Bạn nghĩ gì khi đi trên phố Hà Nội và đối diện với những tấm biển quảng cáo như thế này? - Ảnh: Duy Mạnh
1 Mà lạ lắm nhé, cứ sau một chu kỳ làm việc mệt đến “chết đi được”, trở về với phố, thong dong cùng phố là tôi lại thấy phố có một nét mới - mới đến thổn thức. Như cách đây một năm chẳng hạn, khi trở về với phố tôi đã phát hiện và mê mẩn với một quán cà phê tên “cà phê chim” bên bờ hồ Thiền Quang, ở ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng. Trời đất ơi, một buổi sáng tinh sương đi trên đường Nguyễn Du, bỗng nghe vọng lại từ quán cà phê kia những tiếng chim chào mào buổi sớm, tôi bỗng thấy lòng mình thăng hoa.
Có lẽ vì những ký ức đẹp đẽ như vậy nên bây giờ khi trở về với phố, tôi đã quyết định chọn Nguyễn Du làm con phố vờn vẽ đầu tiên. Nhưng bây giờ thì tôi sốc, sốc trầm trọng khi một con phố thi vị nhường ấy giờ đã được “phù phép” thành... phố lẩu. Bạn có tin nổi không khi một phố Nguyễn Du nổi tiếng bởi mùi hoa sữa, một phố Nguyễn Du đã đi vào nhạc, vào thơ, một phố Nguyễn Du đã cất giữ không biết bao nhiêu mảnh ký ức lãng mạn của người Hà Nội giờ đây lại là một con phố bạt ngàn mùi... lẩu bay, mùi sa tế, mùi nhộm nhoạm, xô bồ...
Phố Nguyễn Du thời bao cấp, nơi có trụ sở hội nhà văn - cái triển lãm tâm hồn đương đại của một xã hội, cũng là nơi đã chắp cánh cho bài thơ Hoa sữa nổi tiếng của Nguyễn Phan Hách:
Tuổi 15 em lớn từng ngày/Rồi một hôm bỗng trở thành thiếu nữ/Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/Hoa sữa thơm vương vất phía bên hồ... Nay ông nhà thơ lại bảo: “Bây giờ nhiều khi có việc phải đi qua phố Nguyễn Du, tôi thường chấp nhận đi đường vòng chứ tuyệt đối tránh né con phố này. Bởi nhìn thấy một phố Nguyễn Du bị biến dạng tôi thấy kinh hoàng, không chịu nổi”.
2 Ở rất gần phố Nguyễn Du là phố Bà Triệu - con phố của những ngôi biệt thự thời Pháp thuộc, cũng là con phố tôi đã được sinh ra, đã lớn lên và đã chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của nó. Trong ký ức thơ bé của tôi của phố, con đường này có một hàng lạc rất ngon và nổi tiếng tên “lạc bà Vân”. Nhưng bây giờ “lạc bà Vân” đã được nhân bản vô tội vạ, và thế là cả một đoạn dài phố Bà Triệu giờ trở thành... phố lạc. Nhưng cái man mác buồn của một con phố biệt thự bị biến dạng thành phố lạc cũng không nguy hiểm bằng việc ở đó chỉ có một hàng “lạc bà Vân” thật, còn lại là không thật. Không thật nên hàng nào cũng ra sức trưng lên những tấm biển đại loại: “lạc bà Vân xịn”, “lạc bà Vân chính gốc”, “lạc bà Vân thật 100%”. Đem chuyện này kể cho một anh bạn nhà báo thì bị anh trách tỉnh queo: “Thế cậu không biết bây giờ có vô số biển hiệu đại loại như “phở gà thật”, “quán ông già thật”, “quán rượu thật” hay sao? Mà đến một số hàng tẩm quất, matxa trên phố Trần Nhật Duật bây giờ người ta cũng phải treo biển là “tẩm quất thật”, “matxa thật” nữa là...”.
Có phải con người đang dối nhau nhiều quá nên ở đâu cũng phải giăng ra những biển hiệu gắn liền với một chữ “thật” như thế? Và có phải vì những biển hiệu gian dối cứ xuất hiện nhan nhản như thế mà những con phố Hà Nội - một Hà Nội yêu mến của tôi - cũng đã trở nên xấu xí hơn rất nhiều hay không?
3 Viết tới chỗ này chợt nhớ hôm rồi có việc đi ra đường Giải Phóng - con phố cửa ngõ phía nam Hà Nội, con phố đầu tiên của Hà Nội mà người ta chạm mặt trong hành trình từ Nam ra Bắc. Bạn tin nổi không khi có một đoạn dài trên con phố này - đoạn đối diện Bệnh viện Bạch Mai, những phòng khám tư nhân không ngừng treo lên các biển hiệu xanh đỏ với những nội dung như “hút thai siêu nhanh”, “hút thai không đau”, “hút thai hiện đại...”. Khi vô tình đối diện những biển quảng cáo này tôi đã tự hỏi: đến ngay cả việc hút thai, cái việc chẳng đặng đừng khi hủy bỏ một sinh linh, mà người ta cũng quảng cáo công khai, quảng cáo rầm rộ, quảng cáo vô tội vạ như thế thì tính văn hóa của một con phố đã bị xuống cấp tới nhường nào?
4 Không biết có phải vì tôi yêu thành phố của mình quá hay không, nhưng tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ rằng mỗi con phố ở đây có một tâm hồn riêng của nó. Nhưng những tâm hồn phố như thế đang bị con người bôi đen, thậm chí làm cho biến dạng một cách trầm trọng.
Mới đây, xem chương trình “China’s got talent”, tôi ấn tượng vô cùng với câu nói của một em bé người Mông Cổ: “Em ước gì có thể sản xuất ra một loại mực mà khi đổ nó xuống, cả Trái đất này biến thành những đồng cỏ xanh”. Bắt chước suy nghĩ của em bé, bây giờ nếu có một điều ước, tôi cũng sẽ ước mình có trong tay một lọ mực để khi đổ nó lên mọi con phố Hà Nội thì phố Hà Nội sẽ lại tinh khiết, lại trong trẻo, lại lâng lâng cảm xúc như một Hà Nội mà tôi đã thấy thời thơ ấu.
Ai có thể cho tôi loại mực ấy? Ai có thể gìn giữ và khôi phục những tâm hồn phố của tôi?
PHAN ĐĂNG
Lời của tường, lời của thành phố...
Một thành phố đang nở ra với đô thị hóa, với những bức tường rạn vỡ lại là lý do níu chân nghệ sĩ thị giác người Pháp Lolo Zazar ở VN suốt năm năm qua. Chăm chỉ đi, nhìn và ghi lại, kết quả của Lolo Zazar sẽ là những bức tường - có thông điệp - trưng bày trong triển lãm thị giác Lời của tường, khai mạc tối 2-5 tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).
Những bức tường rêu phong của phố cổ, những bức tường nham nhở các mẫu biển quảng cáo luôn lôi cuốn Lolo Zazar. Một cuộc sống có đôi chút lộn xộn không thể che giấu, kể cả khi Hà Nội đã tẩy sạch phần lớn các bức tường bị bôi bẩn ở trung tâm thành phố, bởi vẫn có thể tìm thấy những kiểu tường nham nhở và nhằng nhịt chữ số trong các con ngõ nhỏ. Đáng chú ý, những biển khoan cắt bêtông là đặc trưng rõ nét của các bức tường ở đô thị VN, không chỉ riêng Hà Nội với đủ mọi loại mực xanh đỏ tím vàng, trộn lẫn với nắng, mưa, gió, độ ẩm của vùng nhiệt đới và thời gian...
Ở khía cạnh những người quản lý đô thị, đó là vết bẩn của thành phố. Ở góc nhìn lãng mạn của Lolo Zazar, những bức tường là hình ảnh phản chiếu cuộc sống sôi động của thành phố - nơi nghệ sĩ sống và gắn bó. Triển lãm kéo dài đến ngày 11-6.
HÀ HƯƠNG
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/489826/Em-oi-Ha-Noi-pho.html
----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét