Vibay

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

CNOOC 981 – “Vũ khí” mới của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

13/05/12- Việc triển khai giàn khoan khủng CNOOC 981 khai thác dầu tại vùng nước sâu ở Biển Đông được coi là một nước đi sắc bén của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp tại khu vực Biển Đông, bởi một mặt đáp ứng được "cơn khát năng lượng” của Bắc Kinh, mặt khác cũng đóng vai trò như một thứ "vũ khí” trong vùng biển đang tranh chấp.


"Hàng không mẫu hạm” dầu khí của Trung Quốc

Tháng trước, căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục gia tăng với việc các tàu cá của Trung Quốc bị tàu hải quân Philippines bắt giữ tại khu vực Scarborough Shoal – phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Đây là khu vực cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền dẫn tới nhiều xung đột trong thời gian qua. Ngay cả vấn đề đặt tên cho bãi đá ngầm này cũng là một đề tài gây tranh cãi. Tuần qua, tàu hải giám Trung Quốc cùng 32 tàu khác đã ngăn cản các tàu cá của Philippines tới vựa cá khổng lồ này.

Trong một động thái mới đây nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã đưa giàn khoang CNOOC 981 (còn gọi là Hải Dương 981) – biểu tượng cơn khát dầu của người Trung Quốc, vào hoạt động tại khu vực Biển Đông. CNOOC – Tập đoàn dầu khí Trung Quốc cho biết: CNOOC 981bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 8-5 tại khu vực nước sâu 1.500m cách Hong Kong 318 km hướng Đông Nam, gần quần đảo Hoàng Sa.

Giàn khoan bán ngầm thế hệ thứ 6 được CNOOC xây dựng trong 6 năm với nguồn vốn đầu tư 935 triệu USD. CNOOC 981 có chiều dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m, nặng khoảng 31.000 tấn. Giàn khoan có kích cỡ tương tự một sân bóng đá, có thể thực hiện hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan ở độ sâu 12.000m. Được trang bị hệ thống định vị toàn cầu thế hệ thứ ba và có thể chịu được sự rung lắc của những cơn bão cực mạnh.

Với công nghệ tiên tiến, người Trung Quốc coi giàn khoan khủng này như một "Tàu sân bay” với các trang thiết bị hải dương. Bằng việc đưa giàn khoan vào hoạt động, CNOOC đi một bước quan trọng trong tham vọng khai thác dầu khí mực nước sâu. Khoảng 70% trữ lượng dầu khí tại Biển Đông được coi như vịnh Ả Rập thứ 2 – nằm vùng biển có độ sâu trên 300m.


Chiến lược đầy tham vọng

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên các thông tin đại chúng, CNOOC 981 đã trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận quốc tế, như một biểu tượng tham vọng dầu khí của Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc từng nói rằng, "CNOOC 981 sẽ giúp Trung Quốc khẳng định sự hiện diện tại khu vực trù phú chưa được khai thác ở phía Nam Biển Đông.” Đây chính là khu vực mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền nhưng vấp phải phản ứng từ 4 quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Vùng Biển Đông thường được ví như một "vịnh Ả Rập thứ 2” với trữ lượng không dưới 50 tỉ tấn dầu thô và 20 nghìn tỉ m3 khí tự nhiên. Trong khi đó, sức mạnh quân sự Trung Quốc đang trỗi dậy và nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế ngày một lớn. Vì vậy, Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn trong việc mở rộng biên giới hàng hải mà họ tuyên bố chủ quyền và những tài nguyên kinh tế tại những khu vực này.

Theo thông tin của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (khoảng 54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến chi 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. Điều này cho thấy nhu cầu của Trung Quốc trong việc khai thác năng lượng trên Biển Đông trong tương lai gần.

Một số chuyên gia đánh giá kế hoạch khai thác dầu đầy tham vọng nói trên nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc, nhằm thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu từng dẫn lời một số quan chức không ngần ngại nói thẳng sự xuất hiện của Hải Dương 981 sẽ giúp Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn tại vùng biển này. Như vậy, triển khai giàn khoan "khủng” được cho là một bước khác để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông của chính quyền Trung Quốc.

Sau Lệ Loan sẽ là...

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA), giàn khoan sẽ được triển khai ở giếng dầu Lệ Loan 6-1-1 trong vòng 56 ngày. Đây là một vùng biển không nằm trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp, tuy nhiên giới phân tích vẫn quan ngại về các dự định ngầm của Bắc Kinh trong việc tiếp tục triển khai giàn khoan "khủng” này ra các vùng biển khác.

Một giàn khoan được đầu tư đến cả tỉ USD như CNOOC 981 không thể chỉ được triển khai trong vòng 56 ngày, điều khiến giới phân tích ngờ vực là sau khi hoạt động tại giếng Lệ Loan, CNOOC sẽ được điều chuyển sang khu vực nào? Khu vực hoạt động hiện nay của CNOOC 981 sát đảo Hải Nam của Trung Quốc, mặt khác lại rất gần với Philippines, bởi vậy có khả năng giàn khoan này sẽ tiến sâu hơn xuống phía Nam – là khu vực đang tranh chấp với Philippines và nằm trong "đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh vẽ ra.

Hơn nữa, một giàn khoan được coi như "Hàng không mẫu hạm” dầu khí của người Trung Quốc sẽ không thể thiếu đi sự bảo vệ an ninh đặc biệt. Mặc dù thông tin về số lượng cũng như chủng loại các tàu chiến và máy bay bảo hộ cho CNOOC 981 vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng rõ ràng đây cũng là cơ hội cho Bắc Kinh điều tàu chiến, tàu hải giám tới những khu vực biển mà CNOOC 981 được triển khai, có khả năng xảy ra sau 56 ngày hoạt động tại giếng Lệ Loan.

Thêm vào đó, giới phân tích còn ngờ rằng việc Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn hơn tại bãi đá ngầm Scarborough trong bất đồng với Philippines một mặt là nhằm dọn đường cho việc triển khai CNOOC 981 tại khu vực này, và có thể là các khu vực nhạy cảm hơn trong thời gian tới. Ngược lại, việc triển khai giàn khoan nước sâu tới một khu vực biển nhạy cảm nào đó cũng sẽ trở thành cái cớ cho Bắc Kinh để tăng cường thêm hiện diện quân sự trên biển với lý do đảm bảo an ninh cho "bảo bối” ngành dầu khí của họ. Việc triển khai CNOOC rõ ràng là một nước đi sắc sảo của Bắc Kinh trong tranh chấp tại Biển Đông và cũng ẩn chứa nhiều mối lo ngại.

Biển Đông lại "dậy sóng”

Trong khi căng thẳng với Bắc Kinh đang gia tăng, việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan "khủng” như một thứ "vũ khí” trên biển khiến Manila hết sức quan ngại. Hiện tại, phía quân đội Philippines cho biết, số tàu Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough đã tăng lên con số 33 so với 14 tàu hồi tuần trước, trong đó có tàu 310 của Cơ quan Giám sát thực thi Luật Biển Trung Quốc, được coi là tàu hàng hải mạnh nhất của quốc gia này, cùng 2 tàu hải giám. Trong khi đó Philippines chỉ đang duy trì 2 tàu tại khu vực này.

Trong một trường hợp hi hữu gần đây, phát thanh viên của Đài Truyền hình CCTV của Trung Quốc đã "lỡ miệng” tuyên bố rằng: Philippines là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Sự cố này giống như việc "đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng hết mức trong thời gian qua.

Ngày 4-5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết, ông sẵn sàng mở rộng cửa trong việc ký kết một Hiệp ước với Trung Quốc, trong đó cho phép các công ty của hai nước cùng khai thác dầu khí, tách biệt với các bất đồng giữa Chính phủ hai nước về vấn đề chủ quyền. CNOOC trong tuần trước, thậm chí đã mời cả Chủ tịch Tập đoàn khai thác Philex Mining – ông Manuel Pangilinan tới Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho thấy đây chỉ là những thảo luận mang tính tượng trưng và tỏ ra đối lập với mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chỉ trong 2 tháng qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh đã triệu tập quan chức ngoại giao Philippines tới 7 lần để thảo luận về tranh chấp lãnh thổ.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu – trong bài xã luận ngày 8-5 nói rằng: "Hòa bình sẽ là thứ đồ xa xỉ nếu căng thẳng còn tiếp diễn. Trong tình hình hiện nay, cần phải dạy cho Philippines một bài học vì thể hiện chủ nghĩa dân tộc hung hăng”. Điều này cho thấy Bắc Kinh không hề "cởi mở” trong việc ký kết một hiệp ước Manila. Bên cạnh đó, CNOOC 981 được triển khai cũng là câu trả lời chính thức của Bắc Kinh về tham vọng thâu tóm Biển Đông của họ. Hiện tại, Manila cũng không thể trông chờ vào một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong vấn đề Biển Đông, khi Tòa án Quốc tế về Luật Biển không có đủ quyền lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền.

"Nguy cơ về một cuộc xung đột mà nguyên nhân là thiếu các quy tắc, hoặc quy tắc không rõ ràng là rất cao” – Giáo sư. Carlyle Thayer, chuyên gia phân tích thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định: "Biển Đông giống như một chiếc bồn tắm, càng thả nhiều tàu vào thì khả năng va chạm sẽ càng cao”.

Khánh Duy

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=0&chitiet=50095&Style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét