Vibay

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Sai phạm hàng chục nghìn tỷ tại Tập Đoàn Dầu khí, trách nhiệm của Bộ Trưởng Thăng

06/4/12-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức đồng ý với những kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc xử lý nhiều sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Thanh tra đã phát hiện sai phạm với số tiền đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại đơn vị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức đồng ý với những kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc xử lý nhiều sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Thanh tra đã phát hiện sai phạm với số tiền đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại đơn vị.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một chủ thể thanh tra rất lớn, cả về quy mô, lĩnh vực, địa bàn hoạt động và đặc biệt lớn về doanh thu. Thanh tra đã có cách tiếp cận phù hợp khi xem xét việc sử dụng vốn của tập đoàn".Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong thời gian ông làm Chủ tịch tập đoàn (2006-2011) đối với những sai phạm lớn tại PVN, ông Khánh nói: "Trách nhiệm của người đứng đầu là có, tuy nhiên việc sai đó đôi khi do cấp dưới của họ cố ý làm sai và đã phải chịu trách nhiệm rồi. Nhìn vào con số sai phạm thì chưa thể nói trách nhiệm đó của ai. Việc này phải xem xét theo đúng trình tự, thủ tục trên tinh thần chỉ đạo rất nghiêm túc".


PVN đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho những dự án ngoài ngành, dự án không thuộc trọng điểm dầu khí.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc trích lập và quản lý Quỹ đầu tư phát triển, trên 126.000 tỷ đồng tiền quỹ đã bị phát hiện sử dụng không đúng mục đích. Theo đó, quỹ này được trích lập từ lợi nhuận sau thuế của Cty mẹ, được sử dụng để đầu tư cho các dự án trọng điểm về dầu khí, mở rộng hoạt động kinh doanh, góp vốn với các nhà thầu dầu khí. Tuy nhiên, Công ty mẹ của tập đoàn lại cấp vốn cho các đơn vị phụ thuộc, góp vốn điều lệ cho các đơn vị, điều chỉnh vốn và các quỹ, sử dụng cho các dự án… bằng nguồn quỹ này.

Thanh tra dẫn ví dụ dự án đường từ thành phố Cà Mau đến khu công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau không thuộc công trình dầu khí nhưng PVN đã ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển cho tỉnh này 352 tỷ đồng để thực hiện. Ngoài ra, tập đoàn cũng sử dụng hơn 40 tỷ tiền quỹ để xây dựng đường giao thông xã; hơn 20 tỷ khác xây dựng trường Mẫu giáo Trà My (Vũng Tàu).

"Việc PVN sử dụng tiền từ quỹ này để xây dựng các công trình là không đúng quy định về quản lý tài chính của công ty mẹ, với tổng giá trị hơn 413 tỷ đồng" – kết luận thanh tra nêu rõ.

Hay việc sử dụng quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính, đáng ra, PVN có 11 nhà thầu dầu khí buộc phải trích quỹ này nhưng thực tế chỉ có 3 nhà thầu thực hiện quy định, gây thất thoát tiền của nhà nước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVN được kiểm toán tính đến thời điểm 31/12/2010, tổng tài sản, nguồn vốn của tập đoàn là gần 470 nghìn tỷ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện còn hơn 7.500 tỷ đồng.

Khoản tiền lãi dầu khí để lại tập đoàn trong giai đoạn 2006 – 2010 tổng số gần 34.000 tỷ đồng, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm. Có 3 khoản đầu tư PVN góp vốn cho liên doanh Rusvietpetro, nhận nợ cho liên doanh này và cấp vốn điều lệ cho TCty thăm dò khai thác dầu khí với tổng số tiền 15.600 tỷ đồng đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận là chưa đúng vì các hoạt động này đều không thuộc các dự án trọng điểm dầu khí theo quy định để có thể lấy tiền quỹ đầu tư.

Cơ quan thanh tra xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng khoản tiền 15.600 tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động không thuộc dự án trọng điểm dầu khí; điều chỉnh lại đúng nguồn khoản tiền gần 12 tỷ đồng quỹ nghiên cứu khoa học sử dụng sai mục đích.

5.600 tỷ đồng đầu tư bất động sản, ngân hàng

Về việc ứng vốn đầu tư của PVN, thanh tra xác định tổng số tiền đầu tư chưa thanh toán được là gần 2.000 tỷ đồng. Dù PVN đã ứng vốn từ lâu nhưng các đơn vị được ứng vốn đều không có kế hoạch trả nợ (như BQL Dung Quất, Bộ GTVT) và nhiều địa phương không có khả năng thanh toán.

Với nội dung kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài chính, KH-ĐT có biện pháp thu hồi các khoản tiền PVN đã ứng vốn xây dựng với tổng số tiền 1.650 tỷ đồng.

Về việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ, đến hết năm 2010, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính ra ngoài của tập đoàn xấp xỉ 114.600 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là gần 46.000 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận 28,75%); đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phụ trợ 27.800 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận 8,89%)… và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính gần 5.600 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận chỉ 7,03%).
Kết luận thanh tra phân tích: "việc đầu tư tại các công ty con 100% vốn nhà nước, vào lĩnh vực dầu khí, tìm kiếm thăm dò khai thác có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư rất cao. Trong khi đó, việc đầu tư tại các công ty liên kết, các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản tỷ suất lợi nhuận thấp. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận đầu tư bình quân trong 5 năm trong lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chỉ đạt 2,82% so với mức 28,75% của việc đầu tư trong ngành".

Ngoài ra, tập đoàn đầu tư vào 51 công ty với số vốn 1.140 tỷ đồng kinh doanh không có lãi trong năm 2008. Năm 2009, khoản đầu tư không ra lãi tăng lên 1.270 tỷ đồng. Năm 2010 tiếp tục tăng lên 2.380 tỷ đồng.

Tóm lại, việc đầu tư ra ngoài của một số tổng công ty được đánh giá đạt hiệu quả thấp.

Kiểm tra việc quản lý đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ xác nhận con số 384 dự án PVN đã triển khai trong giai đoạn 2006 – 2010 với tổng mức đầu tư 301.000 tỷ đồng và 16,9 tỷ USD. Thanh tra chỉ ra, ngoài các dự án được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, PVN và các đơn vị thành viên đã chỉ định một số gói thầu sai quy định. Cụ thể, PVN chỉ định 2 gói thầu với giá trị 32 tỷ đồng tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Các đơn vị thành viên chỉ định 4 gói thầu với trị giá 0,7 tỷ đồng, 110,5 triệu USD và 0,6 triệu EURO chưa đúng quy định.

30 triệu USD mua tàu cá cũ gần 30 tuổi


Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tại cuộc họp báo quý I/2012 thông tin về kết luận thanh tra PVN.

Về việc mua bán một số tài sản, năm 2006, Thủ tướng cho phép PVN đóng mới tàu địa chấn 2D nhưng sau đó, TCTy thăm dò khai thác dầu khí PVEP lại ký hợp đồng mua tàu cá Pavlovsk được hoán cải thành tàu địa chấn với giá 30 triệu USD. Tàu này được đóng từ năm 1983, quá 10 năm so với quy định đăng kiểm (không quá 15 năm tuổi).

Năm 2009, PVN chp phép PVEP chuyển nhượng tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 giá trị 29 triệu USD với phương thức trả tiền trong 5 năm không tính lãi. Nhưng cho đến thời điểm thanh tra, vẫn chưa có đợt thanh toán nào được thực hiện.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đề cập việc TCty cổ phần xây lắp dầu khí PVC bán lại khu đất 69 Nguyễn Du được Hà Nội phân cho để làm trụ sở với giá gần 96 tỷ đồng nhưng không kết luận sai phạm do đã chuyển CQĐT – Công an Hà Nội xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Năm 2010, PVEP cũng bán cho PVC dự án khách sạn Thái Bình với giá trị 111 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán khoản tiền này.

Kiểm tra việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến hết 2010, PVN đã cổ phần hóa 17 công ty, tổng số tiền thu được là 23.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền các đơn vị nộp về quỹ của tập đoàn chỉ đạt 21.800 tỷ đồng. Số tiền còn lại gần 2.000 tỷ đồng chưa được nộp. Việc chậm nộp này trái với quy định và khoản nợ, thanh tra cho rằng phải tính lãi theo quy định. Số lãi này, Thanh tra Chính phủ tạm tính là 185 tỷ đồng.
Thanh tra kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn dầu khí thu hồi về quỹ đổi mới sắp xếp doanh nghiệp số tiền gần 2000 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa mà một số đơn vị chưa nộp về quỹ này.

Ngoài ra, PVN cần chỉ đạo PVEP thu hồi khoản tiền 29 triệu USD chuyển nhượng tàu Bình Minh 02, khoản 111 tỷ đồng chưa được thanh toán khi bán khách sạn Thái Bình.

Sau hết, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã nêu.

Thống nhất những quan điểm trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập đoàn rà soát lại việc đầu tư ra ngoài ngành và đầu tư tại các công ty liên kết; đánh giá hiệu quả đầu tư và số liệu các đơn vị bị thua lỗ. Thủ tướng "nhắc" PVN cần tập trung vào ngành nghề chính, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh thiệt hại, lãng phí.

Tập đoàn cần làm việc với Bộ Tài chính, đề xuất xử lý những tồn tại về tài chính như kết luận của thanh tra. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả đối với các gói thầu chỉ định không đúng quy định, làm rõ nguyên nhân và kết luận trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Thủ tướng cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, sai phạm tại tập đoàn, xử lý nghiêm túc với các cá nhân sai phạm để báo cáo Thủ tướng.

Theo Dantri

http://tin180.com/xahoi/chinh-tri-xa-hoi/20120406/sai-pham-hang-chuc-nghin-ty-tai-tap-doan-dau-khi-trach-nhiem-cua-b-truong-thang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét