Vibay

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Việt Nam muốn dựa vào Ấn Độ và Nhật Bản để đối phó với Trung Quốc

23/7/12- Thất bại của hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh vừa qua cho thấy là Việt Nam không thể trông chờ vào khối này để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh Hà Nội chưa thể nhận được trợ giúp quân sự trực tiếp của Mỹ do bị cản trở vì vấn đề nhân quyền, Việt Nam nay có vẻ muốn dựa hơn nữa vào Ấn Độ và Nhật Bản để có một vị thế vững chắc hơn trên bàn cờ châu Á.


Hai Ngoại trưởng Nhật Koichiro Genba và Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngày 14/07/2012.
Reuters

Nghe:

Hãng tin Dow Jones Newswires ngày 19/07/2012 cho biết, theo yêu cầu của Hà Nội, tập đoàn dầu khí Nhà nước của Ấn Độ ONGC đã quyết định sẽ cùng với đối tác PetroVietnam tiếp tục thăm dò dầu khí ở lô 128 tại vùng Biển Đông, bất chấp những phản đối của Trung Quốc.

Đề nghị của Việt Nam duy trì đầu tư của Ấn Độ ở lô 128 được đưa ra sau khi Trung Quốc gọi thầu quốc tế thăm dò dầu khí ở 9 lô trên Biển Đông, bao gồm cả lô 128 của Việt Nam. Tập đoàn PetroVietnam đã yêu cầu Trung Quốc ngưng gọi thầu quốc tế ở những lô nói trên, khẳng định đó là những lô nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam, đồng thời kêu gọi các công ty ngoại quốc đừng tham gia đấu thầu ở những lô này.

Một mặt dùng Ấn Độ để che chắn cho mình ở Biển Đông, mặt khác, Việt Nam đang nhờ Nhật Bản trợ giúp về mặt quốc phòng. Theo hãng tin Kyodo, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội ngày 14/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba đã hứa sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng của lực lượng tuần duyên, theo như yêu cầu của Hà Nội. Báo chí chính thức của Việt Nam khi loan tin về chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Genba đã không nhắc đến chi tiết này, nhưng cho biết là trong cuộc hội đàm với ông Genba, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tuyên bố Hà Nội vẫn xem Nhật Bản là “một trong những đối tác chiến lược hàng đầu.”

Tuy nhiên, một khi vẫn còn bị ràng buộc bởi quan hệ đặc biệt “16 chữ vàng” với Trung Quốc, chính phủ Việt Nam sẽ không thể có một chính sách ngoại giao độc lập để bảo vệ quyền lợi tối thượng của quốc gia. Đó là nhận định chung của nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney trong phần phỏng vấn sau đây:



RFI

1 nhận xét: