18/05/12- SGTT.VN - Cụm từ “ngư dân Trung Quốc” xuất hiện liên tục mỗi khi xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực xung quanh việc tranh chấp hải phận. Theo tường thuật của Bắc Kinh, những người đàn ông táo bạo này chỉ đơn giản đang mưu sinh theo chức năng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, láng giềng của Trung Quốc thì coi hành động của các ngư dân như thể hiện của cuộc chiến tranh cường độ thấp.
Chiến thuật “một hệ thống quốc gia có tính tích hợp và công dụng kép” nhằm bảo đảm những nguồn lợi dân sự ở nhiều hình thức khác nhau, đồng thời có thể huy động để hỗ trợ những hoạt động quân sự trong thời chiến, hình thành rõ nét nhất vào năm 2002 khi truyền thông Trung Quốc đưa tin hàng ngàn tàu cá nhỏ ở Phúc Kiến và Chiết Giang tổ chức tập trận vượt biển.
Tháng 9.2010, một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trong vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông đã va chạm với những tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, dẫn đến một căng thẳng ngoại giao lớn giữa chính quyền Bắc Kinh và Tokyo.
Tháng 12.2011, một trung sĩ của lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bị một ngư dân Trung Quốc đâm chết trong lúc truy bắt những tàu cá xuất hiện trong vùng tranh chấp trên biển Hoàng Hải, vốn là nơi Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa nhất trí về việc phân giới cắm mốc khu kinh tế đặc quyền của Hàn Quốc.
Điều đáng nói là những tàu cá của Trung Quốc khi bị Hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc bắt giữ đều bị phạt rất nặng, nhưng số lượng vụ vi phạm vẫn không giảm. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, cảnh sát biển nước này đã bắt giữ khoảng 2.600 tàu cá Trung Quốc hoạt động chui từ năm 2006 đến cuối năm 2011, với gần 800 ngư dân bị bắt. Trong năm 2011 có khoảng 430 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ, tăng 46% so với năm 2010.
Vào đầu tháng 4.2012, tám tàu cá Trung Quốc bị Hải quân Philippines phát hiện đang neo đậu ở bãi cạn Scarborough cũng là vùng đang có tranh chấp, dẫn đến một bế tắc chủ quyền đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Manila mà trước giờ chưa hề căng thẳng đến vậy. “Họ mang tất cả những tàu cá vào khu vực này, và tất cả những gì chúng tôi có thể làm là trông đợi vào những biện pháp ngoại giao”, phát ngôn viên của lực lượng quân đội Philippines tại khu vực này, Loel Egos, trả lời hãng tin AFP.
Một số nhà phân tích đồng ý rằng các ngư dân có vai trò lớn hơn nhiều so với việc chỉ bắt cá. “Nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình, Chính phủ Trung Quốc phải ra hành động, như phái các tàu cá đến những vùng biển tranh chấp và cử lực lượng bảo vệ họ. Những ngư dân này không được huấn luyện quân sự, nhưng chắc chắn chính phủ phải có bồi thường cho những sự cố như bị mất thuyền, bị thương, bị nước ngoài bắt giữ”, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc Arthur Ding tại đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan nói.
Tác giả Edward Wong có bài đăng trên báo International Herarl Tribune năm 2010 nhận định Trung Quốc đang sử dụng học thuyết gọi là “Chiến tranh nhân dân” khi lưu ý số tàu dân sự Trung Quốc hoạt động trong vùng biển tranh chấp ngày càng tăng. Cựu tuỳ viên quân sự tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông Dennis J. Blask nói rằng đây không phải là điều mới. Ông cho biết Trung Quốc đã vạch ra chiến lược sử dụng “hải quân nhân dân” như một kiểu chiến tranh trong thời hiện đại từ năm 2009.
Giáo sư nghiên cứu quốc tế John F. Copper từ đại học Rhodes (Memphis, Tennessee) khẳng định những ngư dân được chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể, hoặc ít nhất là khuyến khích hành động của họ. “Các ngư dân rất ít cơ hội đánh bắt ở những vùng biển tranh chấp mà không tránh khỏi gây hấn với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines. Tuyên bố chủ quyền cùng với sự phát triển của tinh thần dân tộc là điều mà Trung Quốc đã thành công và đang sử dụng lợi thế đó”.
Nhà nghiên cứu Lai I-Chung tại viện Chính sách Đài Loan còn chỉ ra một số dấu hiệu liên kết giữa ngư dân và quân đội: “Mỗi tàu cá đều phải trình báo với chính quyền về nơi mình sắp ra khơi”. Theo ông, điều này lý giải vì sao những tàu thuộc Hải quân Trung Quốc hay các tàu chính thức khác có thể xuất hiện ở hiện trường một cách nhanh đáng ngờ như vậy trong hàng loạt sự cố.
Năm 2010, khi xảy ra va chạm với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông, tàu cá liên quan dường như có mang theo thiết bị chỉ sử dụng trong mục đích quân sự. Theo ông Lai, Trung Quốc có một lịch sử lâu dài trong việc sử dụng tàu cá và nguỵ trang những con tàu chính thức trong khi thực hiện những sứ mệnh chiến tranh cấp thấp. “Về cơ bản, không ngư dân Trung Quốc bình thường nào dám đi vào vùng biển tranh chấp và biết rằng họ sẽ mất tất cả, nếu không có chính phủ đứng đằng sau chắc chắn hỗ trợ cho họ”.
CẢNH TOÀN (ASIA TIMES, BBC)
http://sgtt.vn/Quoc-te/164065/Ngu-dan-Trung-Quoc-va-hai-quan-nhan-dan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét