09/7/12- Trong sự “Trỗi dậy trong hòa bình” của Trung Quốc, mối quan hệ giữa “trỗi dậy và hòa bình” không như Trung Quốc rao giảng. Thực chất mối quan hệ đó là “trỗi dậy” tỷ lệ nghịch với “hòa bình”.
Hàng loạt hành động ngang ngược, hung hăng trên Biển Đông ai cũng đã rõ.
Hàng loạt bài viết về tình hình biển Đông mà Việt Nam là đối tượng, đăng trên báo viết, báo mạng, báo hình ở Trung Quốc với những lời hăm dọa hung hăng, gươm đao loảng xoảng mà một trong những ví dụ điển hình là bài “Trung Quốc buộc phải ra đòn ở Nam Hải (tức là Biển Đông)” của một tờ báo đầy quyền uy là Nhân dân nhật báo (bản hải ngoại) ngày 30-6 vừa qua.
Giọng điệu của bài báo chẳng khác gì dân nghiền “kiếm hiệp”: nào là “quả đấm thẳng”, nào là “một loạt quả đấm móc”, nào là “một số đòn thái cực quyền”…
Trung Quốc mắc bệnh “tẩu hỏa nhập ma”?
Kiếm hiệp là thể loại chuyện đặc sắc của Trung Quốc mà thế giới chỉ có một. Người Trung Quốc khi nói đến “Tẩu hỏa nhập ma” thì ai cũng hiểu, nhưng khái niệm này hơi lạ với thế giới, với những ai chưa từng đọc kiếm hiệp.
“Tẩu hỏa nhập ma” thường xảy ra với những người luyện bí kíp võ công thượng thừa muốn trở thành kẻ có võ công vô địch để làm bá chủ thiên hạ.
Nguyên nhân của “tẩu hỏa nhập ma” là do luyện không bài bản, không tôn trọng quy luật khách quan, dùng “lực” can thiệp để thực hiện theo ý muốn dẫn đến tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật vượt ra khỏi ý muốn chủ quan của con người khiến mọi hành vi không được kiểm soát.
Người luyện công do cái TÂM chưa tốt, chưa bài trừ hết các tạp niệm – nguyên nhân gây ra các ảo ảnh, ảo vọng, tự đánh giá chủ quan cho rằng mình là vô dịch thiên hạ…dẫn đến trạng thái mê loạn do ảo ảnh huyễn hoặc nên không còn nhận nổi thực tế, tin tưởng vào điều không thể có hoặc chỉ có trong tưởng tượng.
Do bị lôi cuốn bởi ảo giác nên họ lấy giả làm thật, cuối cùng tinh thần tất tán dẫn đến điên khùng.
Con người suy cho cùng là một vũ trụ, một xã hội thu nhỏ. Căn cứ vào hành động và thái độ của Trung Quốc đã và đang xảy ra, liệu đất nước Trung Hoa vĩ đại có nguy cơ bị “tẩu hỏa nhập ma” hay không?
Nếu một nước lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ như Trung Quốc mà mắc “căn bệnh” này e rằng thế giới sẽ gặp nguy hiểm.
Ảo tưởng, huyễn hoặc mộng bá chủ thế giới
Gần 3 thập kỷ cải cách đổi mới, Trung Quốc đã trở thành một trong các trung tâm kinh tế thế giới. GDP năm 2010 vượt Nhật và chỉ xếp thứ 2 sau Mỹ. Quả là một sự phát triển thần kỳ về tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến thế giới nể phục.
Điều mọi người quan tâm hơn cả là đường lối chiến lược của TQ khi sự thay đổi vị trí quán quân GDP giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã dẫn đến những biến chuyển chính trị, quân sự của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế ra sao?
Trước hết, Trung Quốc không cần “giấu mình chờ thời” theo sách lược của Đặng Tiểu Bình, tức làhọ cho rằng thời cơ xưng hùng xưng bá đã đến.
Về quân sự-yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu chính trị, tất nhiên phải xây dựng và phát triển hết sức có thể để bảo đảm răn đe và trấn áp bằng vũ lực khi cần, đặc biệt chú ý xây dựng một lực lượng Hải quân hùng mạnh.
Tất cả nhằm đạt mục tiêu “bành trướng”, đó là, mở rộng các khu vực “lợi ích cốt lõi”, độc chiếm Biển Đông, tiến tới chia đôi châu Á-TBD như đã từng đề nghị với Mỹ. Sau đó, tất nhiên ý tưởng lật đổ Mỹ không phải là điều mà giới lãnh đạo Bắc Kinh không hướng tới.
Các báo Trung Quốc phấn khởi đăng một loạt bài viết có đầu đề đại để như “30 năm nữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đổi vai trò cho nhau”, “Con bướm đang đập cánh tại Trung Quốc”. Người Trung Quốc say sưa tới mức mụ mẫm với con số GDP đã và sẽ đạt được, với viễn cảnh cái ngày Trung Quốc “mở mày mở mặt”, “nói gì làm nấy” ...
Giới hiếu chiến lập tức huênh hoang, sốt ruột tới mức thậm chí phê phán nhà cầm quyền là nhu nhược thiếu cứng rắn với Mỹ…Nhưng người Trung Quốc phẫn chí, ngạo mạn quá sớm và quên mất lịch sử.
Năm 1840, GDP của Trung Quốc thời nhà Thanh chiếm 33% GDP toàn cầu, gấp 6 lần GDP nước Anh. Thế mà Trung Quốc lại bị các cường quốc châu Âu xâu xé. Nhà Thanh có hơn 1 triệu binh sĩ, thế mà bị 4000 lính viễn chinh Anh Quốc đánh cho đại bại, phải ký Hiệp ước Nam Kinh (8-1842) mất mặt.
Năm 1894, dù đã bị các nước phương Tây xâm lược nửa thế kỷ, GDP của Trung Quốc vẫn lớn gấp 9 lần GDP của Nhật, thế mà trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ, Trung Quốc vẫn thua to, bị Nhật chiếm mất 2 đảo Đài Loan, Bành Hồ và phải bồi thường cho Nhật 200 triệu lạng bạc.
Như vậy GDP lớn không có nghĩa là quốc lực lớn.
Cấu tạo ngành nghề làm nên GDP nước Mỹ và Nhật Bản gồm toàn những ngành quan trọng như hàng không, du hành vũ trụ, máy tính, công nghệ sinh học, đóng tàu, chế tạo máy, công nghiệp hiện đại... Ưu thế quân sự số một thế giới của họ là nhờ vào các ngành đó.
Còn cấu tạo GDP của Trung Quốc thì không được như vậy. Động cơ máy bay hiện đại phải mua, tàu sân bay chưa có, còn các loại tàu ngầm thì chỉ quanh quẩn ở khu vực biển nông… cho nên còn quá lâu để Trung Quốc trở thành siêu cường quân sự.
Dù cho giới quân sự Trung Quốc có thổi phồng sức mạnh quân sự của họ đến mấy thì người diều hâu, hiếu chiến nhất, có tính cách AQ nhất cũng phải bắt buộc thừa nhận, vì nó quá rõ ràng, rằng: So với Mỹ thì chưa là cái gì.
Thậm chí so với Nhật Bản họ vẫn chưa vượt nổi. Nên nhớ, với nền công nghiệp của Nhật khi chuyển sang trạng thái phục vụ chiến tranh thì hàng loạt trang bị vũ khí hiện đại sẽ ra đời trong một thời gian ngắn kể cả VKNT.
Vậy nên ở trong thế, lực đó mà hô hào bá chủ thế giới, phế ngôi Mỹ thì “chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc” quả là đại hoang tưởng, đại ngông cuồng.
Mơ ước được đứng đầu thế giới không xấu nếu điều đó chứng tỏ ý thức vươn lên của một quốc gia, dân tộc. Nhưng ước mơ bá chủ thế giới được bộc lộ công khai với thái độ hung hăng và ngạo mạn theo kiểu phát xít Đức, chủ quan duy ý chí như vậy thì được coi là tham vọng điên cuồng, là mối hiểm nguy cho thế giới.
Bá chủ thế giới “di căn” sang bành trướng bá quyền khu vực
Trong sự “Trỗi dậy trong hòa bình” của Trung Quốc, mối quan hệ giữa “trỗi dậy và hòa bình” không như Trung Quốc rao giảng. Thực chất mối quan hệ đó là “trỗi dậy” tỷ lệ nghịch với “hòa bình”.
Trung Quốc trỗi dậy được là nhờ Mỹ, nhưng khi có một cái TÂM không tốt thì sự trỗi dậy đồng nghĩa với đe dọa, chiếm đoạt, hung hăng, bất chấp tất cả.
Càng trỗi dậy bao nhiêu, càng nguy hiểm cho láng giềng khu vực, hòa bình càng ít cơ hội bấy nhiêu. Thực tế chứng minh hành động của Trung Quốc hoàn toàn như vậy.
Khi còn yếu thì Trung Quốc thi hành chính sách ve vãn, gây cảm tình với ASEAN, ký với ASEAN Tuyên bố ứng xử (DOC). Khi mạnh lên họ tuyên bố mở rộng “lợi ích cốt lõi”, đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm trọn 80% Biển Đông. DOC hay UNCLOS, bây giờ, với họ là “mớ giấy lộn”.
Do vùng biển phía Đông, Trung Quốc gặp phải những đối thủ mạnh, họ không đủ sức bành trướng, bá quyền, lập tức căn bệnh “ung thư bành trướng” “di căn” sang hướng Tây với một tốc độ lớn, càng ngày càng trắng trợn, ngang ngược, bất chấp tất cả, hết sức nguy hiểm cho hòa bình khu vực.
Có thể nói, trên Biển Đông, bây giờ Trung Quốc cậy thế đông không cần giấu diếm ý đồ, thách thức, khiêu khích các quốc gia có tranh chấp.
Trung Quốc cướp bãi cạn Scarborough của Phlipines, không những thế còn đe dọa xâm lược Phlipines.
Trung Quốc tuyên bố thành lập “Thành phố Tam Sa”. Đặc biệt, ngang ngược nhất là mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí trong vùng Đặc quyền kinh tế Việt Nam, hành động được coi như “bán nhà người hàng xóm”.
Trung quốc đã kích động một tâm lý dân tộc cực đoan bằng cách mô tả Trung Quốc là “nạn nhân” của các quốc gia xung quanh, là “kẻ yếu thế” trong các tranh chấp trên biển Đông.
Họ lấy giả làm thật cho rằng Việt Nam chiếm đảo Trung Quốc, thậm chí tố cáo Philipines khiêu khích họ…Việc ông Đới Quốc Bình trước bàn dân thiên hạ nói “Philipines ăn hiếp Trung Quốc” mà không sợ dân cười, phê phán thì chứng tỏ Trung Quốc tuyên truyền mị dân, bôi đen sự kiện đến mức nào.
Cho nên, hơn 80% người dân được hỏi, luôn đòi chém, giết kẻ “ăn hiếp”, kẻ “xâm lược” Trung Quốc, là điều mà thế giới không có gì là ngạc nhiên.
Trung Quốc nhìn đâu cũng thấy là kẻ thù, kẻ thù tứ phía nên Trung Quốc tả xung hữu đột, vung gươm múa kiếm loạn xạ…đe dọa cho người này nghe tiếng gầm của đại bác, dọa cho người kia một bài học…
Quả là cậy lớn hiếp bé, ngang ngược, hung hăng, coi thường tất cả.
Đúng như người ta nói “Trung Quốc đã tạo ra một con quái vật mà không thể kiểm soát và đánh thắng nó”. Phải chăng đây là nguyên nhân và biểu hiện của căn bệnh “tẩu hỏa nhập ma”?
Đã qua rồi thời đại “bành trướng, bá quyền” theo kiểu phát xít Đức. Trong thời đại ngày nay, quốc gia nào thực hiện được “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm” mới tỏ rõ được vai trò, năng lực của một siêu cường, thế giới mới chấp nhận, tôn trọng.
Hành động “bành trướng” được coi như là căn bệnh ung thư khiến thế giới ghê tởm, tránh né và tất nhiên sẽ phòng chống mãnh liệt.
Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh ung thư thì vấn đề chỉ là thời gian.
Lê Ngọc Thống
Phunutoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét