Vibay

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Lạnh lùng chống lại mối quan hệ Việt – Mỹ đang nồng ấm

Tác giả: Adam Boutzan/ Asia Times

Người dịch: Trần Văn Minh

Ba Sàm, 07-06-2012


Vào cuối tháng 5, một phân tích hơi kỳ lạ về ý định của Hoa Kỳ đối với Việt Nam được đăng trên một trang blog tiếng Việt. Tài liệu đó có vẻ như báo cáo của một phân tích gia an ninh quân sự Việt Nam về phát biểu của phó đại sứ Hoa Kỳ, bà Claire Pierangelo và ba viên chức trẻ Hoa Kỳ tên là Gary, Greg và Chuck.

Dân Làm Báo cho biết, bản báo cáo là một trong nhiều tài liệu được một nguồn vô danh tiết lộ với blog này. Vài chuyên gia ngoại quốc đã xem qua tài liệu, cho rằng đây là tài liệu giả. Có thể là như vậy, nhưng cũng có thể là không; nếu là một món hàng giả thì hẳn là chuyên nghiệp hơn.

Tác giả của bản báo cáo được cho là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, ráp lại các phát biểu từ ‘nguồn tin’ cho là những người Mỹ nói trên. Ông cho rằng phát biểu này cho sự hiểu biết mới về chiến lược của Hoa Kỳ để phá hoại chế độ cộng sản Việt Nam.

Việc tái thiết lập quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ bắt đầu vào đầu thập niên 1990 và đặc biệt phát triển mạnh vào những năm gần đây. Từ lúc khởi đầu, quyết định của Hà Nội trong việc hàn gắn quan hệ với kẻ cựu thù đã gây tranh cãi trong giới lãnh đạo cao cấp. Phe “cấp tiến” trong đảng lập luận rằng sự sụp đổ của Liên Xô đặt Việt Nam vào vị thế không còn chỗ nương tựa mà phải tìm cách phát triển nền kinh tế èo uột của mình theo mô hình Tây phương. Phe “bảo thủ” nhấn mạnh rằng nếu đất nước ngả theo hướng kinh tế thị trường (chính sách “đổi mới”), thì sẽ không thể nào ngăn cản được sự ô nhiễm xã hội và chính trị.

Trong 20 năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam bùng nổ và mối liên hệ với phương Tây – nhất là với Hoa Kỳ – đã mở rộng, bao gồm sự trao đổi giáo dục tích cực, hợp tác quân sự căn cứ vào nhận thức chung về một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng, và một làn sóng văn hóa thời đại không bị cản trở của Tây phương, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dường như sự tiên đoán của cả hai phe phái đảng đã đúng. Trong khi giới cấp tiến đang ăn mừng điều mà một số người gọi là “quan hệ chiến lược” với Hoa Kỳ, giới bảo thủ đảng than phiền về sự suy yếu dần về luân lý xã hội và quyền lực của đảng.

Từ quan điểm của giới cấp tiến đảng, nhận xét này được cho là của người Mỹ trong tài liệu lộ ra không quá đáng. Tuy nhiên, quan điểm của giới bảo thủ thì giọng điệu của tài liệu, vừa tự khen tặng vừa miệt thị, thật là thô bỉ.

Bà Pierangelo được trích dẫn khi nói, khó khăn lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam là tầm nhìn hạn hẹp của giới lãnh đạo và sự liên hệ mật thiết của họ với các tập đoàn công ty nhà nước kém hiệu quả. “Cụm từ tái cơ cấu kinh tế… không có nội dung và hành động cụ thể đi kèm. Chính phủ VN hiểu vấn đề của họ, nhưng những lợi ích nhóm và cá nhân đang làm mờ mắt và chậm bước trên con đường thay đổi”.

Phó Đại sứ Mỹ được trích dẫn nói thêm, cố ý ám chỉ Thủ tướng Dũng và các bộ trưởng nhưng không nhắc tên, “Tham nhũng ở VN đã trở thành một căn bệnh trầm kha, tới mức nói tới cái gì xấu người dân cũng đều gán cho cái mác ‘Cộng sản’.” Bà phó đại sứ, được kể lại, kết luận rằng sự thất bại của chính quyền đang dẫn đến con đường xung đột với nguyện vọng của giới trẻ Mỹ hóa.

Đó là điều mà các chuyên gia của những ngân hàng phát triển quốc tế thường ám chỉ và là đề tài thường trực trong phần ý kiến của báo chí phương Tây. Đây là những gì bà Pierangelo – một chuyên gia kinh tế – có thể nói trong một cuộc tiếp xúc với một nhóm thương gia Mỹ ghé thăm.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo lộ ra, bà cũng có vẻ tự mãn một cách lạ kỳ: “Điều mà Mỹ lo lắng là sự bền chặt trong mối quan hệ Việt-Trung. Tuy nhiên, [bởi vì sự thâm nhập của văn hóa Mỹ], VN hiện đã đi xa khỏi khu vực ảnh hưởng của văn hóa TQ”. “Vấn đề của Chính phủ VN hiện nay không phải do bên ngoài đem tới mà chính là vấn đề tự thân của Chính phủ VN… Trước đây, Chính phủ Mỹ từng nghĩ rằng, Mỹ sẽ phải bằng cách này hay cách khác đổ thật nhiều tiền vào VN mới có thể đạt được các mục đích của mình, nhưng hiện nay việc làm này không còn cần thiết nữa”. “Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm tới tình hình nhân quyền tại VN . . . [để] đạt được những mục đích khác“. Cuối cùng bà Pierangelo được cho là kết luận: “Với những gì đang diễn ra tại VN hiện nay, có thể đi đến kết luận rằng: Trong 20 năm nữa, diện mạo VN sẽ thay đổi rất nhiều so với hiện nay.… Rất có thể Chính phủ Cộng sản cũng sẽ không còn tồn tại nữa”.

Rải rác trong bản báo cáo với những quả bom ngoại giao nhỏ quy cho bà Pierangelo, Gary (được biết là một viên chức chính trị của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ), Greg (là một thiếu tá lục quân Hoa Kỳ) và Chuck (một đại úy thủy quân lục chiến) cung cấp sự giải tỏa mang tính hài hước. Ba người này thật ra mới tốt nghiệp chuyên khoa nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Johns Hopkins (SAIS), được nhà phân tích gọi là “lò đào tạo CIA/Mỹ”.

Ba người ấy có vẻ được cử đến Hà Nội trong nhiệm vụ ‘làm quen’ ngắn ngủi. Họ được coi là những nhận xét của người mới đến Việt Nam: (1) những người họ gặp ở quán cà phê hay quán nhậu đã quá chán với nạn tham nhũng vụn vặt và phê phán nhà nước đã không chống lại Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông; (2) người Việt Nam thực sự thù ghét Trung Quốc, và không chỉ vì Trung Quốc chơi bẩn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ; và (3) Việt Nam đang nhanh chóng Mỹ hóa và rất thân thiện với người Mỹ.

Theo bản báo cáo, “Greg bộc lộ rằng ‘nếu như các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiểu rõ hơn về tình hình VN như cách chúng tôi hiểu thì người Mỹ chắc chắn sẽ có cách tiếp cận VN khác nhiều so với trước. Người Mỹ chưa hiểu nhiều về VN vì họ chưa có dịp sang VN và tiếp xúc với người dân VN. Nhiệm vụ của chúng tôi [ý nói ông Gary và Chuck] là sẽ làm cho người Mỹ hiểu rõ hơn về VN. Đây là một chuyến đi rất thành công của chúng tôi và khi về nước, chúng tôi sẽ giúp người Mỹ hiểu rõ hơn về VN. VN hiện đã ở rất gần Mỹ”.

Đối với Đại tá Nguyễn Tân Tiến, người ký tên trong bản báo cáo gửi tới Trung tướng chỉ huy cục tình báo quân đội, thì chủ ý của các nhận định này rõ ràng là hiểm độc: người Mỹ tin rằng chính sách “diễn biến hòa bình” của họ đã thành công mỹ mãn đến mức chỉ còn chờ cho chế độ sụp đổ.

Ông nói, “Đáng chú ý là [họ cho rằng]: Thực trạng yếu kém, những bất cập về kinh tế-xã hội VN, cùng sự xuất hiện những tư tưởng thân Mỹ, bài xích TQ, đang khiến người dân mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Đây chính là nền tảng để VN ‘tự diễn biến’ và chỉ cần một cú hích nhẹ của Mỹ vào thời điểm phù hợp thì chế độ VN sẽ sụp đổ. Trước mắt, Mỹ (mà trực tiếp là Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội) đang tìm cách xây dựng các mạng lưới xã hội VN, khai thác, lôi kéo và chuyển hóa giới trẻ VN; đẩy mạnh tuyên truyền, kích động gây chia rẽ mối quan hệ Việt-Trung… nhằm thực hiện được mục tiêu chuyển hóa, lật đổ chính quyền VN trong 20 năm tới.

Nếu một nhà phân tích mới ra nghề có các nhận định này, chúng ta có thể cho rằng ông ta chỉ ngây thơ. Ở đây, Đại tá Tiến hiển nhiên là một người lão luyện. Các kết luận chủ quan và quá mức mà ông suy ra từ nhận xét được cho là của phó Đại sứ Pierangelo và Gary, Greg và Chuck, như thể có tính toán để củng cố sự ngờ vực của phe bảo thủ trong giới lãnh đạo cao cấp, nghĩa là, người Mỹ gian xảo có ý định đánh thuốc độc quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và lặp lại ‘diễn biến hòa bình’ kiểu Đông Âu ở Việt Nam.

Dĩ nhiên, bản báo cáo, cuối cùng có thể không xác thực. Có những kẻ có cả động lực lẫn khả năng để sản xuất và phát tán tin xuyên tạc như thế. Trong số những kẻ này có thể là đảng viên Việt Tân, một nhóm chống đối hải ngoại/ bí mật mà nhà cầm quyền Hà Nội kết tội là những tội phạm khủng bố.

Từ khi đăng bản báo cáo diễn tả ở trên, trang blog Dân Làm Báo đã, tới ngày 3 tháng 6, đăng thêm 3 bài khác cũng lấy từ nguồn tin vô danh đó. Hai bản tường trình về các cuộc tiếp xúc của viên chức ngoại giao Việt Nam với những người đồng nhiệm Trung Quốc ở Bắc Kinh và bản thứ ba là bản ghi nhớ đúc kết các sửa soạn của Bộ Thương mại Mỹ cho cuộc họp vào tháng 2 với phụ tá ngoại trưởng Kurt Campbell đến viếng thăm.

Tính chất thông thường của ba tài liệu này chứng tỏ rằng tài liệu lộ ra hình như là xác thực, không phải tin xuyên tạc. Hiển nhiên, Dân Làm Báo cố ý đăng mỗi ngày một tài liệu. Một nhà nghiên cứu thường xuyên theo dõi thế giới mạng ở Việt Nam cho biết, các tiết lộ này đã không lôi kéo sự chú ý đặc biệt của học giả trong cộng đồng mạng.

Nói cách khác, dường như hành động bất cẩn quy cho phó Đại sứ Hoa Kỳ Pierangelo và những người Mỹ khác chỉ gây chú ý cho những ai nghi ngờ về ý định thực sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam là hạ bệ nhà nước.

Tác giả: Adam Boutzan là một cây bút độc lập.

Nguồn: Asia Times

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh


1- Có thể do chính cơ quan được gọi là “tình báo” thổi lên, ra điều cũng có làm việc, không phải vô tích sự, hoặc cao hơn là phục vụ lợi ích cục bộ.

2- Do một phe nhóm bên trong tung ra nhằm phục vụ cuộc đấu đá đang tới hồi gay cấn.

3- Do “các thế lực thù địch”, nhưng cũng chỉ là “phường chợ búa”, “buôn thúng bán mẹt” thôi.

4- Do chính cơ quan có trách nhiệm chống “các thế lực thù địch” chế ra để bôi xấu những “thế lực thù địch” nào khát tin nhao vào là bị “ăn quả lừa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét