07/4/12-Một nghiên cứu đưa ra hôm 5/4 cho biết, Mỹ đã đánh giá thấp sự phát triển quân sự của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách có các tuyên bố công khai chỉ với giá trị bề ngoài hoặc không tìm hiểu tư duy của Bắc Kinh.
Báo cáo của Uỷ ban Xem xét An ninh và Kinh Tế Mỹ - Trung nói rằng, Mỹ có những thông tin trái ngược nhau về các loại vũ khí mới của cường quốc đang trỗi dậy này, bao gồm cả việc "quên" tính tới sự xuất hiện của ngày càng nhiều các tàu ngầm hiện đại.
Về tốc độ hiện đại hoá quân sự, báo cáo đánh giá "có những trường hợp nhận định sai lầm" với việc Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa đạn đạo chống hạm và máy bay chiến đấu tàng hình sớm hơn Mỹ dự kiến.
Theo nghiên cứu trên, các nhà phân tích Mỹ có thể cải thiện tình tình nếu như có nhiều chuyên gia đọc được tiếng Trung Quốc hoặc thậm chí cân nhắc mở một số ấn phẩm như tạp chí khoa học kỹ thuật. “Các nhà quan sát Mỹ không nên chỉ xem xét giá trị bề ngoài từ chính phủ Trung Quốc hay các chính sách quân sự của họ, vì thông tin có thể không chính xác hay bị các cơ quan đơn giản hoá", nghiên cứu trên nhấn mạnh.
Báo cáo của uỷ ban do Quốc hội Mỹ thiết lập năm 2000 nhằm xem xét các ảnh hưởng an ninh từ Trung Quốc. Nghiên cứu này cho rằng, các chuyên Mỹ "có thể đã không đánh giá đầy đủ mức độ mà lãnh đạo Trung Quốc xem Mỹ như một mối đe doạ cơ bản tới an ninh của Trung Quốc".
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các chuyên gia Mỹ giả định vào cuối những năm 1990 rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ bắt kịp về mặt quân sự với Mỹ và điều này sẽ đặt ra ưu tiên thấp trong ngành công nghiệp quốc phòng so với những phần khác của nền kinh tế.
“Trong một thập niên, giờ đây đã rõ ràng rằng, rất nhiều kiến thức phổ thông về Trung Quốc đưa ra từ hồi đầu thế kỷ đã chứng minh sai lầm trầm trọng", báo cáo kết luận. “Để tránh mất cảnh giác vào năm 2022, các nhà phân tích Mỹ nên cẩn thận xem xét lại rất nhiều dự đoán đã có của họ về chính phủ và mục tiêu chính sách của Trung Quốc".
Trung Quốc tuyên bố, chi tiêu quốc phòng của họ sẽ đạt 100 tỉ USD trong năm nay, sau mức tăng 12,7% năm ngoái. Như vậy trong suốt hai thập niên, chi phí quân sự Trung Quốc hầu như đều tăng ở hai con số. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, chi tiêu thực tế của họ còn cao hơn nhưng vẫn còn kém xa so với yêu cầu ngân sách 613 tỉ USD mà bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra cho năm tài khoá 2013.
Tại cuộc họp báo công bố ngân sách quốc phòng, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh khẳng định "giới hạn sức mạnh quân sự Trung Quốc hoàn toàn là đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và không đặt ra mối đe dọa gì với bất kể quốc gia nào".
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức về sự kiểm soát ở Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải, thì với các nước khu vực, đây chỉ là lời an ủi vô nghĩa. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở rộng xa hơn bất kỳ nơi nào khác. Hiện tại, chiến lược của họ dường như để ngăn chặn đầu tư nước ngoài trong khai thác phát triển dầu khí ở những khu vực xảy ra tuyến bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Nhiều tàu chiến hiện đại, máy bay chiến đấu và vũ khí tối tân của Trung Quốc đã đi vào hoạt động có thể được sử dụng để thực thi các tuyên bố chủ quyền ngoài khơi của Trung Quốc như tàu sân bay, tàu đổ bộ mới và tàu hộ tống. Hôm 9/3, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đưa tin, tàu sân bay của Liên Xô mà Trung Quốc nâng cấp với khoảng 2.000 thuỷ thủ có thể chứa 30 máy bay chiến đấu và trực thăng.
Tờ báo dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng, con tàu này sẽ hoạt động ở Biển Đông. Báo cũng trích dẫn một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc khẳng định, nước này cần xây dựng ít nhất ba tàu sân bay của riêng mình.
Bốn trong số các tàu đổ bộ trọng tải lớn đã đi vào hoạt động. Mỗi tàu có thể mang theo 800 quân cũng như xe bọc thép, trực thăng...
Các tàu này có thể được dùng để đưa quân Trung Quốc tới các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Công việc thiết kế các tàu tấn công đổ bộ lớn hơn được cho là đã bắt đầu.
Thái An (theo defensenews)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/67258/my-danh-gia-thap-tiem-nang-quan-su-cua-trung-quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét