Đôi nét sơ lược về tàu ngầm
Tàu ngầm được chế tạo ra là để tiêu diệt các tàu đối phương trên biển bằng các quả tên lửa dẫn đường. Một số tàu cao cấp hơn sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến lược chủ yếu có tính răn đe, bởi khả năng hủy diệt và tầm bắn có thể vươn tới mọi vị trí trên trái đất.
Các tên lửa chiến thuật trên tàu ngầm có tầm bắn khoảng 110km, trong khi tên lửa hành trình đạt khoảng cách tới 2.500km. Tất cả chúng đều được phóng từ dưới nước mà không yêu cầu tàu phải nổi lên. Hơn nữa, các tàu ngầm chiến lược có thể trang bị vũ khí hành trình được dẫn đường từ xa và có tầm bay tới 7.400km, chứa nhiều đầu đạn khác nhau, mỗi đầu đạn lại có khả năng tiêu diệt những mục tiêu khác nhau.
Tàu ngầm Kilo 636 được các nước phương Tây mệnh danh là “Kẻ sát thủ vô hình” hoặc “Lỗ đen”, bởi tính năng chiến đấu vượt trội so với các tàu ngầm cùng loại và ít phát sinh tiếng ồn, bảo đảm tính bất ngờ trong tác chiến rất cao
Nguyên lý lặn và nổi của tàu ngầm là định lý lực đẩy Achimede. Khi một vật bị chìm trong nước thì nó sẽ bị tác động ngược lại một lực Achimede (lực này ngược chiều với trọng lực nên nó sẽ đẩy lên trên) với độ lớn bằng trọng lượng của phần thể tích nước bị vật đó chiếm chỗ. Nếu trọng lực lớn hơn lực đẩy thì tàu chìm, ngược lại thì tàu nổi.
Đối với tàu ngầm người ta có thể điều chỉnh lực này theo ý muốn, nghĩa là có thể điều khiển độ lặn nông sâu, do một lớp đệm gọi là khoang dằn (ballast tank) ở giữa hai lớp vỏ. Khi khoang này chứa đầy không khí thì tàu nổi và khi chứa đầy nước thì tàu chìm. Thông thường tàu ngầm có hai lớp vỏ. Vỏ ở trong là vỏ chính và rất cứng rắn. Phía trong lớp vỏ thứ hai là khu vực Air flask chứa không khí nén. Ngoài ra, ở phía đuôi tàu ngầm còn có một bộ phận nhỏ chứa các “cánh” ngắn có thể di chuyển được để điều chỉnh độ sâu khi lặn mà người ta gọi là hydroplanes, bộ phận này được đặt ở những góc sao cho khi nước đi qua chúng thì đuôi tàu sẽ được “nhổng” lên, qua đó đẩy tàu chìm xuống.
Để giữ cho tàu chìm xuống độ sâu mong muốn thì các kỹ sư điều khiển phải cân bằng được giữa lượng không khí và nước trong các khoang dằn. Tỉ lệ giữa nước và không khí ở một độ sâu nào đó phải ngang bằng với mật độ của nước ngoài môi trường xung quanh. Khi ở độ sâu mong muốn thì hydroplanes sẽ được nâng lên và nước sẽ đi qua nó mà không ảnh hưởng đến hướng của tàu. Người ta sẽ điều khiển tàu ngầm rẽ trái, phải bằng một bánh lái ở đuôi và hydroplanes dùng để điều khiển tỉ lệ giữa mũi tàu và đuôi của nó (nhoi lên hay chìm xuống). Một số tàu ngầm còn được trang bị một động cơ đẩy phụ có thể xoay 360o.
Để tàu nổi lên, không khí nén được bơm xuống từ Air flask và nước bị đẩy ra khỏi lớp đệm giữa hai vỏ tàu cho đến khi mật độ chung của nó thấp hơn lượng nước của môi trường xung quanh. Các hydroplanes khi này lại được điều khiển sao cho nước đè lên nó và đưa đầu tàu nổi lên. Trong những trường hợp khẩn cấp thì khoang dằn sẽ nhanh chóng được bơm đầy khí ở áp suất cao để tàu nổi lên mặt nước, tạo năng lượng trực tiếp cho chân vịt hay nó cũng có thể sạc cho ắc quy có dung lượng cực lớn hoặc thực hiện cả hai chức năng đồng thời. Ắc quy này sẽ điều khiển trực tiếp chân vịt hoặc sẽ dùng đến khi xảy ra sự cố.
Khi lặn xuống biển, tàu ngầm thường xuyên hoạt động trong những điều kiện rất tối mà mắt người gần như không nhìn thấy. Do vậy trên tàu ngầm được trang bị những hệ thống dẫn đường riêng biệt, nó dùng những hệ thống dẫn đường (inertial guidance systems) với gyroscope nhằm theo dõi hướng đi so với một điểm khởi đầu cố định. Hệ thống quán tính này chỉ chính xác trong khoảng 150 tiếng và sau đó thì nó phải được căn chỉnh lại với những hệ thống điều hướng riêng biệt sử dụng hệ thống SONAR (Sound and Navigation and Ranging) cả chủ động và bị động. Hệ thống định vị dưới mặt nước SONAR chủ động sẽ tự động phát ra những sóng âm di chuyển trong nước, chạm vào mục tiêu và quay trở lại báo cho tàu biết (khá giống trên bờ nhưng trên bờ thì ta dùng sóng radio). Máy tính sẽ dễ dàng tính toán được vị trí của địch dựa vào các thông tin của tốc độ, của âm thanh trong nước và thời gian mà sóng âm phản hồi. Đây cũng là cách mà cá voi, cá heo và dơi sử dụng để bắt mồi. Hệ thống SONAR cũng sẽ thu thập các âm thanh phát ra từ tàu địch và cũng được dùng để căn chỉnh lại hệ thống điều hướng quán tính của tàu.
Khi gặp nạn, tàu ngầm sẽ phát ra những tín hiệu radio cảnh báo với trạm chỉ huy hoặc thả những chiếc phao nổi nhằm cho biết vị trí của nó. Tùy theo tình thế mà tàu sẽ phản ứng, chẳng hạn như tắt lò phản ứng hạt nhân và giảm thiểu tất cả điện năng tiêu thụ. Việc giải cứu tàu ngầm phải diễn ra trong vòng 48 tiếng kể từ khi gặp nạn. Các tàu giải cứu sẽ đưa những phương tiện nhỏ xuống để cứu hộ thủy thủ đoàn trước hoặc cố gắng kéo tàu lên càng nhanh càng tốt. Những phương tiện nhỏ này gọi là DSRV (Deep – Submergence Rescue Vehicles). Các DSRV sẽ di chuyển độc lập với tàu chính để tiếp cận tàu ngầm ở những khoang cứu hộ, tạo ra những khoang kín khí để mở cửa khoang và cứu tối đa 24 thủy thủ lên một lúc. Bản thân con tàu sẽ được cứu bằng cách sử dụng các cầu phao, kéo lên mặt biển. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc cứu hộ bao gồm độ sâu của vùng biển mà tàu đang gặp nạn, địa hình của tầng nước và điều kiện khí hậu trên mặt biển.
Sức mạnh tiềm ẩn trong môi trường biển xanh
Tại Thái Bình Dương, các hạm đội tàu ngầm và sự phát triển của chúng đã thay đổi nhanh chóng kể từ sau Chiến tranh lạnh. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Nga đã đưa ra khỏi biên chế hầu hết tàu ngầm của họ và Mỹ cũng thu nhỏ quy mô lực lượng tàu ngầm của mình. Trong khi đó, Trung Quốc lại nhanh chóng mở rộng và nâng cấp lực lượng lực lượng dưới mặt nước. Để cân bằng cán cân quân sự, các nước khác trong khu vực Thái Bình Dương cũng đang tiến hành mở rộng và hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của mình.
Mackenzie Eaglen và Jon Rodeback trong một bài viết trên tờ The Heritage Foundation đã viết: “Một số quốc gia chỉ có năng lực tác chiến hải quân giới hạn nay đang nhanh chóng đầu tư để mở rộng tầm ảnh hưởng và khả năng tung phóng sức mạnh nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của họ trên thế giới. Hải quân Mỹ cần phải vượt lên trước các đối thủ trong môi trường tác chiến biển xanh khi họ cố vươn tầm hoạt động. Điều này đòi hỏi chúng ta cần nâng cấp khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và chống ngầm trong môi trường biển xanh để cải thiện khả năng đánh chặn chiến lược”.
Kể từ sau Chiến tranh lạnh, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLAN) của Trung Quốc đã mở rộng và nâng cấp đáng kể lực lượng của mình, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm, hiện đang được đánh giá là “sức mạnh tiềm ẩn” nhất của PLAN.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 4 loại tàu ngầm mới tự thiết kế và đóng trong nước như: Jin hay Type 094 (SSBN), Shang hay Type 093 (SSN), Yuan hay Type 041/039A (SSP) và Song hay Type 039/039G (SSK). Thế hệ tàu tiếp theo của lớp Shang đang được triển khai. Có thể nhận thấy rằng, quy mô lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ rất lớn (khoảng 70 chiếc hoặc hơn) là một ước tính thực tế chính xác về cấu trúc lực lượng Hải quân Trung Quốc trong vài thập niên tới.
Lực lượng tàu ngầm tiến công Trung Quốc đã tăng mạnh số lần tuần tra từ 2 lần năm 2006 lên 6 lần năm 2007 và tới 12 lần năm 2008. Đây là những bằng chứng cho thấy quốc gia này đang tập trung vào huấn luyện và thể hiện tham vọng “cho Hoa Kỳ thấy rằng, Trung Quốc là một thế lực, đối trọng của họ trên biển Thái Bình Dương”. Hai sự kiện gần đây có thể mô tả rõ xu hướng này. Vào ngày 26/10/2006, một tàu ngầm của Trung Quốc đã nổi lên gần biên đội tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ – đang hoạt động gần Okinawa trong khoảng cách có 5 dặm (khoảng 8km). Ngày 11/6/2009, một tàu ngầm của Trung Quốc đã va chạm với tàu USS John S. Cain’s có trang bị cảm biến mảng pha của Mỹ ngay ngoài khơi Philippines.
Cho dù những sự kiện này, có thể hoặc chưa thể hé lộ những hạn chế trong khả năng chống ngầm của Hoa Kỳ và các thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc vận hành thành thạo các cỗ máy chiến tranh thầm lặng dưới đáy đại dương – là những thông tin thực tế nhất, khẳng định một điều rõ ràng rằng, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đã vươn tầm hoạt động xa hơn và hoạt động hiệu quả hơn so với trước đây.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã kết luận rằng: “Việc phát triển và đưa vào trang bị các tàu ngầm lớp Kilo, Song, Shang, và Yuan đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với khả năng đánh chặn và tác chiến dưới mặt nước của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa”.
Điểm khác biệt của Kilo 636MV
Tàu ngầm Kilo 636MV mà Nga bán cho Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, trong đó đồn đoán lớn nhất là về vũ khí trang bị so với các thế hệ tàu ngầm cũng lớp Kilo 636 của Nga đã được xuất khẩu cho Trung Quốc trước đây là loại Kilo 636MK.
Trước tiên, tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể sẽ được lắp đặt tên lửa hành trình tấn công đối đất 3M-14E loại mới nhất, có tầm bắn trên 200km. Ngoài Việt Nam, hai nước khác được Nga xuất khẩu tên lửa 3M-14E là Ấn Độ và Algeria.
Bên cạnh đó, tàu ngầm Kilo 636MV còn được trang bị radar dẫn đường phức hợp đa tác dụng GE2-01 thế hệ mới. Loại radar này có ưu điểm lớn là giảm tối đa tạp âm trong môi trường nước và giúp đa dạng hóa biện pháp dẫn đường.
Tàu ngầm Kilo 636MK của Trung Quốc chỉ được trang bị hệ thống SONAR MGK 400E loại cơ bản, trong khi đó, tàu ngầm Kilo 636MV lại có thể được lắp đặt hệ thống SONAR MGK 400E loại cải tiến, được trang bị bộ xử lý tín hiệu tốc độ cao nhiều công năng và có mức độ số hóa cao hơn.
Về kính tiềm vọng, tuy tàu ngầm Kilo 636MK và tàu ngầm Kilo 636MV đều được trang bị hệ thống thám trắc quang học, nhưng kính tiềm vọng sử dụng cho nhiệm vụ tấn công của tàu ngầm Kilo 636MV được lắp đặt thêm thiết bị đo cự ly bằng tia lade và hệ thống quan trắc TV, IR. Trong khi đó, tàu ngầm Kilo 636MK chủ yếu sử dụng quang học ngắm bắn và không có thiết bị đo cự ly bằng tia lade. Điều đó có nghĩa năng lực tác chiến ban đêm và độ chính xác của đòn đánh của tàu ngầm Kilo 636MV sẽ cao hơn tàu ngầm Kilo 636MK.
Điểm khác biệt cuối cùng là hệ thống điều hòa mà tàu ngầm Kilo 636MV sử dụng thích hợp hơn với khí hậu, địa hình nhiệt đới.
Bên cạnh những điểm khác biệt, tàu ngầm Kilo mà Nga bán cho Trung Quốc và tàu ngầm Kilo mà Nga xuất khẩu cho Việt Nam có một số điểm giống nhau như cùng được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54E, cùng sử dụng ắc quy 476E loại cải tiến, tuổi thọ dài, đáp ứng được yêu cầu về nhiệt độ nước ở Thái Bình Dương.
Do thời gian sản xuất của hai loại tàu ngầm trên cách nhau hơn 5 năm, nên công nghệ trang bị cho tàu ngầm Kilo 636MV tiên tiến hơn tàu ngầm Kilo 636MK là điều đương nhiên. Dù đều là tàu ngầm lớp Kilo 636M, nhưng khoảng cách về công nghệ giữa tàu ngầm Kilo 636MV và tàu ngầm Kilo 636MK chênh lệch chí ít là trên 10 năm.
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể sẽ được lắp tên lửa hành trình tấn công đối đất 3M-14E loại mới nhất, có tầm bắn trên 200km. Ngoài Việt Nam, hai nước khác được Nga xuất khẩu loại tên lửa này là Ấn Độ và Algeria
Trần Thế Vinh (Tổng hợp)
Báo Năng lượng Mới số 107, ra ngày 30/3/2010
http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/www.petrotimes.vn/Tau-ngam-Kilo-636-MV-cua-Hai-quan-Viet-Nam-Sat-thu-vo-hinh-duoi-mat-bien/8194312.epi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét