Vibay

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Tướng Trung Quốc bàn cách dùng vũ lực độc chiếm Biển Đông

31/8/12- (GDVN) - Để chiếm đoạt toàn bộ đảo, đá và tài nguyên ở biển Đông, tướng Kiều Lương Trung Quốc đề xuất học Mỹ sử dụng “chiến tranh siêu giới hạn”.


Kiều Lương - Thiếu tướng Không quân Trung Quốc.

Ngày 29/8, Thiếu tướng Kiều Lương, giáo sư chiến lược Học viện Chỉ huy Không quân, Phó Tổng thư ký Ủy ban Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc có bài viết trên Tân Hoa xã khẳng định chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư (hay đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế) và biển Đông (một cách bất hợp pháp), đồng thời bày đặt cách thức kiểm soát đối với các hòn đảo và vùng biển có liên quan.

Theo Kiều Lương, những công dân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Senkaku vừa qua là một sự bảo vệ nghiêm túc đối với chủ quyền quốc gia. Tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc hoạt động chấp pháp (trái phép) ở vùng biển bãi cạn Scarborough cũng là “sự biểu thị công khai và bảo vệ đối với chủ quyền quốc gia của Trung Quốc”.

Kiều Lương đánh giá, trong năm qua, trước tiên là bãi cạn Scarborough ở biển Đông, kế tiếp là đảo Senkaku ở biển Hoa Đông đã liên tiếp nổi lên tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, gây chú ý cho dư luận trong và ngoài nước, thời cơ và cường độ xảy ra cũng nhiều dư vị.

Kiều Lương chỉ ra 3 “nguyên nhân” làm cường độ tranh chấp biển Hoa Đông, biển Đông đột ngột mạnh lên: Một là ý thức an ninh và ý thức “bảo vệ quyền lợi biển” của Trung Quốc ngày càng tăng cường. Theo Kiều Lương, do tài nguyên trên thế giới khan hiếm và do Trung Quốc có nhu cầu tài nguyên ngày càng lớn, nên Trung Quốc đã và sẽ rắn mặt, bất chấp luật pháp quốc tế.

Hai là, Nhật Bản tăng cường kiểm soát đối với vùng biển xung quanh đảo Senkaku và “một số nước Đông Nam Á gia tăng chủ quyền, tài nguyên dầu khí ở biển Đông khiến TQ đứng ngồi không yên mặc dù các tuyên bố chủ quyền của TQ tại các khu vực này đều phi pháp, phi lý.


Công dân Hồng Kông xông lên đảo Senkaku (hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế) cắm cờ Trung Quốc khẳng định chủ quyền.

Ba là, Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông (khu vực châu Á-Thái Bình Dương), theo ý chủ quan của Kiều Lương thì điều này “làm cho một số nước láng giềng có sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc”.

Với ba nguyên nhân trên, ông tướng học giả này đã đổ lỗi hết cho các nước xung quanh và coi như Trung Quốc chỉ ứng phó bị động trong thời gian vừa qua với các vấn đề tranh chấp đảo Senkaku, tranh chấp bãi cạn Scarborough cho tới tranh chấp biển Đông.

Theo đó, Kiều Lương nhấn mạnh, 3 nguyên nhân, 3 yếu tố trên thúc đẩy lẫn nhau, đã tạo ra cục diện tranh chấp biển Hoa Đông, biển Đông ngày càng gay gắt hiện nay. Ông nói: “Ở một góc độ nào đó, thực chất của tranh chấp biển Đông là sự va chạm/xung đột gián tiếp của Trung-Mỹ trong vấn đề biển Đông”.

Kiều Lương đổ lỗi cho Mỹ mà cho rằng, sau khủng hoảng tài chính, Mỹ ngày càng có ít con bài trong tay, nhưng Mỹ luôn tìm cách có được một con bài nào đó để ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ đã dùng con bài “vấn đề biển Đông” để chặn “chân sau” của Trung Quốc, làm cho Trung Quốc không có thêm sức mạnh để thách thức bá quyền của Mỹ.

Kiều Lương cho rằng, ngay từ đầu năm 2012, Mỹ mạnh mẽ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao, an ninh, động thái dồn dập, “đã diễn xiếc liên tục làm hoa cả mắt”.

Trước hết là thông qua diễn tập quân sự ở biển Hoàng Hải để kéo gần hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau khi ổn định thế trận ở Đông Bắc Á, Mỹ quay đầu xuống phía nam, dùng phương thức diễn tập quân sự liên hợp để khuyến khích một số nước Đông Nam Á liên tục gây chuyện với Trung Quốc ở biển Đông - Kiều Lương nhận xét.


Tàu Hải giám 83, có lượng giãn nước 3980 tấn, của Trung Quốc, trên biển Đông.

Sau đó, Mỹ bày tỏ “thiện chí” với Chính phủ Myanmar, đóng đinh chốt vào giữa Trung Quốc và Myanmar; đồng thời tiếp tục đàm phán với Singapore về vấn đề triển khai tàu chiến đấu duyên hải tốc độ nhanh; xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” với Ấn Độ.

Kiều Lương nghĩ rằng, các nước Đông Nam Á không muốn bất cứ nước lớn nào chủ đạo/lãnh đạo khu vực này, vì vậy đứng trước một nước Trung Quốc trỗi dậy, họ hy vọng lôi kéo Mỹ để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Nhưng, các nước nhỏ “chơi trò cân bằng giữa các nước lớn, xưa nay đều rất nguy hiểm”. Theo Kiều Lương, Philippines “ngây thơ” cho rằng, Mỹ sẽ giúp không cho Philippines.

Bàn về cách thức kiểm soát biển Đông, Kiều Lương nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng mạnh về sức mạnh kinh tế và quân sự. Nhưng điều quan trọng nhất là, tư duy, tâm tính và phương pháp phải tích cực thay đổi theo tình hình của bản thân Trung Quốc và tình hình quốc tế.

Kiều Lương cho rằng, "về cách thức bảo vệ an ninh và quyền lợi quốc gia, từ chiến lược tới sách lược phải có sự tính toán tổng thể, đối phó với biện pháp tổ hợp thì phải có “quyền thuật tổ hợp”".

Kiều Lương nhận định sặc mùi hiếu chiến, vô trách nhiệm rằng, "hiện nay không thể gác lại tranh chấp nước, có nước láng giềng “xấu xa” đang ngày càng ngang ngược ở cửa nhà của Trung Quốc. Trong tình hình đó, “phải đánh ngã họ, đoạt lại đồ của mình”; còn một biện pháp nữa là đàm phán giải quyết. Ông này cho rằng, trong giải quyết tranh chấp quốc tế, lợi ích hoàn toàn không thể nhượng bộ thì không thể nhượng bộ".


Tàu Ngư chính 311 Trung Quốc hoạt động tại vùng biển đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Kiều Lương tiếp tục nhấn mạnh “chủ quyền” phải “thuộc về Trung Quốc”, sự nhượng bộ của Trung Quốc là “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Ông tường này coi đây là “đường biên ngang” (giới hạn). Nếu vượt qua đường biên này thì phải kiên quyết đến cùng, cùng “không” khai thác.

Ông nói rằng, “giấu mình” không phải là nhường nhịn, mà là “không muốn nói toạc ra”, là “nói nhẹ nhàng”, việc nên làm thì phải làm và bắt buộc phải làm.

Kiều Lương cho rằng, các thủ đoạn đối đầu quân sự hiện đại rất đa dạng như có thể dùng quân đội, chiến tranh. Nhưng theo Kiều Lương, trong tranh chấp các hòn đảo ở biển Đông, nhìn từ góc độ quân sự, đánh (sử dụng vũ lực) không thành vấn đề, quan trọng là đánh rồi làm thế nào. Điều này không chỉ là vấn đề quản lý và xây dựng các đảo đá thế nào, mà là vấn đề đối mặt thế nào với thế giới, đặc biệt là Mỹ và ASEAN. Những vấn đề này phức tạp hơn nhiều, gai góc hơn nhiều so với “đánh”.

Trong vấn đề biển Đông, ở góc độ “chiến tranh siêu giới hạn”, ông tướng Kiều Lương cho rằng, phải học hỏi Mỹ, xem Mỹ xử lý các vấn đề tương tự thế nào, xem Mỹ nhiều lần “tấn công nhầm” ở biên giới Pakistan và nước khác như thế nào thì sẽ hiểu được vấn đề.

Nguyên lý của “chiến tranh siêu giới hạn” là thủ đoạn và tấn công “tổ hợp”. Trong vấn đề biển Đông, theo Kiều Lương, có thể vận dụng tấn công “tổ hợp”, khi ra trận phải tấn công đan chéo, không phải đâm đầu tấn công. Không đánh trận không có nghĩa là không sử dụng vũ lực, không có nghĩa là không có xung đột, quan trọng là phải kiểm soát cường độ thế nào.

Theo Kiều Lương, TQ phải vừa thông qua các hành động đặc biệt để nói rõ “giới hạn” do Trung Quốc bày đặt ra, vừa chưa đến mức đẩy tất cả các nước đến trạng thái chiến tranh.


Tàu vận tải đổ bộ 071 Côn Luân Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Kiều Lương đoán là, nếu không thực sự động chạm đến lợi ích cốt lõi quan trọng của Mỹ thì Mỹ không sẵn sàng thậm chí không dám vì các nước như Philippines mà quyết đấu với Trung Quốc. Giữa Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chiến lược lớn hơn phải lệ thuộc vào nhau.

Vì vậy, lợi ích của hai nước Trung-Mỹ không thể bị nước nhỏ “lừa lọc, bắt cóc”. Ngược lại, nếu Trung-Mỹ xảy ra xung đột, thì cả hai bên đều chịu thiệt, chắc chắn sẽ làm xuất hiện cục diện về sự trỗi dậy của bên thứ ba như EU, Nga, Nhật Bản, thậm chí Ấn Độ, Brazil.

Vì vậy, Trung Quốc không nhất định đứng đối lập với Mỹ trong tất cả các vấn đề, quan trọng là xem có lợi cho mình hay không (quá thực dụng!). Trong ứng xử với yếu tố Mỹ, theo Kiều Lương thì Trung Quốc phải có “trí tuệ lớn nhất, sách lược cao nhất, nhẫn nại bền bỉ nhất”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhiều lần tuyên bố, Mỹ phải sử dụng sức mạnh thông minh (khéo léo), Trung Quốc cũng có thể làm như vậy.

Nhìn lại lịch sử, kinh nghiệm quan trọng nhất trong sự trỗi dậy của Mỹ là quyết không để mình đối đầu trực tiếp với đế quốc Anh, mà là cổ vũ các nước khác đối đầu với Anh, sau đó để bản thân trèo lên đỉnh một cách thuận lợi.

Kiều Lương cho rằng, Trung Quốc là một nước lớn trưởng thành, với ý nghĩa quốc gia hiện đại, Trung Quốc còn đang ở thời đại “trẻ con”, cần phải trả giá rất nhiều mới có thể học được cách làm một nước lớn hiện đại.

Người dân có cảm giác là Trung Quốc – một nước lớn mà lại còn “hèn nhát”, bởi vì người dân cũng đang “lớn lên”, không hiểu lắm về quy tắc trò chơi chính trị, quân sự của thế giới hiện nay. Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc không chỉ phải có đầy đủ trí tuệ chiến lược, mà còn phải có đầy đủ nhẫn nại chiến lược.


Mỹ đẩy mạnh thực hiện chiến lược quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn".

1 nhận xét:

  1. Làm thế nào để bậy đc vào mồm thằng này nhể/ thách tổ sư nhà chúng dám làm trò cướp 1 lần nữa đấy. Cá mập biển đông đang đói!

    Trả lờiXóa