Vibay

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Việt Nam trong chính sách châu Á của Mỹ?

18/4/12- Một cựu trợ lý cho hai đời Tổng thống Mỹ nói Việt Nam sẽ hưởng lợi sau khi Washington chuyển trọng tâm sang châu Á.
Tiến sĩ Douglas Paal từng làm trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H. W. Bush từ 1986 đến 1993.



Mỹ ngày càng muốn tăng sự hiện diện trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương

Chức vụ cao nhất của ông trong thời gian này là Giám đốc cao cấp về châu Á và trợ lý đặc biệt cho Tổng thống. Ông cũng là đại diện không chính thức của Mỹ ở Đài Loan trong tư cách giám đốc Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan (2002-2006).

Hiện là Phó Chủ Tịch tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, Tiến sĩ Douglas Paal trao đổi với Lê Quỳnh về chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á- Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama.

Tiến sĩ Douglas Paal: Xu hướng “tái cân bằng” hướng đến châu Á phản ánh việc ngoại giao Hoa Kỳ được tăng cường với khu vực. Nó được chứng tỏ qua sự có mặt của Ngoại trưởng Hillary Clinton ở các hội nghị Asean cũng như sự tham gia của Tổng thống Obama ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Chính sách này cũng thể hiện sự khuyến khích tăng cường tự do thương mại thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà một ngày nào đó có thể có sự gia nhập của Việt Nam.
Ngoài ra còn có khía cạnh an ninh. Tổng thống Obama đã tuyên bố về ngân sách, mà trong đó sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường các chuyến thăm quân sự, các hoạt động diễn tập và trao đổi quân sự.

BBC: Vấn đề tranh chấp Biển Đông đã trở thành một vấn đề nóng trong những tháng gần đây. Các quốc gia như Philippines và Việt Nam được cho là đang tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong tuyên bố chủ quyền. Ông có nghĩ rằng Mỹ sẽ đáp ứng những gì mà hai quốc gia này mong muốn?

Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam và Philippines, cũng như các nước khác trong khu vực, sau nhiều năm dồn trọng tâm cho các mục tiêu chống khủng bố.

Phía Mỹ sẽ tập trung vào một tiến trình mà nhờ đó, các vấn đề tranh chấp trong khu vực sẽ được giải quyết, tìm kiếm một giải pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), và tôn trọng quyền tự do hàng hải cho những bên không liên quan tranh chấp.

Điều này có thể sẽ ít hơn so với những gì mà Hà Nội và Manila mong đợi. Tuy nhiên, tôi tin họ sẽ cho rằng đây là sự ủng hộ đáng giá.

BBC: Ông cho rằng Việt Nam sẽ có lợi từ chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á của Hoa Kỳ?

Việt Nam dường như rất giỏi trong việc dùng quan hệ gần gũi hơn với Washington để buộc Bắc Kinh phải hành xử thận trọng. Những sự trao đổi này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Hà Nội.

Việt Nam dường như rất giỏi trong việc dùng quan hệ gần gũi hơn với Washington để buộc Bắc Kinh phải hành xử thận trọng. Những sự trao đổi này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Hà Nội."
Tiến sĩ Douglas Paal

BBC: Vậy ông có cho rằng Mỹ sẽ thấy thoải mái khi hợp tác cùng với Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc bất chấp hai quốc gia này cùng theo chế độ cộng sản độc đảng?

Hoa Kỳ có nhiều vấn đề chính trị và nhân quyền để trao đổi với Việt Nam, vì Hoa Kỳ có lo ngại về sự chi phối của các công ty nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam.

Tôi cũng tin rằng các quan chức sẽ không dùng chữ “chống Trung Quốc”, mà họ sẽ nói là hợp tác với Việt Nam và Trung Quốc để duy trì sự bình ổn và thịnh vượng trong khu vực.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/04/120417_douglas_paal_comment.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét