Vibay

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

GS Lê Văn Lan: Tình yêu nước hay cảm hứng dân tộc chính là lịch sử

13/05/12- Khi tôi gọi điện để thưa là tượng Đức Thánh Trần cao 11m đã sừng sững giữa đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa), GS Lê Văn Lan đang trên đường đi điền dã ở Hòa Bình hồ hởi: "Thế hả? Rất hay. Bạn có biết là do ai cung tiến không?”. Và đương nhiên, ông đồng ý hẹn một buổi trò chuyện trong tâm trạng phấn khởi: Từ nay, ở nơi đầu sóng ngọn gió, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương - Vị tướng duy nhất được nhân dân phong Thánh, ngự ở đó, trấn giữ một vùng lãnh thổ, trong quan niệm của tín ngưỡng dân gian, Đức Thánh Trần còn có tài trừ yêu diệt quái. Rồi ông lại thoáng buồn vì vấn đề mà bấy lâu nay ông đau đáu: Lịch sử của dân tộc vô cùng hấp dẫn mà sao không hấp dẫn học trò?

Tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở Trường Sa
Đức Thánh Trần đã ngự ở đó, trừ yêu diệt quái, trấn giữ một vùng lãnh thổ

- Thưa Giáo sư, hôm trước, qua điện thoại thấy giọng ông rất vui khi nghe tin bức tượng Đức Thánh Trần bằng đá, cao 11 mét, đặt trong khuôn viên rộng trên 600 m2, đã được khánh thành trên đảo Song Tử Tây. Công trình này được tạc theo mẫu ở Quảng trường 3-2 ở thành phố Nam Định, với kinh phí 6,5 tỷ đồng, là quà tặng của nhân dân tỉnh Nam Định dành cho Trường Sa.

GS. Lê Văn Lan: - Đúng rồi, vui lắm, rất mừng. Trường Sa là nơi đầu sóng ngọn gió ngoài Biển Đông của Tổ quốc, Song Tử Tây lại là nơi đầu sóng ngọn gió của Trường Sa. Ở nơi nhiều lần đầu sóng ngọn gió ấy chúng ta đã có một vị Thánh tướng đứng sừng sững ở đó rồi.

Thưa ông, việc dựng tượng Đức Thánh Trần – vị tướng duy nhất được nhân dân phong Thánh, vị Thánh linh thiêng vào bậc nhất của tín ngưỡng dân gian, một biểu tượng cho khát vọng của muôn dân về ý chí và sức mạnh dân tộc - ở Trường Sa có ý nghĩa như thế nào trong việc khẳng định chủ quyền, độc lập lãnh thổ và giáo dục lịch sử, lòng yêu nước cho mọi người?

- Trong lịch sử dân tộc, hiếm có một vị tướng nào được đánh giá cao bằng Đức Thánh Trần. Người ta xếp các vị tướng theo những danh hiệu thứ bậc như sau: Cấp độ 1 là Dũng tướng tức là vị tướng giỏi có sức mạnh hơn người. Cấp độ 2 là Trí tướng tức vị tướng tài ba không chỉ giỏi cơ bắp mà còn có mưu lược. Bậc cao hơn nữa là Nhân tướng – đánh giặc bằng đạo Nhân, đó là cấp rất cao rồi. Nhưng duy nhất trong lịch sử có một người được phong là Thánh tướng – đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Và bây giờ bậc Thánh tướng ấy - Đức Trần Hưng Đạo từ quê hương của ngài là Nam Định đã vượt sóng ra trấn giữ ở nơi nhiều lần đầu sóng ngọn gió ngoài Biển Đông của Tổ quốc. Đây là một việc có ý nghĩa rất lớn. Đức Thánh Trần – Thánh tướng Trần Hưng Đạo Đại vương trong lịch sử ngoài công lao đánh giặc giữ nước, nhà quân sự lỗi lạc có biệt tài đánh bằng thủy chiến, Ngài còn được nhân dân phong là vị Thánh tướng có khả năng trừ ma diệt quái. Bây giờ "tà ma yêu quái” ở Biển Đông đang rất nhiều. Nên vị Thánh tướng đứng đó cùng với tư thế của một vị tướng đánh giặc giữ nước rất giỏi thời Trần thì Ngài còn trấn giữ ở đấy với chức năng mà dân gian đã tôn sùng Ngài, đó là bậc Thánh tướng có thể trừ diệt yêu tà ma quái.

Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương - Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn - vị Anh hùng dân tộc - người có khả năng và đã từng nhiều phen trừ diệt yêu tà ma quái đã ngự ở đấy, thì đương nhiên không chỉ cá nhân tôi với tư cách một nhà sử học mà tôi chắc chắn toàn dân sẽ hồ hởi mừng vui và trông ngóng sự trấn giữ của Ngài cho mảnh đất nhiều lần đầu sóng ngọn gió.


Đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa, đáng lẽ phải làm lâu rồi

Thưa ông, gần đây có những thông tin rất đáng mừng như ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã quyết định từ năm học tới sẽ triển khai nội dung giảng dạy về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Còn trên phạm vi toàn quốc, việc cho đến giờ vẫn chưa đưa Trường Sa – Hoàng Sa vào sách giáo khoa là một thiếu sót và chậm trễ. Và có lẽ đó cũng chỉ là 1 nội dung quan trọng trong số nhiều vấn đề còn chậm trễ trong chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện nay?

- Chúng ta đang có một vùng lãnh thổ hải đảo thiêng liêng, truyền đời, bất khả xâm phạm của Tổ quốc là Trường Sa và Hoàng Sa. Cứ như thông lệ ở mọi quốc gia, từ lâu, sách giáo khoa mà mở rộng ra là sự nghiệp giáo dục, phải coi đây là một chủ đề quan trọng phải có - là việc hoàn toàn đúng đắn, xứng đáng và cần thiết. Bây giờ ở một vài địa phương mới bắt đầu làm việc này. Tuy có chậm nhưng chậm còn hơn không và rất đáng được hoan nghênh. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và tin tưởng việc đưa Trường Sa, Hoàng Sa thiêng liêng, bất khả xâm phạm và trường tồn của Tổ quốc vào sách giáo khoa của thời đại chúng ta là việc làm cực kỳ xứng đáng và cần thiết phải triển khai ngày càng mạnh mẽ hơn.


Dựng tượng Đức Thánh Trần trên quần đảo Trường Sa
là khẳng định quyết tâm đoàn kết giữ vững bờ cõi,
biên cương lãnh thổ của Tổ quốc
Ảnh: Hoàng long

Cần một cuộc cách mạng về môn lịch sử

- Thưa ông, phải chăng vì sự bất cập của chương trình và sách giáo khoa mà lịch sử vô cùng hấp dẫn của một dân tộc lại không hấp dẫn các em?

- Học sinh làm bài lịch sử điểm không cao là một hiện tượng đã trở thành nỗi lo lắng của cả xã hội. Từ lâu và nhất là từ nay trở đi chắc chúng ta không thể bình chân như vại trước tình trạng này. Phải thay đổi, thậm chí phải có cuộc cách mạng để đưa lịch sử vào đúng vị thế của bộ môn, ngành học quan trọng này. Đặc biệt làm sao để học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung ngày càng phải có kiến thức sâu sắc và có kết quả cao đối với ngành học này. Cả xã hội, đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục phải quan tâm, phải thay đổi, phải làm cuộc cách mạng một cách sâu sắc, đúng đắn, rộng rãi và triệt để thì mới thay đổi được tình trạng này, thì mới mong đạt tới mong muốn mà cả lịch sử, cả dân tộc, cả thời đại đòi hỏi là "dân ta phải biết sử ta” như Bác Hồ đã nói.

Hội Khoa học lịch sử và nhiều nhà sử học cũng đang đề nghị phải có những thay đổi về nhận thức lịch sử để ngày càng tiệm cận gần với sự thật lịch sử hơn. Còn ông vì sao lại cho rằng có lỗi của hệ thống và cần phải có một cuộc cách mạng trong việc dạy và học lịch sử?

- Đã có rất nhiều cuộc hội thảo rồi về dạy và học sử rồi và các nhà sử học đã phát hiện ra một hệ thống những điều bất cập (nếu không muốn nói là sai lầm). Nó thành một hệ thống và đã tồn tại từ lâu rồi. Chính vì thế khi nghĩ đến việc thay đổi thì theo tôi không thể thay đổi với nghĩa là cải cách mà phải thay đổi với nghĩa là cách mạng. Tất cả hệ thống đó từ khâu định hướng, làm chương trình đến khâu tổ chức viết sách giáo khoa rồi đến đào tạo thầy cô dạy sử - những người sử dụng bộ máy cái là chương trình – sách giáo khoa, ngần ấy khâu, khâu nào cũng cần sự thay đổi có tính liên hoàn. Cho nên cần một cuộc thay đổi triệt để, mang tính cách mạng.

Trẻ em khi muốn nhớ đến lịch sử phải thấy vui đã

Và thưa ông, có nhiều cách để dạy và học sử, như dựng tượng Đức Thánh Trần ở Trường Sa cũng là một cách để giáo dục lịch sử, hay như những cuốn Hồi ký rất cuốn hút của bà giáo Đặng Thị Hạnh (vợ Trung tướng Phạm Hồng Cư), Hồi ký của vợ chồng Trung tướng Phạm Hồng Sơn và GS Đặng Anh Đào, ở đó, lịch sử của một gia đình, một dòng họ gắn với lịch sử của một đất nước hiện lên hấp dẫn vô cùng. Trong khi đó, lịch sử trong sách giáo khoa lại buồn tẻ và thiếu hấp dẫn?

- Đó là lý do tôi nói phải có cuộc cách mạng trong việc viết chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử. Phải làm cho trẻ em khi muốn nhớ đến lịch sử phải thấy vui đã. Chẳng hạn như tôi đã thấy mấy cuốn truyện tranh về Lý Thường Kiệt vẽ rất đẹp. Tại sao những cuốn sách đó chưa đến tay các em? Hay như bạn nói là những cuốn Hồi ký rất có giá trị lịch sử ấy, liệu có bao nhiêu người đọc? Có phải vì việc đọc hiện nay đang bị xem nhẹ quá? Phải làm cho sử học đúng là sử học, tự bản thân lịch sử là một nghệ thuật, nó tạo được xúc cảm thiêng liêng, thần thánh. Tình yêu nước hay cảm hứng dân tộc chính là lịch sử.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Cẩm Thúy (thực hiện)

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=50093&Style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét