Vibay

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Có chăng cuộc chiến lạ lùng?

23/8/12- Thật là một con số lạ lùng, chưa từng nghe, chưa từng thấy về các hoạt động của con người trên Biển Ðông từ trước đến nay. Không những nó “lạ lùng” mà còn tạo ra sự “chấn động” mạnh cho những người Việt Nam xa quê hương, còn nghĩ đến sự toàn vẹn lãnh thổ; lý do rất rõ ràng: 23 ngàn “tàu cá” và hơn 35 ngàn “ngư dân” này là sản phẩm bành trướng bá quyền của Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam tràn xuống Trường Sa.


Tàu cá có tàu hải giám yểm trợ và tiếp vận.

Trong lịch sử các cuộc hải chiến trên thế giới, ngay cả cuộc tấn công khổng lồ của đồng minh từ biển đánh vào Normandie năm 1944 cũng chỉ là cuộc chiến đấu giữa các quân binh chủng hải không quân và lục quân, ngay cả các trận chiến đẫm máu giành giật từng tấc đất các hòn đảo trên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản không có một lực lượng nào mang tên “tàu cá” hay “ngư phủ” dù chỉ là thao dợt. Như vậy, phải chăng cuộc chiến trên biển cả, đặc biệt là ở Biển Ðông, các chủng loại vũ khí hiện nay không còn là tàu ngầm, khu trục hạm, tuần dương hạm, ngư lôi hạm, thậm chí cả hàng không mẫu hạm hiện đại,... mà thay thế các loại hạm đó là loại “đặc chủng biển” Trung Quốc gọi là “tàu cá” và “ngư dân”?

Một sự kiện có thể coi như tiêu biểu cho loại “đặc chủng biển” khác thường này khiến người ta nhớ lại vào ngày 8 tháng 3, 2009, thám sát hạm Impeccable khi tiến vào hải giới Vịnh Bắc Bộ và Tam Á đã bị 5, 6 cái gọi là “dân công biển” Trung Quốc bao vây, hò hét, cản mũi bằng mọi cách, cuối cùng Impeccable phải lui binh.

Ðặc điểm của “dân quân biển” được mô phỏng là những chiến đỉnh nhỏ. Ðược sản xuất hàng loạt cung ứng cho nhu cầu chiến trường hiện tại, những tiểu đỉnh thon gọn này đủ sức vượt sóng lớn, hầu hết vỏ tàu sơn loại đặc biệt tiệp màu nước biển gần như “tàng hình,” dị ứng trên màn ảnh rađa. Hàng chục ngàn “dân quân biển” ngụy trang dưới hình thức ‘tàu cá” ngoài việc đảm nhiệm đánh bắt hải sản, nó còn có nhiệm vụ thám sát, theo dõi, bám đuôi chiến hạm và khi hữu sự, “tàu cá” biến rất nhanh thành “chiến đỉnh nhỏ” tác chiến.

Trung bình một chiến đỉnh nhỏ trọng lượng từ 100 đến 150 tấn, tốc độ rẽ nước cực nhanh, có khả năng vượt thoát qua mạng lưới ra đa để tiếp cận sát sườn đối thủ, khi lâm sự, với hỏa lực cá nhân cực mạnh, “ngư dân” biến thành “thủy thủ” thiện chiến, sử dụng thành thạo AK47, B40, đại bác 12 ly không giật, v.v... nói chung các loại vũ khí có sức xuyên phá lớp vỏ sắt “hạm,” hoặc dùng mũi sắt đâm chìm đối thủ nhỏ hơn. Vài “ngư dân” hoạt động trên “tàu cá” tự nuôi sống có khi hàng tháng.

Trên bộ chiến, một đặc điểm gần như cố hữu của Trung Quốc trong chiến thuật biển người lao vào mục tiêu, đối với mục tiêu trên biển, “thủy thủ” cảm tử sẵn sàng đâm vào đối thủ “nướng thịt.”

Thử đem so cách đánh lợi và hại, nhanh và gọn, tốn ít thu nhiều, cách dùng đoàn “dân quân biển” dàn trải trên mặt trận biển rộng lớn như Biển Ðông khá linh hoạt, rất phù hợp với bối cảnh mặt trận Biển Ðông đang ở vào thời kỳ đầu của việc tranh chấp biển đảo tài nguyên, đặc biệt là ở ngòi nổ Trường Sa, chỉ cần vài thủy thủ thiện chiến trên một tiểu đỉnh kiểu như vậy, cả chì lẫn chài tung vào một hải điểm chiến thuật, “dân quân biển” vẫn lời to.

Mấy chục ngàn tàu cá tỏa ra trên một vùng biển rộng khoảng 1.7 triệu km2 thật ra chẳng thấm vào đâu, nhưng hãy nhìn kìa, tập kết một lúc 30 ngàn chiếc từ căn cứ Hải Nam vượt 4 nghìn 500 km trong vòng 78 giờ lao xuống “bao vây” đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài việc giăng lưới cấm vơ vét tận cùng hải sản quí giá, tiểu hạm đội “dân quân biển” này còn uy hiếp trực tiếp các đơn vị phòng vệ trên các đảo thuộc chủ quyền VN và Philippines.

Lấy 23 ngàn “tàu cá” chia cho một số rất ít đảo nổi khá lớn có người ở trên gần 200 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, 35 ngàn 611 lính thủy đánh bộ kèm theo tàu cá thừa sức uy hiếp các đảo có binh lính trú đóng của Việt Nam và Philippines. Âm mưu “tàu cá dân quân biển” lấy thịt đè người lộ rõ dã tâm chiếm đoạt Biển Ðông cho bằng được của Trung Quốc.

***

Cái khó ló cái khôn; đối đầu với “tàu cá” và “ngư dân” ngụy trang của Trung Quốc, hải quân “nhà ta” cũng xây dựng ra lực lượng “dân quân biển”; để phân biệt với “dân quân biển” của Trung Quốc, tác giả gọi lực lượng này là “đặc công biển.” Binh chủng Ðặc Công là binh chủng chiến đấu tinh nhuệ của bộ đội Việt Nam gần như tham chiến trên tất cả mọi địa hình trong chiến tranh Việt Nam.

Vài năm trở lại đây, khi khu vực Ðông Nam Châu Á trở nên sôi động và khi lãnh thổ lãnh hải Biển Ðông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam từ từ lọt dần vào tay Trung Quốc, Bộ Chỉ Huy Quân Sự Việt Nam mới đề xuất ra một binh chủng mới cũng gọi là “Dân quân biển” đáp ứng cho nhu cầu chiến trường mới.

Nếu quả thực binh chủng mới này có khả năng đối đầu hiệu quả với đám hải tặc “Dân quân biển” thì “Ðặc công biển” (chữ của tác giả) chính là khắc tinh của “Dân quân biển.” Dù sinh sau đẻ muộn, công tác đặc nhiệm của nó đủ khiến cái loa Trung Quốc chịu không nổi đã nhiều lần hô hoán bọn “Ðặc công biển” Việt Nam đã đi vào cả trăm lần khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa Ðông. (Chữ này của tác giả nhằm chia quần đảo Hoàng Sa ra làm hai miền tính từ kinh độ 112 Bắc chạy thẳng xuống Nam, Hoàng Sa Ðông tiếp cận cửa bể Cao Hùng-Luzon tiến ra biển Hoa Ðông; Hoàng Sa Tây tiếp cận gần nhất bờ biển Quảng Ngãi.)

Giả sử nếu có xẩy ra trận đụng độ giữa hàng ngàn “Dân quân biển” của Trung Quốc với hàng ngàn “Ðặc công biển” của Việt Nam, Biển Ðông trở nên một bãi hải chiến lạ lùng chưa từng thấy trong lịch sử các cuộc chiến trên biển cả; những cuộc chiến bí mật có khi mấy chục năm sau người ta mới tiết lộ, biết đâu trong đêm tối mịt mùng giữa Biển Ðông đã có những cuộc đụng độ đẫm máu giữa “tàu lạ” với “tàu mình,” giữa “tàu Ta” với “tàu Tầu”!

Theo Người Việt

Hải quân Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ BM 06, 07



--------

1 nhận xét:

  1. Có hai cơn bảo đang hình thành trên biển đông đó.
    Thách tụi bây lao vào . Chúc tụi bây chìm hết !

    Trả lờiXóa