Đảo Senkaku - nguồn cơn dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Những tưởng rằng, với vị thế là cường quốc lớn nhất khu vực và là siêu cường lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc sẽ là đối tượng mà ít nước dám “qua mặt”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người ta đã chứng kiến siêu cường này lần lượt bị thách thức bởi một loạt nước. Điều gây kinh ngạc là những nước dám đối đầu với Trung Quốc hầu hết đều là những nước nhỏ hơn.
Khi Nhật “giương vây” với Trung Quốc
Trung Quốc có số dân đông nhất thế giới, chiếm tới hơn 1/7 dân số toàn cầu. Nước này cũng là quốc gia có lãnh thổ rộng hàng top 5 thế giới. Vì vậy, bản thân Trung Quốc đã là một nước lớn. Với sức mạnh kinh tế và quân sự không ngừng tăng trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc dần khẳng định vị thế là siêu cường số 1 của khu vực Châu Á tiềm năng. Nước này được cho là cũng đang cạnh tranh vị trí bá chủ thế giới với Mỹ.
Ngay cả siêu cường số 1 thế giới như Mỹ còn phải có đôi phần kiêng nể Trung Quốc. Vậy mà mới đây, một số nước đã dám ngạo nghễ thách thức Trung Quốc. Nổi bật nhất trong thời gian qua là cuộc đối đầu giữa Philippines với Trung Quốc và sự cứng rắn đầy bất ngờ của Triều Tiên đối với đồng minh lớn Trung Quốc. Rõ ràng, Manila và Bình Nhưỡng đã khiến Bắc Kinh thực sự bối rối.
Thách thức vẫn chưa hết với cường quốc số 1 Châu Á. Mới đây nhất, Nhật Bản – một trong những nước lớn của khu vực, cũng bắt đầu “giương vây” với Trung Quốc.
Hôm qua (10/6), Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thi câu cá tại khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là đảo đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. 6 nghị sĩ quốc hội, 30 nhà hoạt động chính trị cùng với thành viên các tổ chức chính trị tại Nhật đã đến tham dự cuộc thi câu cá này. Cuộc thi do Hiệp hội nghề cá đảo Yaeyama, thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa tổ chức. Cơ quan Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã cử tàu đi hộ tống những tàu thuyền đến đảo Senkaku tham dự cuộc thi câu cá.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Senkaku là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Hồi tháng 9 năm 2010, Nhật Bản từng bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở khu vực gần đảo Senkaku. Vụ việc này đã đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Việc Tokyo tổ chức một cuộc thi câu cá ở đảo Senkaku rõ ràng là sự thách thức đối với Trung Quốc. Dù Bắc Kinh hiện giờ chưa đưa ra phản ứng gì những chắc chắn, nước này không thể không nổi giận trước việc Tokyo dám “qua mặt” họ ở đảo tranh chấp.
Trên đây chỉ là đồng thái thách thức mới nhất của Nhật Bản với Trung Quốc. Trước đó, trong thời gian từ cuối tháng 5 đến giờ, Tokyo đã có nhiều hành động khác thể hiện sự đối đầu của họ với Bắc Kinh.
Hôm 26/5, Nhật Bản đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc đảo Thái Bình Dương. Cuộc họp diễn ra giữa lúc căng thẳng Biển Đông leo thang vì cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines. Với nội dung của cuộc họp là tăng cường hợp tác an ninh biển, nhiều người tin rằng, Nhật Bản đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các quốc đảo Thái Bình Dương để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Tại cuộc họp này, Nhật Bản đã cam kết sẽ trợ giúp 500 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương.
Sẽ là thiếu sót khi không kể đến các cuộc tập trận của Nhật Bản với những nước trong khu vực. Không phải vô tình mà gần đây lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận chung với nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Australia, Ấn Độ,...
Cụ thể, Nhật Bản đã có cuộc tập trận hải quân với tàu ngầm và chống ngầm với Mỹ và Australia trong khoảng thời gian từ 6 đến 8/6 ở khu vực biển phía đông nam đảo Kyushu. Ngay sau khi kết thúc cuộc tập trận này, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã tiếp tục tiến hành tập trận chung với hải quân Ấn Độ.
Những cuộc tập trận của Nhật Bản với các nước đồng minh và khu vực được cho là đều mang một thông điệp, ý đồ nhất định. Và tất nhiên, những thông điệp đó đều nhằm vào Bắc Kinh.
Vì sao Nhật Bản liên tục thách thức Trung Quốc?
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu vốn “cơm không lành canh không ngọt” vì một loạt vấn đề như tranh chấp lãnh thổ, vấn đề lịch sử, chiến tranh... Gần đây, Tokyo trở nên dè chừng hơn và cảnh giác hơn khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh và tham vọng hơn.
Chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt và căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông gần đây, Tokyo không khỏi không cảm thấy lo ngại. Lý do là Tokyo cũng đang có một cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đảo Senkaku với Bắc Kinh.
Tokyo tin rằng, nếu để Trung Quốc thắng thế trong cuộc tranh chấp với Philippines ở Biển Đông vừa rồi thì Bắc Kinh có thể sẽ “được thể” lấn tới trong các cuộc tranh chấp với những nước khác, trong đó có cả Nhật Bản. Khi Philippines thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, Nhật Bản thấy rằng, đây là thời điểm thích hợp để họ tỏ thái độ của mình. Tokyo muốn cho Bắc Kinh thấy rằng, họ cũng sẽ như Manila, quyết không lùi bước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đảo Senkaku.
Ngoài ra, có một lý do khác khiến Nhật Bản tăng cường thách thức Trung Quốc. Đó là sự can thiệp ngày một sâu rộng của Mỹ vào khu vực. Mỹ vốn là đồng minh lớn, lâu đời và bền chặt của Nhật Bản. Sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á khiến Tokyo có thêm sức mạnh, thêm động lực để đối đầu với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
http://www.vnmedia.vn/VN/quoc-te/nhan-dinh/8_297892/sau_philippines_nhat_quot_giuong_vay_quot_voi_trung_quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét