Dự trữ ngoại tệ thường được coi là thước đo tiềm lực tài chính của nền kinh tế một quốc gia. Việc sở hữu lượng ngoại tệ lớn giúp quốc gia giữ tỷ giá được ổn định và vận hành nền kinh tế một cách suôn sẻ hơn.
Theo báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 được Chính phủ trình lên Thường vụ Quốc hội ngày 20/4, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước đã được cải thiện rõ rệt và hiện đang ở mức khoảng 9 tuần nhập khẩu.
Trước đó, hôm 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong buổi họp báo công bố Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2012” cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm quý I năm nay vào khoảng 17 tỷ USD, cao hơn 3,5 tỷ USD so con số được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi giữa năm ngoái.
Như vậy, mặc dù cao hơn 1 tuần nhập khẩu so con số ADB đưa ra (tương đương với gần 8 tuần nhập khẩu) song mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam theo công bố của Chính phủ (nếu tính với đơn vị tuần nhập khẩu trung bình, đã vượt 19 tỷ USD) vẫn thấp hơn so yêu cầu cần đạt được là 10 tuần nhập khẩu, theo khuyến nghị của WB.
Trong Báo cáo của ADB có lưu ý, mức tăng 16% đối với các khoản vay bằng USD trong năm 2011 đã làm tăng rủi ro ngoại hối đối với các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường giám sát đối với việc cho vay bằng ngoại tệ. Kể từ tháng 5 tới, NHNN sẽ hạn chế việc cho vay bằng ngoại tệ chỉ cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu đồng thời giảm các mức hạn chế đối với lượng giao dịch ngoại hối của các ngân hàng.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức hôm 6/3, trao đổi với Dân trí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, so với đầu năm 2011, dự trữ ngoại hối cuối năm vừa rồi đã tăng xấp xỉ 50%. Và chỉ trong hai tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 20% nữa so cuối năm 2011.
Mục tiêu của Việt Nam trong năm 2012 này sẽ tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối. Và theo như phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hồi tháng 6/2011, thì Chính phủ sẽ tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm nay đạt mức tương đương 16 tuần nhập khẩu.
Báo cáo sáng nay của Chính phủ cũng nêu rõ, cán cân thanh toán trong quý I có diễn biến tích cực. Cán cân vãng lai thặng dự ước gần 2 tỷ USD, cán cân vốn và tài chính cũng thặng dư... dẫn đến cán cân thanh toán tổng thể quý I/2012 ước thặng dư 2 tỷ USD (so cùng kỳ thâm hụt tới 126 triệu USD).
Trong quý I, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước ước khoảng 24,58 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Và lần đầu tiên trong 3 năm, Việt Nam xuất siêu vào quý I với 220 triệu USD, bằng 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2011, cả nước nhập siêu 3 tỷ USD).
Tuy nhiên, báo cáo cũng "mổ xẻ" nguyên nhân phía sau tín hiệu đáng mừng xuất siêu, bên cạnh do xuất khẩu tăng cao, tốc độ tăng nhập khẩu giảm thì còn một nguyên nhân quan trọng đầu tư và sản xuất công nghiệp chế biến suy giảm dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu và máy móc, thiết bị giảm sút.
Bích Diệp
http://dantri.com.vn/c76/s76-587909/viet-nam-du-tru-19-ty-usd-ngoai-te.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét