Trong nửa thập kỷ, nhu cầu về các chiến dịch chống nổi dậy ở cấp độ kỹ nghệ đã xác định các ưu tiên chi tiêu của Mỹ và ám ảnh các nhà tư tưởng chiến lược của nước này. Nhưng ngày nay, mốt quân sự mới đã vượt lên trên. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bổ sung ý nghĩa gì về nguồn lực quân sự của chính sách "tái cân bằng" của Mỹ hướng tới châu Á.
Ông Panetta tuyên bố rằng đến năm 2020, 60% tàu chiến Mỹ, trong đó có 6 nhóm tàu sân bay, sẽ được cử đến sân khấu châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc tới một loạt "đầu tư" khác nhằm đảm bảo rằng bất chấp sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc, Mỹ sẽ vẫn có khả năng "nhanh chóng huy động sức mạnh quân sự khi cần thiết để thực hiện các cam kết an ninh của chúng tôi" trong khu vực. Trong số này sẽ có các tàu mới có thể hoạt động ngay gần bờ biển của một kẻ thù, và các tàu ngầm tấn công nhanh; các máy bay đánh chặn tên lửa đang chế tạo với Nhật Bản; các hệ thống thông tin và tăng cường chiến tranh mạng; và một máy bay ném bom tầm xa mới có thể tấn công vào tận sâu trong lãnh thổ của kẻ thù.
Hiện Mỹ đang rời Iraq và giảm bớt cam kết tại cuộc chiến ở Afghanistan. Khi Tổng thống Barack Obama lạc quan thông báo điều này, thì chính quyền Mỹ lại có lý do để lo ngại về tiềm năng của Trung Quốc và Iran trong việc làm xói mòn khả năng Mỹ thể hiện sức mạnh trong những khu vực lợi ích sống còn. Kết quả là một làn sóng ngoại giao, nhằm tái trấn an các đồng minh châu Á của Mỹ rằng Washington sẽ làm mọi cách cần thiết để bảo vệ họ khỏi đạn pháo của Trung Quốc; và bên cạnh đó là việc Lầu Năm Góc phát triển chiến lược Đấu tranh Không-Biển, một chiến lược mới nhằm đánh bại các năng lực được gọi là chống can thiệp và phong tỏa khu vực (A2/AD) mà các kẻ thù chiến lược có công nghệ sắc bén như Trung Quốc sẽ huy động.
Ảnh minh họa.
"Chống can thiệp" là năng lực ngăn cản một lực lượng đối thủ tiếp cận một khu vực chiến dịch; "phong tỏa khu vực" là khả năng gây ra những mất mát lớn một khi kẻ thù có sự tự do hành động. Sự lan rộng của các vũ khí điều khiển từ xa chính xác hiện cho phép các cường quốc đầy tham vọng trong khu vực ngăn chặn đối thủ tiếp cận các vùng biển và vùng trời gần, ngay cả khi đối thủ là một nước mạnh về quân sự.
Để đạt được điều đó, Trung Quốc đang chi nhiều cho tên lửa đạn đạo và hành trình chống hạm, máy bay ném bom trên biển, tàu ngầm gắn ngư lôi và tên lửa và các tàu tuần tra nhanh, tất cả đều nhằm thực hiện các chiến dịch trong "chuỗi đảo thứ nhất" vốn có nguy cơ cao trước các tàu sân bay của Mỹ. Họ cũng đang tìm cách chế tạo các vũ khí mạng và chống vệ tinh nhằm "vô hiệu hóa" các mạng thông tin mà các lực lượng Mỹ dựa vào để hành động. Từ sau chiến tranh Lạnh, binh lính Mỹ đã dựa vào sự điều khiển từ các căn cứ quân sự và tàu sân bay mà kẻ thù không thể đe dọa. Mọi chuyện giờ đã thay đổi.
Bất chấp điều này, chiến lược Chiến tranh Không - Biển và biểu hiện gần đây nhất của nó là Khái niệm Tiếp cận hoạt động chung, đang gây tranh cãi. Một số người chỉ trích thấy đây là một âm mưu của các lực lượng hải quân và không quân, sau một thập kỷ tương đối bị quên lãng, nay muốn tước lấy phần lớn chiếc bánh ngân sách đang bị thu hẹp - dự kiến sẽ giảm xuống còn 480 tỷ USD trong 10 năm tới.
Những người khác lo ngại rằng dù khái niệm này không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng đây là đối thủ duy nhất có các năng lực mà ý tưởng mới đang nhằm chống lại. (Điều đáng nói là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã không tham dự cuộc gặp Shangri-La). Và trong khi tiền thân của chiến lược Chiến tranh Không - Biển trong những năm 1980, là Chiến tranh Không - Bộ, đã có ý định đáp lại các mối đe dọa của sức mạnh của các lực lượng Liên Xô tạ Tây Âu, thì mối đe dọa của Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh trong khu vực lại rất khó xác định.
Trong một phát biểu hồi tháng trước tại Hội thảo Chiến tranh chung, Tướng James Cartwright, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng liên quân, nói về Chiến tranh Không - Biển như sau: "Đối với một số người, đây đã trở thành chiếc Chén Thánh ... nhưng đây không phải là một học thuyết hay một kịch bản". Trong trường hợp tệ nhất, Tướng Cartwright nói, "Chiến tranh Không - Biển sẽ biến Trung Quốc thành quỷ dữ. Điều này không có lợi cho ai cả".
Nathan Freier, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, có trụ sở tại Washington, lập luận trong một tài liệu gần đây rằng dù xung đột với Trung Quốc "có thể gây sát thương nhiều nhất theo một quan điểm quân sự truyền thống, nhưng cũng ít khả năng xảy ra và chỉ mang tính chất suy đoán". Triều Tiên, Pakistan và Iran (với kho vũ khí hạt nhân hiện tại hoặc giả định) và cả Syria đều có thách thức A2/AD thực tế hơn, đòi hỏi phải kết hợp với các lực lượng trên bộ mà Chiến tranh Không - Biển không tính tới.
Những người chỉ trích khác, như Noel Williams, một cố vấn về chiến lược cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, thì chỉ ra nguy cơ leo thang - vì sự phụ thuộc vào cuộc tấn công sâu chống lại các mục tiêu trên bộ ở Trung Quốc - và sự thiếu vắng các ý tưởng về điều gì sẽ xảy ra nếu không có các lực lượng bộ binh khi một cuộc tấn công được tiến hành.
Đại tá Gian Gentile, một giáo sư Viện Hàn lâm quân sự Mỹ, than phiền năm 2009 rằng các chiến dịch chống nổi dậy đã trở thành "một chiến lược gồm các chiến thuật". Ông hàm ý cái đuôi chiến thuật vẫy sau con chó chiến lược. Chiến tranh Không - Biển là một lời đáp chiến thuật ấn tượng cho một vấn đề quân sự đặc biệt. Chưa rõ liệu nó có giải quyết sự mập mờ chiến lược cố hữu trong quan hệ phức tạp của Mỹ với Trung Quốc hay không./.
Châu Giang theo Economist.com
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/77170/trieu-chung-trung-quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét