏ. Những ngày gần đây, Trung Quốc đang thật sự tiến hành cuộc “xâm lược mềm” tuy không có tiếng súng nhưng bằng các thủ đoạn cực kỳ tinh vi và ngang ngược.

Việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bầu HĐND, lập khu đồn trú, xây trại giam, nhà trọ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là cả một chuỗi hành động thống nhất trong chiến dịch xâm lược mềm của họ. Họ đã biến biển Đông mặc nhiên như là của họ.

Lòng tham vốn không bao giờ có giới hạn. Ngay những đảo cưỡng chiếm được của Việt Nam nếu thành “sự đã rồi” cũng chỉ có phạm vi lãnh hải là 12 hải lý theo Luật Biển quốc tế 1982. Việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” quản lý toàn bộ biển Đông, Trung Quốc đang biến những vùng biển đảo cưỡng chiếm được thành khu vực như lãnh thổ có lãnh hải 200 hải lý để chồng lấn vào lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhiều nước khác.

Cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc đang tiếp tục với việc xua hàng chục nghìn tàu cá đánh bắt tận vùng biển Trường Sa của Việt Nam dẫu trở về với khoang cá rỗng, lỗ về kinh tế nhưng đạt được “sự đã rồi”, mặc nhiên coi biển của Việt Nam là của Trung Quốc, là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc! Trung Quốc cũng biết “sợ” khi tuyên bố: “Các thế lực bên ngoài không nên can thiệp” nhưng lại ngang ngược tuyên bố “Các tàu hải giám Trung Quốc sẽ kiểm tra các đảo thuộc Tam Sa quản lý, bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”. Một “chủ quyền” nhận vơ bằng cuộc xâm lược mềm lấy ngư dân, tàu bán vũ trang làm tiên phong, sức mạnh hải quân chưa xuất hiện nhưng hù dọa phía sau khiến Việt Nam, các nước Đông Nam Á, lương tri nhân loại phải lên tiếng.

Xâm lược kiểu gì thì cũng là xâm lược và Việt Nam với sức mạnh chính nghĩa của mình cùng các nước ASEAN và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới chắc chắn sẽ ngăn chặn được mọi mưu toan dù tinh vi, nham hiểm đến mấy.

Lê Quý Hiền

Theo Sức khỏe & Đời sống

Theo quan điểm của Vibay blog, Trung Quốc trắng trợn xâm lược biển Đông, Xâm lược thì gọi là xâm lược chứ "xâm lược mềm" gì nữa!

1 nhận xét:

  1. Tới giờ phút này mà còn sợ mất lòng China .??? China được đằng chân nó lân lên đầu . VN mất nước là phải vi có những Tư Tưởng Hèn Nhát Với Lưu Manh . Cái đó Không Phải Là NHỊN Mà Là HÈN. Cái Quan Trọng Là LÒNG DÂN ; Mất Lòng Dân LÀ MẤT TẤT CẢ

    Trả lờiXóa