Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV kênh tiếng Anh hôm thứ Ba 3/7 vừa chiếu phóng sự về vụ bốn tàu hải giám nước này chặn đuổi tàu của cảnh sát biển Việt Nam ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa với kết quả là tàu Việt Nam "phải rút lui".
Thông báo của TTXVN viết: "Chúng tôi bác bỏ thông tin tàu hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa".
Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam nói: "Khi phát hiện các tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa".
TTXVN khẳng định Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", đồng thời nói việc tàu hải giám “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa "là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực".
"Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên..."
Đối đầu
Phóng sự hôm 3/7 của CCTV nói "trong ngày thứ hai của chuyến tuần tra" ở Biển Đông, tàu hải giám Trung Quốc đã phát hiện tàu của Việt Nam đang lao về hướng tàu của họ với tốc độ lớn. Tàu Việt Nam đã dùng loa phát thông điệp:
"Đây là tàu cảnh sát biển Việt Nam số 5012. Các vị đã vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đề nghị rút khỏi khu vực này ngay lập tức."
Theo CCTV tàu hải giám Trung Quốc đã đáp trả, xưng danh là tàu hải giám số 83 đồng thời nói theo Công ước LHQ về Luật Biển và Luật pháp Trung Quốc, đây là vùng biển của Trung Quốc.
Các tàu hải giám lập tức thay đổi đội hình, cả bốn tàu cùng quay đầu hướng về tàu Việt Nam. CCTV nói sau chừng 10 phút, tàu Việt Nam giảm tốc độ và rút lui.
Không rõ những gì xảy ra sau đó.
Phóng sự ngắn của CCTV cho thấy căng thẳng vẫn đang diễn ra ở vùng biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, nhất là sau khi cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều đang có các động thái đối đầu nhau.
Các tàu hải giám Trung Quốc được biết vừa từ căn cứ ở Hải Nam di chuyển xuống tuần tra trong khu vực Trường Sa.
Luật Biển
Hôm 21/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc đã phản ứng mau chóng và mạnh mẽ để phản đối dự luật này.
Ngoài các quyết định gọi thầu quốc tế ở chín lô ở ngoài khơi Việt Nam, thành lập thành phố Tam Sa hay thiết lập cơ chế tuần tra 'phòng ngừa chiến tranh' ở Biển Đông, hôm 26/6 Trung Quốc đã điều đội tàu hải giám từ Tam Á, Hải Nam, xuống Trường Sa.
Bốn tàu này đã vượt qua 2.000 hải lý để tới đảo Châu Viên (Trung Quốc gọi là Hoa Dương), thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Tân Hoa Xã, thủy thủ đoàn của các tàu hải giám đã tiến hành một cuộc thao diễn đội hình tại đảo Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) vào thứ Hai 2/7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét