Vibay

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Việt Nam, Philippines và câu chuyện lưỡng nan tại biển Đông

23/05/12- (TBKTSG) - Biển Đông đang tiếp tục nóng với những đụng chạm hàng hải ngày càng gia tăng, mà gần đây nhất là giữa tàu hải quân Philippines với các tàu hải giám của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough, nơi mà cả hai nước đều đòi chủ quyền. Trong những lần căng thẳng giữa hai bên, câu hỏi luôn được đặt ra từ phía chúng ta: Việt Nam nên làm gì?

Cùng là hai nước nhỏ hơn, và cùng chịu sức ép trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng trong bài toán phối hợp, liên kết giữa Việt Nam - Philippines về vấn đề giải quyết tranh chấp, Việt Nam luôn phải đứng trước một tình thế nan giải.

Một mặt, nếu Manila hòa hoãn và tiến hành hợp tác với Bắc Kinh theo con đường song phương, Việt Nam có khả năng bị ép vào thế “chuyện đã rồi”, khi quyền và khu vực khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp đã được hai nước thông qua, dẫn đến nguy cơ trở thành người đến sau “trâu chậm uống nước đục”.

Gần đây nhất là việc năm 2004, Philippines đồng ý ký kết một thỏa thuận với Bắc Kinh để cùng khảo sát địa chấn tại khu vực quần đảo Trường Sa đã khiến Việt Nam miễn cưỡng chấp nhận tham gia “Thỏa thuận ba bên về hợp tác nghiên cứu hải dương một số khu vực của biển Đông” (JMSU). JMSU kéo dài gần ba năm, sau đó không được chính phủ Manila gia hạn tiếp.

Mặt khác, trong trường hợp Philippines căng thẳng với Trung Quốc như trong thời điểm hiện nay, Việt Nam cũng sẽ rất khó xử, vì phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Ủng hộ Philippines để phản đối Trung Quốc theo tinh thần liên đới và bảo toàn khối thống nhất các nước ASEAN, Việt Nam có khả năng “tự đá thủng lưới nhà”, khi một số quần đảo ở Trường Sa vẫn là chủ đề tranh cãi giữa Hà Nội và Manila. Cách đây không lâu, Philippines tuyên bố khẳng định chủ quyền và tiến hành xây dựng căn cứ trên đảo Pagasa, tiếng Việt gọi là đảo Thị Tứ nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, một hành động dường như thúc đẩy tình hình thêm căng thẳng. Hơn nữa, nếu Việt Nam không ủng hộ trong lúc Philippines đang đối đầu song phương với Trung Quốc, thì điều đó sẽ dẫn đến nhiều khả năng phía Philippines cũng sẽ lựa chọn một thái độ “bàng quan” tương tự, khi Việt Nam gặp vấn đề.

Trong bối cảnh lưỡng nan như vậy, Việt Nam cần xác định đâu là vấn đề trước mắt, đâu là cốt lõi lâu dài. Đến nay chúng ta giữ lập trường giải quyết qua con đường song phương trong trường hợp có hai quốc gia tranh chấp, và đa phương nếu tranh chấp liên quan đến nhiều nước. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng nhấn mạnh: “Không quốc tế hóa những vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng dù vấn đề giữa hai nước với nhau thì vẫn phải tuân thủ luật pháp quốc tế và công khai, minh bạch. Đối với những vấn đề trên bình diện quốc tế như an ninh, an toàn hàng hải... thì phải giải quyết trên bình diện quốc tế, những vấn đề của nhiều hơn hai nước mà người ta gọi là đa phương thì phải giải quyết đa phương”. Hiện nay, các vùng “chồng lấn” giữa EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) của các nước ven biển và EEZ của các vùng đảo (nếu được xem là đảo) chính là nguyên nhân dẫn đến việc biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp, khiến các vụ va chạm hàng hải gia tăng. Việc chưa có một thỏa thuận về bản chất tự nhiên của các đảo trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa cũng đồng nghĩa với việc chưa thể đi đến một thỏa thuận về chủ quyền và quyền tài phán cho việc thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng thềm lục địa và vùng EEZ.

Trong hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc (CLSC), Philippines đã không tham gia chung với Việt Nam và Malaysia để cùng chia sẻ quan điểm các đảo - đá ở khu vực Trường Sa không đủ điều kiện “pháp lý đảo” theo điều 121, khoảng 3 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), và vì vậy không thể sở hữu vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Ngược lại, việc khẳng định lại tấm bản đồ yêu sách trên Biển Đông theo đường “chữ U đứt đoạn” cho thấy phía Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền không những với hầu hết các hòn đảo ở biển Đông, mà còn quyền tài phán tại các vùng biển lân cận, vùng nước liên quan, cũng như vùng đáy biển và dưới lòng đất. Bất chấp những điểm mập mờ pháp lý của tấm bản đồ “lưỡi bò”, một trong những diễn giải của Trung Quốc về các yêu sách 80% biển Đông dựa trên tư cách pháp lý đảo của các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Có thể xem yêu sách lãnh hải ở phía Nam của Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng của các đảo.

Quay lại câu chuyện bài toán lưỡng nan. Nếu xem gốc rễ của vấn đề từ bản chất của kết cấu tự nhiên ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì việc quan trọng nhất cần đàm phán là về bản chất của kết cấu tự nhiên của các đảo (phân định cấu tạo địa lý dựa trên UNCLOS xem đó là đảo, đá, đảo nửa chìm hay đảo nhân tạo), trước khi bàn về quyền sở hữu cụ thể. Từ đây đến khi một sự thống nhất như vậy được thực hiện, các hoạt động mở rộng hay cố tình thay đổi kết cấu tự nhiên của các đảo này nên được xem là những hành động cần bị ngăn cấm. Các viện dẫn nhằm mở rộng vùng chồng lấn thông qua viện dẫn sở hữu EEZ xuất phát từ các đảo mà mình chiếm hữu cũng sẽ không có giá trị cho đến khi một đồng thuận về các điểm trên được thành hình.

Thuyết phục cả Philippines lẫn Trung Quốc cùng quay trở lại con đường giải quyết vấn đề thông qua các định chế và tham gia quá trình tiến đến một quan điểm chung thống nhất là điều Việt Nam cần làm. Ngay cả khi biết rằng nhiều khả năng Trung Quốc không đồng ý, phía Việt Nam cũng nên đưa vấn đề này ra bằng con đường ngoại giao đa phương với sự tham gia của các nước có liên quan, qua đó tìm sự đồng thuận nội khối trước từ các nước láng giềng ASEAN còn cách biệt về quan điểm. Chèn ép bằng sức mạnh chỉ có thể thành công, khi nước yếu thế hơn phải chịu thế “một chọi một” hoặc đây là cuộc chơi rừng rú với nắm đấm thay vì luật lệ và lý lẽ.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/76929/Viet-Nam-Philippines-va-cau-chuyen-luong-nan-tai-bien-Dong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét