Vibay

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Trung Quốc triển khai lực lượng phản ứng nhanh ở "Tam Sa"


Cái gọi là "Hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa" ngang nhiên họp lần đầu tiên ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ngày 23/7/2012.

23/7/12- Trung Quốc đang gia tăng hiện diện quân sự trong vùng biển Hoa Nam (Biển Đông). Ủy ban quốc phòng trung ương của CHND Trung Hoa đã thông qua quyết định bố trí đơn vị quân sự đồn trú ở thành phố Tam Sa trên quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Ngoài Trung Quốc, các quốc gia tuyên bố chủ quyền với toàn bộ hoặc một phần quần đảo này là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Đơn vị đồn trú sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh và đào tạo dân quân dự bị, đảm nhận canh gác và tiến hành các chiến dịch quân sự. Một tháng trước đây, để củng cố chủ quyền với khu vực tranh chấp, Bắc Kinh đã chính thức công bố việc tạo lập đơn vị hành chính mới là địa cấp thị Tam Sa, bao gồm các đảo Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa và những vùng biển liền kề. Tại đơn vị hành chính mới này sẽ xuất hiện cơ quan lập pháp và đảng bộ địa phương, tham gia chỉ định các đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay. Động tác bố trí đơn vị đồn trú quân sự thực tế hoàn thành qui trình tạo lập đơn vị hành chính mới thuộc thành phần tỉnh Hải Nam, - chuyên viên phân tích Yakov Berger từ Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận xét.

“Trung Quốc đã thực hiện hành động ráo riết để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, quyền sở hữu các hòn đảo và rạn san hô cũng như khu vực biển bao quanh. Những hòn đảo này nằm khá xa phần cực nam của Trung Hoa đại lục và đảo Hải Nam, nhưng sát gần hơn với những quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ. Bất chấp thực tế đó, Bắc Kinh cố gắng từng bước củng cố vị thế tại khu vực biển đảo này”.

Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ngay sau khi có bùng phát nghiêm trọng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Philippines hồi tháng Tư. Khi đó, tàu chiến Philippines đã cố gắng đuổi các tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực tranh chấp gần rạn san hô Scarborough (Hoàng Nham). Còn Trung Quốc cũng phái tàu hải giám đến nhằm bảo vệ ngư dân. Cũng chính vào lúc cuộc xung đột nóng lên, Hoa Kỳ và Philippines đã cùng tiến hành tập trận hải quân chung. Đã thực hiện bài tập giả định, đổ bộ giải phóng hòn đảobị các chiến binh vũ trang chiếm giữ.

Đồng thời, Washington bắt tay giúp Manila trong việc hiện đại hóa quân đội của nước này, hứa hẹn những trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất dành để kiểm soát sự điều động của lực lượng Trung Quốc trong khu vực Nam Sa. Đó là các radar, tàu tuần phòng, máy bay trinh sát. Song song, đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc đưa căn cứ hải quân Hoa Kỳ Subic Bay trở lại vùng biển Hoa Nam (Biển Đông). Có thể thấy, bố trí tại Tam Sa lực lượng phản ứng nhanh là câu trả lời của Trung Quốc với kế hoạch hành động của Hoa Kỳ ở khu vực này, - chuyên viên Yakov Berger nhận định.

“Hoàn toàn rõ ràng là, tình hình đang nóng lên trông thấy. Tuy nhiên khó nói điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi Trung Quốc đồng thời đang bắt đầu cuộc tập trận hải quân trong khu vực này, huy động lực lượng lớn tham gia. Nhưng những cuộc tập trận tương tự thì cả Hoa Kỳ cũng đang triển khai cùng với các đồng minh, với các quốc gia mà Washington dành sự ủng hộ”.

Nếu ai đó trong số các láng giềng của Trung Quốc quyết định đi tới đối đầu quân sự với Bắc Kinh để chứng minh chủ quyền đối với Nam Sa (Trường Sa), thì Hoa Kỳ có thể ở vào tình thế bất tiện tiến thoái lưỡng nan. Cuộc xung đột vũ trang cục bộ với sự tham gia của người Mỹ và người Trung Quốc có thể giáng đòn phá hoại với thị trường toàn cầu. Còn vận chuyển hàng hải trên vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), chiếm tới % lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ Trung Đông đến châu Á, hẳn sẽ đơn giản là tê liệt. Mặt khác, giả như người Mỹ từ chối hỗ trợ các đồng minh thì sẽ làm tổn hại danh tiếng của Hoa Kỳ như là một cường quốc quân sự đang ngày càng áp đặt luật chơi của mình trên Thái Bình Dương.

Tiếng nói nước Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét