Tại cuộc họp báo diễn ra sau ngày họp thứ nhất của Ngoại trưởng các nước ASEAN ở thủ đô Phnom Penh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn khẳng định ASEAN đã cơ bản đạt được nhất trí về văn kiện COC.
“Các ngoại trưởng ASEAN đã đồng ý với nhau về COC và từ nay, chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với Trung Quốc”, ông Kao Kim Hourn cho biết.
Cũng theo ông Kao Kim Hourn, các ngoại trưởng ASEAN đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận về COC ngay trong ngày thứ nhất của cuộc họp, nơi họ đã tập trung bàn thảo về những căng thẳng gần đây trên biển.
Thủ tướng Hun Sen phát biểu ở Phnom Penh 9/7/2012, trong đó ông kêu gọi các bên sớm đưa ra bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, chi tiết của văn kiện chưa được công bố và ASEAN cũng chưa thể đưa ra ngay tuyên bố chung vì vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về ngôn từ ở một vài chỗ.
Cụ thể, Philippines muốn đưa tình hình ở bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham vào tuyên bố chung, song đề nghị này không được một số nước chấp thuận với lý do tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines ở bãi đá này vẫn chưa ngã ngũ.
Trước đó, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên, với vai trò là nước chủ nhà hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Xen đã thúc giục các nước trong vùng thúc đầy tăng trưởng kinh tế và hợp tác an ninh.
Ông cũng kêu gọi sớm thi hành một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Tâm điểm Biển Đông
Giới quan sát cho rằng căng thẳng biển đảo sẽ là chủ đề nóng nhất tại Hội nghị AMM 45 lần này, nhất là khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ có mặt ở Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong tuần này để bàn về vấn đề an ninh.
Trước khi tới Campuchia dự ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã tới thăm Afghanistan, Nhật Bản và đến Mông Cổ hôm thứ Hai (9/7).
Dự kiến, bà cũng sẽ đến thăm Việt Nam và Lào trước khi tới Campuchia, đánh dấu một tuần ngoại giao ở châu Á.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực có thể giúp củng cố quan hệ chính trị và kinh tế song phương, bà Hillary cũng sẽ “thảo luận về những diễn biến gần đây trong vùng, như ở Biển Đông”.
Sau chuyến đi Việt Nam, bà Clinton sẽ đến Lào - chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau 57 năm.
Phát biểu ở thủ Ulaanbaatar của Mông Cổ ngày hôm qua, bà Hillary nói chuyến công du châu Á “phản ánh ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.
“Sau 10 năm tập trung chú ý vào xung đột ở Afghanistan và Iraq, Hoa Kỳ đang tăng cường đầu tư (về ngoại giao, kinh tế và chiến lược) vào khu vực này”, bà nói.
Phản ứng của các bên về Biển Đông
Cũng hôm thứ hai, Trung Quốc nói rằng sẵn sàng thảo luận vấn đề biển đảo với ASEAN “khi điều kiện chín muồi”, nhưng khẳng định mọi thỏa thuận không phải để giải quyết chủ quyền.
“Bộ Quy tắc ứng xử COC không phải để giải quyết tranh chấp, mà là nhằm xây dựng niềm tin và đẩy mạnh hợp tác”, người phát ngôn Lưu Vi Dân nói
Theo một số nhà phân tích, lập trường này nhất quán với mong muốn lâu nay của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp theo cách song phương.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã khẳng định với các phóng viên rằng Hiệp hội có thể tạo ra tiến bộ trong tranh chấp biển đảo.
“Chúng tôi sẽ có thảo luận hiệu quả, chừng mực về vấn đề này với các bên”, ông nói.
Cũng theo Tổng Thư ký Pitsuwan, khi thảo luận về vấn đề Biển Đông trong ngày họp đầu tiên, các ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), gây phương hại cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.
Các bộ trưởng nhấn mạnh cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và tinh thần DOC.
Các bộ trưởng đánh giá cao việc ASEAN cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của COC, để từ đó khởi động tham vấn ASEAN-Trung Quốc về văn kiện này.
Theo Dân Trí
DOC và COC là gì ?
DOC là văn bản song phương có sự tham gia của nhiều bên đầu tiên của khu vực trong quản lý và kiềm chế tranh chấp Biển Đông. Tranh chấp này được biết đến như tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu thế kỷ, và với các bên tranh chấp khác trong nửa cuối của thế kỷ XX cho đến nay.
Tranh chấp Biển Đông gồm ba loại: tranh chấp chủ quyền các đảo, tranh chấp phân định biển (phân định biển liên quan đến các đảo có tranh chấp và phân định biển không liên quan đến tranh chấp chủ quyền) và tranh chấp về sử dụng và bảo vệ môi trường biển (các quyền tự do hàng hải, về đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, tranh chấp về môi trường biển, về nghiên cứu khoa học biển). Các tranh chấp này đan xen nhau, phụ thuộc lẫn nhau, chịu ảnh hưởng quan hệ giữa các siêu cường trong và ngoài khu vực, làm tranh chấp ngày càng phức tạp, khó giải quyết. Sau hai lần Trung Quốc sử dụng vũ lực năm 1974 và 1988 cùng sự kiện hợp đồng thăm dò khu vực bãi ngầm Tư Chính giữa Trung Quốc và công ty Mỹ Crestone nằm trên thềm lục địa Việt Nam năm 1992, ASEAN mới có sáng kiến ngăn ngừa đầu tiên với Tuyên bố Biển Đông năm 1992.
Tuyên bố này lần đầu tiên kêu gọi các bên tranh chấp cùng ASEAN xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) như một biện pháp xây dựng lòng tin của khu vực. Việc gia nhập ASEAN của Việt Nam và vụ đụng độ Mischief (Đá Vành khăn) giữa Philippin và Trung Quốc trong cùng năm 1995 đã là những chất xúc tác đưa hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của sự phô trương sức mạnh quân sự của người láng giềng phương Bắc buộc phải có những bước đi kiên quyết trong lĩnh vực này. Năm 1996 ASEAN chính thức thống nhất đề xuất xây dựng văn bản COC cho khu vực.
Lúc đầu Trung Quốc không chấp nhận đàm phán xây dựng một COC với lý do ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố hợp tác hướng tới thế kỷ 21 ký tháng 12/1997 tại Kuala Lumpur. Sau khi tuyên bố đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa năm 1996 vi phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc thông qua luật đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998, lệnh cấm đánh bắt cá từ năm 1999 nhằm củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc làm các nước khác lo ngại và khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang và chiếm đóng mới ở Biển Đông. Đài Loan thông qua luật lãnh hải và vùng tiếp, giáp năm 1998, luật đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1999. Malaysia chiếm thêm Én Đất và Bãi Thám hiểm tháng 6/1999.
Việt Nam và Philippin tăng cường củng cố các vị trí đã chiếm giữ. Bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông lúc đó buộc các nhà ngoại giao khu vực phải sớm có một giải pháp. Các bộ quy tắc ứng xử Philippin – Trung Quốc và Philippin – Việt Nam trong năm 1995 là cơ sở để ASEAN đề nghị Trung Quốc tiến hành đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử chung ASEAN – Trung Quốc. Thế nhưng các cuộc đàm phán giữa các bên chỉ đi đến một kết quả nửa đường – Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002 sau hơn 2 năm đàm phán và 10 năm nung nấu ý tưởng.
Các khó khăn trong xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử COC như phạm vi áp dụng, quy định về việc không xây dựng các cấu trúc mới trên những đảo, đá, bãi ngầm hay tính ràng buộc pháp lý đã dễ dàng bị bỏ qua để đi đến Thỏa thuận tạm hài lòng tất cả các Bên. Không phải là COC như mục tiêu hướng đến mà là DOC 2002 với hy vọng làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Thế nhưng một sản phẩm đẻ non khó có thể làm tranh chấp giảm bớt. Các bên đều lợi dụng tính lỏng lẻo trong các quy định chung của DOC 2002 nhằm ngụy biện cho các hoạt động tăng cường hiện diện của mình trên Biển Đông. Hiệp định thăm dò địa chấn Trung – Phi 2004 là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với nguyên tắc thông báo cho nhau trong DOC, đe doạ phá vỡ nền tảng củaTuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Sự thay thế Hiệp định này bằng “Thoả thuận ba bên về tiến hành thăm dò địa chấn biển chung trong khu vực xác định tại biển Đông” 2005, do sự đấu tranh kiên quyết của Việt Nam, cũng chỉ mang lại bình yên trong thời gian ngắn.
Dàn khoan Kantan-03 và tàu nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập hoạt động trên thềm lục địa đất liền Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép buộc các hãng dầu khí nước ngoài đang có Hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phải ngừng công việc. Thành phố Tam Á bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa được thiết lập cũng như vụ rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Hoàng Sa đã làm dấy lên sự biểu lộ bất bình của người dân Việt Nam vào tháng 12/2007. Đài Loan mở rộng chiếm đóng Bãi Bàn Than và lên kế hoạch xây đường băng trên đảo Ba Bình. Đề xuất 6 dự án trong khuôn khổ DOC 2002 không được thực hiện. ASEAN và Trung Quốc bất đồng về nguyên tắc 2 trong dự thảo Hướng dẫn thực hiện DOC.
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét