Vibay

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp gây hấn?

16/7/12- Trao đổi với phóng viên báo về những động thái gây hấn mới đây của Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ nói:


“Trung Quốc đang ở thế yếu“. Ảnh: Đỗ Hường

Trung Quốc đưa tàu ra Trường Sa đánh bắt không phải là chuyện làm ăn của các ngư dân Trung Quốc, do mưu sinh của người dân và là chuyện vẫn làm từ trước tới nay.

Trung Quốc rõ ràng có những tính toán nhất định trong hành động này, đặc biệt là sau khi họ từ chối đàm phán COC thì lập tức cho tàu cá ra Trường Sa (vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam) đánh bắt.

Đây là một phần trong kế hoạch âm mưu độc chiếm Biển Đông, để thực hiện tham vọng hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò. Có rất nhiều việc chứng tỏ dã tâm của Trung Quốc: Ngang ngược ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông; Bắt bớ ngư dân Việt Nam và các nước khác; Gây hấn với Philippines trong vụ Hoàng Nham/ Scarborough;

Đưa tàu hải giám tuần tra, diễn tập đội hình ở Biển Đông; Mang giàn khoan khổng lồ ra Biển Đông; Đưa tàu chế biến được nói là xí nghiệp khổng lồ ra biển v.v...

- Vì sao Trung Quốc từ chối đàm phán COC, thưa Tiến sỹ?

Trước đây, Trung Quốc rao giảng bày tỏ thiện chí đàm phán với các nước ASEAN nhằm hoàn tất COC, khiến nhiều người tưởng rằng Trung Quốc có thiện chí hòa bình ở khu vực, cũng là nguyện vọng chung của các nước ASEAN..

Nhưng sau đó, Trung Quốc từ chối đàm phán COC vì họ tự nhận thấy mình đang ở thế yếu về mặt pháp lý, họ từ chối đàm phán COC với lý do hết sức vớ vẩn rằng các nước thành viên DOC đã không chấp hành đúng nội dụng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.


Thực tế, cả thế giới này đã thấy ai mới là kẻ không chấp hành đúng nội dung DOC. Phải nói rằng, Trung Quốc đang 'vừa ăn cắp vừa la làng'.

- Thế việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 không đạt được sự đồng thuận về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông có trách nhiệm của Trung Quốc không, thưa ông?

Trong thực tế, Trung Quốc luôn muốn chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, và hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa rồi là lần đầu tiên sau 45 năm tồn tại chưa đưa ra được một tuyên bố chung. Rõ ràng chúng ta thừa biết ai là người gây nên khó khăn này.

Nhưng qua việc này, tôi tin rằng, một số nước còn mơ hồ sẽ hiểu rõ hơn về ý đồ, dã tâm công khai của Trung Quốc, đây là điều quan trọng mà chúng ta mong muốn.

Tôi cho rằng, tới đây, các nước còn mơ hồ sẽ tính lại chiến thuật, chiến lược của mình trong quan hệ với Trung Quốc. Đương nhiên, đây là vấn đề chính trị trong tương quan lực lượng tương đối phức tạp.

- Ý ông là ASEAN vẫn "được" chứ không "mất"?

Tuy rằng, ASEAN không đạt được thống nhất trong việc cùng với Trung Quốc đàm phán COC, nhưng cái chúng ta đạt được là dư luận và đặc biệt là các nước ASEAN đã hiểu rõ hơn bộ mặt thật của Trung Quốc.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn rao giảng, mê hoặc, tung lời đường mật với một số dư luận trong khu vực thế giới và trong một số nước ASEAN để thực hiện một đất nước 'trỗi dậy hòa bình'.

Nhưng giờ đây, các thành viên ASEAN đã hiểu rõ bước đi, tính toán của Trung Quốc, và đó chính là thắng lợi của chúng ta, là điều chúng ta mong muốn.


- Báo chí phương Tây nói Philippines đã thất bại trong việc dựa vào Mỹ để chống lại yêu sách trên biển của Trung Quốc. Quan điểm của Tiến sĩ về việc này thế nào?

Dư luận gần đây nói Philippines liên kết với Mỹ nhưng không thể ngăn cản được Trung Quốc, tôi cho là chưa hẳn là như vậy.

Nếu tình hình tiếp tục như vậy, tôi tin các nước ASEAN sẽ tỉnh ngộ hơn. Và các nước lớn như Mỹ và các nước khác sẽ có những động thái ngăn chặn những yêu sách hết sức phi lý của Trung Quốc.

Nếu để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, giao thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tôi nghĩ là dư luận quốc tế và khu vực sẽ hiểu rõ bộ mặt thật của Trung Quốc trong bước đi của họ được che đậy bởi cái gọi là 'thiện chí'.

- Vậy, theo ông, Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp, liên tiếp xua tàu cá đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam?

Tất nhiên, chúng ta không thể ngồi yên trước loạt động thái gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động thế nào chúng ta phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.

Trước tiên, những người làm công tác đàm phán trước những khó khăn chớ vội bi quan, mà nên bình tĩnh, khôn khéo nếu muốn lôi Trung Quốc vào bàn đàm phán.

Đó là bởi hy vọng Trung Quốc lập tức từ bỏ yêu sách trong khi dư luận nội bộ Trung Quốc đã nhuộm đen, với những thế lực diều hâu là hoàn toàn duy ý chí, và ảo tưởng.

Do vậy, chúng ta phải tùy cơ ứng biến, xem thế của mình để mà đàm phán, lật lại tình thế của vấn đề.

Tôi tin nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động gây hấn, chắc chắn dư luận trong nước và thế giới sẽ lên tiếng. Đấy là thế mạnh của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn cảnh giác và tỉnh táo trước diễn biến phức tạp hiện nay.

- Còn các lực lượng vũ trang của ta trên biển thì sao, thưa ông?

Trung Quốc xua tàu cá ra Biển Đông, nhưng họ đâu có dám nói là vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, hay của nước khác.

Họ xua tàu ra vùng biển quốc tế thì sao. Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, tránh bị kích động bởi những thông tin chưa xác thực.

Nếu tàu cá Trung Quốc dám xâm phạm chủ quyền Việt Nam, thì cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân Việt Nam sẽ chặn bắt, lập biên bản. Trung Quốc đâu phải muốn làm gì thì làm trên biển.

- Rõ ràng, có thể thấy dư luận Trung Quốc đang rất bị kích động, có rất nhiều ý kiến tỏ ra hung hăng, hiếu chiến...

Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải đẩy mạnh. Chúng ta phải tuyên truyền một cách xây dựng, đàng hoàng, khách quan, làm sao để mọi người hiểu rõ ý đồ, bước đi, và yêu sách của Trung Quốc.

Ngay ở Trung Quốc, nhiều học giả của họ cũng lên tiếng phản đối 'đường lưỡi bò'. Những người dân có kiến thức, có liêm sỉ đều thấy 'đường lưỡi bò' không hề có chút chỗ dựa nào về pháp lý, về lịch sử, thậm chí còn dẫm đạp lên chính Công ước quốc tế về luật biển mà Trung Quốc đã ký vào.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho đội ngũ nghiên cứu, chuyên gia, để tập hợp ngày càng nhiều chứng cớ lịch sử về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.

Chúng ta có tiếng nói của chính nghĩa, của công lý, có sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Tôi nghĩ, chẳng có gì phải bi quan bởi Trung Quốc càng cố độc chiếm Biển Đông, thì họ càng ở thế yếu. Sẽ không quốc gia nào chịu ngồi yên khi thấy luật pháp quốc tế bị chà đạp như vậy.

Tôi tin rằng, đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam đều rất tài tình và có những tính toán, bước đi thích hợp để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Nguồn: Xã Luận

1 nhận xét:

  1. LỰU ĐẠN17 tháng 7, 2012

    đảo càng ngày càng mất,biển càng ngày càng bị lấn,ngư dân ra thì gặp cướp...tính toán sao đây???

    Trả lờiXóa