Vibay

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Việt Nam và Singapore đồng ý đẩy mạnh hợp tác kể cả quốc phòng

28/4/12- Tổng thống Singapore Tony Tan đã kết thúc vào hôm qua, 27/04/2012 chuyến công du Việt Nam kéo dài trong năm ngày. Nhân dịp này, hai nước đã thảo luận việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ một Quan hệ Đối tác Chiến lược, được mở rộng ra ngoài lãnh vực thuần kinh tế để bao hàm cả các vấn đề an ninh, quốc phòng. Vấn đề Biển Đông cũng được hai bên quan tâm.

Tổng thống Singapore Tony Tan (The Strait Times)
Tổng thống Singapore Tony Tan (The Strait Times)

Theo hãng truyền thông Singapore Channel New Asia, phát biểu vào hôm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày cuối của chuyến công du, Tổng thống Tony Tan cho rằng cùng với bộ Thương mại và Công nghiệp, hai bộ Quốc phòng và Nội vụ Singapore cần nên tham gia vào việc phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam.

Nội dung hợp tác bao hàm nhiều địa hạt, từ việc phát huy hòa bình và an ninh quốc tế, chống khủng bố, cho đến việc ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới và Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Han sẽ công du Việt Nam trong thời gian tới đây để thảo luận về việc đẩy mạnh hợp tác trong các lãnh vực này.

Riêng trong địa hạt hợp tác quốc phòng Việt Nam – Singapore, nhân cuộc đối thoại chính sách song phương lần thứ tư vào thượng tuần tháng Giêng vừa qua tại Hà Nội, hai bên đã nhất trí là sẽ tăng cường giao lưu trong lãnh vực hải quân, hợp tác trong công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương.

Trong số các nước Đông Nam Á, Singapore là một trong những nước có quan hệ chặt chẽ nhất với Hoa Kỳ về mặt quân sự. Trong khuôn khổ chiến lược ‘xoay trục’ qua châu Á và quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông, Singapore là nơi được bộ Quốc phòng Mỹ chọn làm địa điểm đặt 4 chiến hạm đời mới cũng như các phi cơ trinh sát hiện đại.

Thảo luận về Biển Đông

Là một nước quan trọng tại vùng Đông Nam Á, lẽ dĩ nhiên Singapore cũng phải quan tâm đến hồ sơ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc tại Việt Nam, vấn đề này đã được thảo luận.

Theo Tổng thống Singapore, trong cuộc thảo luận, cả hai bên đều đồng ý rằng các bên liên quan nên giải quyết tình hình một cách hòa bình. dựa trên cơ sở của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.

Singapore không có yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông nhưng ông Tony Tan cho rằng điều quan trọng là phải bảo đảm được quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Theo báo chí Việt Nam, ngay từ cuộc tiếp xúc đầu tiên với chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào hôm 23/04/2012, Tổng thống Singapore đã « chia sẻ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông » và cam kết tiếp tục phối hợp lập trường trong khối ASEAN trong vấn đề Biển Đông nhằm « cùng đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC); sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) ».


Việt - Mỹ : Từ cựu thù thành đồng minh có ích

Hầu hết trên chuyên mục "quốc tế" các báo Pháp hôm nay đều dành cho thời sự vùng châu Á - Thái Bình Dương. Từ tình hình chính trị tại Miến Điện, đến điểm nóng Biển Đông, cho đến vụ việc luật sư mù Trần Quang Thành chạy trốn thành công vào đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và sự kiện Mỹ sẽ rút quân khỏi khu căn cứ quân sự Okinawa Nhật Bản.

Phó Đô Đốc Scott Swift trong buổi lễ tiếp đón tại cảng Đà Nẵng 23/04/2012 (@U.S. Navy)
Phó Đô Đốc Scott Swift trong buổi lễ tiếp đón tại cảng Đà Nẵng 23/04/2012 (@U.S. Navy)

Về thời sự Biển Đông, trên trang mạng của nhật báo Le Monde, cập nhật vào chiều thứ sáu hôm qua 27/04/2012, có đăng bài đề tựa « Việt Nam-Hoa Kỳ : từ cựu thù đến đồng minh có ích ». Gần 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hẳn là Việt Nam không thể quên được xung đột tàn khốc, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho cả đôi bên : hơn hai triệu người thiệt mạng về phía Việt Nam và 57 ngàn lính Mỹ theo như ước tính.

Thế nhưng, vài năm gần đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam có vẻ thiết tha muốn mở ra một chương mới, đó là thiết lập lại quan hệ với Hoa Kỳ. Điển hình là cả hai quốc gia đang tiến hành các hoạt động giao lưu hải quân « phi tác chiến » tại cảng Đà Nẵng cho đến tận ngày 30/04 này. Một hoạt động tuy mang tính biểu tượng nhưng lại xảy ra vào thời điểm mà các căng thẳng trên Biển Đông đang trở nên gay cấn.

Theo Le Monde, bất chấp một quá khứ nặng nề, Hà Nội vẫn vun đắp mối quan hệ ôn hòa với Washington. Điều này cũng cho thấy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã có sự chuyển hướng rõ rệt là ngày càng về phía châu Á hơn so với lúc trước. Dưới thời tổng thống tiền nhiệm George Bush, xung đột Afghanistan và Irak là những ván cờ chủ yếu trong « cuộc chiến chống khủng bố ». Thì ngày nay, vị tổng thống kế nhiệm Barack Obama đã chọn việc đặt lại cường quốc số một thế giới vào ngay trung tâm cuộc chơi châu Á – Thái Bình Dương. Với một mục tiêu quan trọng nhất : cản đà vươn lên của Bắc Kinh thành cường quốc trong khu vực.

Việt Nam : Chiến lược cân bằng

Theo Le Monde, nhìn vào khả năng quân sự hạn chế của mình, Việt Nam nhận thức được rằng lợi ích từ sự ủng hộ của Mỹ, dù rằng không có chính thức. Mặt khác, càng gần đến Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18, được tổ chức vào mùa thu năm nay, Trung Quốc ngày càng cứng giọng khi đưa ra các tuyên bố của mình. Hành động này còn được thể hiện qua việc tăng ngân sách quốc phòng đều đặn.

Tuy nhiên, Le Monde cũng nhận xét rằng, điều này cũng không hẳn là Việt Nam nghiêng hoàn toàn về phía Hoa Kỳ. Theo giải thích của ông Benoit de Treglodé, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở tại Bangkok, « từ khi thành lập chế độ, cách đây 60 năm, Việt Nam thiên về theo đuổi chiến lược cân bằng hay cân bằng khoảng cách giữa các khối ». Chiến lược này từng đã được sử dụng dưới thời Liên bang Xô Viết để làm đối trọng chống lại người láng giềng ‘‘phức tạp’’ ở phía Bắc.

Còn theo phân tích của ông David Camroux, phó giáo sư trường Đại học Khoa học Chính trị và là chuyên gia về Đông Nam Á, « Việt Nam đang chơi trò nước đôi : một mặt, quốc gia này vẫn bám vào Trung Quốc, vì một cách hiển nhiên đây là đầu tàu kinh tế của khu vực (tăng trưởng đạt 9,2% trong năm 2011). Nhưng mặt khác, họ lại xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ mà theo đó, quốc gia này sẽ giữ vai trò đảm bảo an ninh ».

Như vậy, dưới cái nhìn thực dụng, Mỹ và Việt Nam đang cố gắng bảo vệ một thỏa ước theo kiểu « đôi bên cùng có lợi ». Dĩ nhiên là kể cả trong lãnh vực kinh tế. Mà ví dụ điển hình chính là tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tổng thống Mỹ đã đưa ra dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương », với sự tham gia của 12 nước trong đó có đồng minh mới là Việt Nam.

Ngày nay đa phần thế hệ trí thức mới được đào tạo tại các cơ sở thuộc những nước nói tiếng Anh như Úc, Anh, Canada và Mỹ. Cũng theo ông David Camroux, số người Việt Nam ở nước ngoài cũng có một tầm quan trọng đáng kể, nhất là số Việt kiều tại Mỹ, khoảng 4 triệu dân. Ông cho rằng, mặc dù số người này có bất đồng chính kiến với chính phủ về vấn đề tự do tôn giáo, nhưng số người này vẫn sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, thông qua các mạng lưới của họ. Và các họat động đầu tư này đều tập trung chủ yếu vào khu vực miền Nam Việt Nam, nơi giữ được quyền tự trị lớn so với vùng phía bắc đất nước. Theo ngân hàng thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia nhận được nhiều ngoại tệ nhất từ các công dân của mình.

Nhìn chung, với nền kinh tế nở rộ, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh, triển vọng du lịch và công nghiệp đáng khích lệ : « con hổ châu Á » vẫn đang tiến lên. Dường như không có gì có thể cản trở được liên kết với Hoa Kỳ. Duy chỉ có vấn đề nhân quyền, theo nhiều nhà quan sát, có thể sẽ là một trở ngại. Mặc dù, các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng báo động cho rằng chế độ vẫn đang đàn áp những nhà ly khai, bỏ tù các nhà viết blog… nhưng theo quan sát của ông Benoit de Treglodé, đấy chỉ là « vấn đề thứ yếu. Bằng chứng là tất cả các bản báo cáo của Quốc hội Mỹ về tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được giảm nhẹ thấy rõ rệt từ 4 hay 5 năm nay ».

Hoa Kỳ bị Thái Bình Dương ám ảnh

Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, nhân sự kiện Mỹ cho rút thủy quân lục chiến khỏi khu căn cứ quân sự Okinawa tại Nhật Bản, báo Le Figaro cũng có quan điểm tương tự với Le Monde qua bài viết đề tựa « Hoa Kỳ bị Thái Bình Dương ám ảnh ».

Bài báo nhận định, việc rút thủy quân lục chiến khỏi Okinawa và phân bố lại quân giữa Hawai và Úc, khẳng định chiến lược tái triển khai quân Mỹ tại vùng châu Á do chính quyền Mỹ đưa ra. Theo học thuyết quân sự mới được công bố vào tháng giêng năm 2012, Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng. Nhưng học thuyết cũng khẳng định việc tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, mà tầm quan trọng chiến lược của khu vực này không ngừng tăng lên.

Theo giải thích của Le Figaro, ngoài việc cho rút quân từ các nước Irak và Afghanistan, Hoa Kỳ tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, qua việc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng. Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội và tăng khả năng tấn công và xuất hiện trên Biển Đông - con đường giao thông hàng hải huyết mạch – nơi mà căng thẳng ngày càng leo thang.

Hơn nữa, việc gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực cũng sẽ giúp cho Washington dễ dàng giám sát Bắc Triều Tiên, liên tục thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Bài báo cũng cho rằng, ngoài Bắc Kinh ra, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều tán thành sự thay đổi chiến lược. Dù rằng phải rút quân ra khỏi Okinawa, nhưng Nhật Bản vẫn là đồng minh hàng đầu của Mỹ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam cũng không muốn nhìn thấy một mình đối mặt với Trung Quốc. Hoa Kỳ còn tăng cường hợp tác với Singapore và Philippines. Nhất là với Úc. Theo bài báo, đối mặt với việc phát triển dàn tên lửa Trung Quốc thế hệ mới, quốc gia châu lục này có vị trí địa lý ở xa tạo cho Mỹ một thuận lợi chiến lược quan trọng.

Tuy nhiên, bài báo cũng nhận định rằng việc tăng cường quân ở châu Á, không có nghĩa là Washington sẽ thu hẹp lại tại châu Âu. Vào Hội nghị thượng đỉnh khối Nato ở Chicago diễn ra vào ngày 20 và 21/05 sắp đến, Nhà Trắng sẽ khẳng định lại nhất thiết phải triển khai vành đai chống tên lửa để bảo vệ lãnh thổ và người dân châu Âu. Nhưng Mỹ đề nghị rằng kể từ giờ gánh nặng an ninh châu Âu sẽ không còn do Mỹ đảm bảo nữa.

Tranh chấp thừa kế tại Samsung : bộ phim nhiều tập

Cũng tại Đông Á, báo Le Monde và Le Figaro cùng cho biết tập đoàn điện tử Samsung Hàn Quốc đã đạt được mức doanh thu kỷ lục trong quý I năm nay và trở thành nhà kinh doanh điện thoại di động hàng đầu trên thế giới. Có lẽ niềm vui đó sẽ còn trọn vẹn hơn nếu không có chuyện anh em trong nhà xâu xé nhau vì gia tài.

« Phim truyền hình nhiều tập giữa những người kế thừa Samsung » là tựa đề bài viết trên báo Le Monde. Sự cãi vã tranh chấp gây ồn ào đến mức khiến cho người ta phải quên luôn cả sự thành công vượt trội của tập đoàn khổng lồ này. Báo chí trong nước không ngần ngại ví von cảnh tượng đang diễn ra như là một « bộ phim truyền hình nhiều tập ».

Tranh chấp diễn ra giữa ra ba người con cả của cố chủ tịch tập đoàn Lee Byung-chull, người sáng lập Samsung là Lee Maeng-hee (81 tuổi), Lee Kun-hee (70 tuổi) – hiện đang lãnh đạo tập đoàn và bà Sook-hee (77 tuổi).

Theo Le Monde, trong vòng hai ngày 23 và 24/4 cả hai ông Lee Maeng-hee và Lee Kun-hee đã có những lời lẽ tố giác lẫn nhau. Ông Lee Maeng-hee cho rằng « Chủ tịch Lee » (cách thường gọi ông Lee Kun-hee trong nội bộ) là người « háu danh » và « trẻ con ». Đáp lại, ông Kun-hee, nổi tiếng là rất kiệm lời trước công chúng, khẳng khái tuyên bố rằng « đã từ lâu, Maeng-hee không còn là thành viên của gia đình ».

Phản ứng này minh chứng cho thấy căng thẳng đang xảy ra ngay trong lòng Samsung. Nắm quyền điều hành tập đoàn kể từ sau khi Lee Byung-chull, người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc, với tài sản trị giá ước tính khoảng 10,8 tỷ đô-la, qua đời năm 1987, Kun-hee – là người con thứ ba của ông Lee Byung-chull từ hai tháng nay trở thành mục tiêu tấn công của hai anh chị cả.

Ông Maeng-hee và bà Sook-hee đòi hỏi phải được hưởng một phần tài sản thừa kế. Đòi hỏi này cũng chính là hệ quả của vụ tai tiếng xảy ra vào năm 2008. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Lee Kun-hee sở hữu nhiều cổ phần của tập đoàn và nhiều chi nhánh khác dưới tên vay mượn. Sự việc nổ ra buộc chủ tịch Lee phải rời nhiệm vụ trong hai năm.

Đến năm 2010, nhờ tổng thống Lee Myung-bak xóa tội, ông đã nắm lại quyền lãnh đạo và tập hợp lại toàn bộ các cổ phiếu dưới một tên duy nhất. Vấn đề là theo như lời khẳng định của người anh cả Maeng-hee và chị cả Sook-hee, việc dùng đến tên vay mượn bắt đầu có từ khi ông Lee Byung-chull còn sống. Và bản thân hai người này cũng không biết đến sự tồn tại của những cổ phiếu này. Vì vậy, hai người đòi phải có phần của mình về số cổ phiếu này, mà theo đó nó phải thuộc về họ. Phần đòi chia này trị giá ước tính khoảng 1000 tỷ won, tương đương với 668 triệu euro.

Đương nhiên, ông Lee Kun-hee tuyên bố rằng ông « sẽ không rót một xu nào », đồng thời đe dọa sẽ đi đến tận Tòa án Tối cao, thậm chí là Tòa án Hiến Pháp. Vụ án được theo dõi sát sao, nếu các thẩm phán cho bên đơn thắng kiện thì quyền điều hành toàn bộ tập đoàn có thể sẽ bị xem xét lại. Ngoài nguyên nhân tiền bạc, vụ việc cho thấy rõ sự chia rẽ sâu xa trong lòng gia tộc giàu có nhất Hàn Quốc. Vào năm 1966, một vụ tai tiếng xảy ra buộc ông Lee Byung-chull, người sáng lập tập đoàn Samsung phải rời bỏ vị trí lãnh đạo.

Khi đó, ông đã tạm giao quyền điều hành cho người con cả là Lee Myung-hee. Tuy nhiên, « chưa đầy sáu tháng, cả doanh nghiệp trở nên hỗn độn », theo như những gì ông Buyng-chull ghi lại trong Hồi ức của mình. Thất vọng, năm 1976, ông Byung-chull buộc phải giao lại quyền điều hành cho người con thứ ba là chủ tịch Lee Kun-hee hiện nay.

Mặt khác, quan hệ giữa chủ tịch Lee với người chị Sook-he cũng khá tế nhị. Có lẽ, bà Sook-hee đã sai lầm khi kết hôn với con trai của người sáng lập tập đoàn điện tử LG vào năm 1956. Tập đoàn này hiện nay là đối thủ chính của Samsung ngay trong nước.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120428-viet-my-tu-cuu-thu-thanh-dong-minh-co-ich





-------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét