Vibay

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Hải quân VN xây dựng lực lượng để răn đe chính sách 'việc đã rồi'

26/4/12- Việt Nam kiên trì cách tiếp cận là sử dụng hạm đội để bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình.


Tàu chiến Mỹ USS Blue Ridge cập cảng Tiên Sa ngày 23/4/12. Ảnh trang trí

(ĐVO) Prokhor Yurevich Tebin, Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga có bài viết bình luận về quá trình tiến thẳng lên hiện đại Hải quân Việt Nam trong quá trình nước ta thực hiện chiến lược biển.

Dưới đây là một số nội dung bài viết:

Việt Nam không tìm cách thiết lập sự thống trị trên biển, nhưng có kế hoạch để đạt được khả năng tấn công gây thiệt hại nặng và ngăn chặn việc thực hiện chính sách “việc đã rồi” (fait accompli).

Không tham gia chạy đua vũ trang nhưng phải đủ khả năng tự vệ

Chính phủ Việt Nam nhận ra, Việt Nam không có khả năng tham gia vào một cuộc đua vũ trang hải quân toàn diện. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong các cuộc xung đột trước đây cho thấy, để bảo vệ lợi ích quốc gia, Hải quân Việt Nam phải có đủ khả năng.

Từ đầu thập niên 2000, Hà Nội đã thực hiện phương hướng xây dựng hạm đội duyên hải tiến thẳng lên hiện đại với trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đối tác chính của họ trong vấn đề này là Nga, và Ấn Độ ở một mức độ thấp hơn.

Việt Nam kiên trì cách tiếp cận là sử dụng hạm đội để bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam có kế hoạch để đạt được khả năng tấn công gây thiệt hại nặng và ngăn chặn chính sách “việc đã rồi” (fait accompli).

Ngoài việc đối phó với nguy cơ an ninh truyền thống, Hải quân Việt Nam phải có khả năng chống lại các mối đe dọa phi truyền thống bằng đường biển (buôn lậu, hải tặc, buôn bán ma túy …), và được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột tuy khả năng nhỏ, nhưng có thể xảy ra.

Để phù hợp với nhiệm vụ chính trị và quân sự được giao phó, Hải quân Việt Nam đang được định hướng xây dựng một hạm đội tàu ngầm mạnh, đóng các tàu khu trục tiên tiến, hiện đại, tàu hộ tống, tàu pháo và tàu tên lửa nhỏ…

Nòng cốt của hải quân hiện đại

Việc mua 6 tàu ngầm Project 636 của Nga là dự án lớn nhất mà Việt Nam triển khai nhằm xây dựng hải quân mạnh và hiện đại. Hợp đồng đã được ký kết trong năm 2009 với giá trị hợp đồng là 1,8 tỷ USD.

Nga cũng đang giúp xây dựng tại Việt Nam một căn cứ tàu ngầm và cơ sở hạ tầng liên quan. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 1,5-2,1 tỷ USD. Những chiếc tàu ngầm hiện đại này được trang bị tên lửa chống hạm (nhiều khả năng sẽ là Club-S). Đây là một trong những loại phương tiện hải quân tốt nhất xét ở góc độ giá cả và hiệu quả.

Khi cần, Việt Nam có thể đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của một số tàu ngầm trên biển, đủ khả năng thách thức sự thống trị đơn phương trong khoảng thời gian nhất định khi xảy ra xung đột.

Giúp Việt Nam xây dựng hạm đội tàu ngầm còn có Ấn Độ, đối tác truyền thống và là nước có kinh nghiệm trong việc khai thác, vận hành các tàu ngầm Nga .

Thành phần quan trọng thứ hai của Hải quân Việt Nam tiến lên hiện đại là các lớp tàu hộ vệ tên lửa.

Năm 2011, Nga bàn giao cho Việt Nam hai tàu hộ vệ 11661E Gepard 3.9, được đóng tại nhà máy Zelenodolsk mang tên M. Gorky theo thiết kế của Viện Thiết kế Zelenodolsk. Hợp đồng trị giá 350 triệu USD đã được ký kết vào năm 2006.

Hai tàu chiến mới nhận đã được biên chế vào lực lượng Hải quân với tên gọi HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ, có lượng giãn nước 2.100 tấn và tốc độ tối đa 27 hải lý/h. Vũ khí chính của tàu là tổ hợp tên lửa chống hạm Uran-E với 8 tên lửa chống tàu Kh-35E.

Sau khi nhận được hai chiếc Gepard, Việt Nam đã đặt đóng thêm thêm hai chiếc nữa cùng loại. Hai chiếc mới sẽ khác biệt hơn ở loại vũ khí chống tàu ngầm mạnh hơn.

Mùa xuân năm 2011 có tin nói rằng, Việt Nam đang đàm phán với đối tác Hà Lan Damen Schelde Naval Shipbuilding mua 4 tàu lớp SIGMA, lớp tàu mà Indonesia cũng có đơn hàng. Lớp tàu này có thiết kế module, do đó, lượng giãn nước sẽ thay đổi tùy từng chiếc, từ 1.700 tới 2.400 tấn.

Về tính năng và trang bị tàu chiến lớp SIGMA tương đương với Gepard của Nga, nhưng có giá cao hơn. Tùy thuộc vào đơn hàng, các tàu loại này sẽ có chi phí 230-400 triệu USD/chiếc. Nếu hợp đồng được ký kết, hai chiếc đầu tiên được đóng ở Hà Lan, và hai chiếc khác sẽ đóng tại Việt Nam.

Công cụ răn đe

Một số chuyên gia không đánh giá cao khả năng chiến đấu của Gepard và SIGMA ở khả năng chống ngầm và phòng không. Tuy nhiên, tàu mặt nước hoạt động xa bờ có nhiều lợi thế. Khác với các tàu tên lửa và các tàu chiến nhỏ, những chiến hạm như Gepard của Nga có thể tuần tra trong phạm vi đáng kể, tính từ bờ biển Việt Nam. Khi có từ 4-8 chiếc lớp này, Việt Nam có thể duy trì sự hiện diện liên tục của 1-3 chiếc ở Biển Đông.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, cuộc đụng độ trên biển dù có quy mô nhỏ nhưng có thể gây hậu quả chính trị sâu, rộng. Các cuộc đụng độ như vậy thường hạn chế về thời gian, lực lượng tham gia và thương vong của cả hai phía, tạo lợi thế cho phe theo đuổi chính sách “việc đã rồi”, bởi cộng đồng quốc tế ít có cớ lên tiếng hay gâp áp lực.

Do đó, sự hiện diện của tàu chiến Việt Nam hiện đại xa bờ, trang bị hệ thống tên lửa mạnh mẽ, làm tăng đáng kể rủi ro cho đối phương và làm giảm khả năng tiến hành chiến dịch chớp nhoáng. Hơn nữa, không giống như tàu ngầm, tàu mặt nước nổi bật hơn ở sự biểu dương sức mạnh trên biển của quốc gia.

Tàu ngầm có thể là vũ khí hiệu quả trong xung đột, nhưng không phải là một công cụ răn đe hiệu quả. Cuộc khủng hoảng ở quần đảo Falkland/Malvinas vào năm 1977 cho thấy, sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Anh không giúp kiềm chế xung đột và không ngăn chặn cuộc chiến năm 1982.

Ngoài ra, đối với Việt Nam, các tàu chiến mặt nước còn là một công cụ ngoại giao hải quân, sự hiện diện của tàu chiến cùng lá quốc kỳ được biểu dương trên đó cũng chính là sự khẳng định chủ quyền trên các vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế.

http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Hai-quan-VN-xay-dung-luc-luong-de-ran-de-chinh-sach-viec-da-roi/20124/206619.datviet

* "Việc đã rồi" ám chỉ chính sách lợi dụng những lúc đối phương mất cảnh giác để đánh chiếm biển đảo của nước khác một cách chớp nhoáng của Trung Quốc, đến khi các nước khác hay biết thì "Việc đã rồi". Bài viết cho rằng Việt Nam xây dựng hải quân mạnh để chống lại chính sách này của TQ.

1 nhận xét:

  1. viec da roi ma ko fai xay dung luc luong hai quan ah, ngay xua dat nuoc ngheo, kt kem fat trien lay dau ra nguon von de dau tu fat trien quan doi. bay h co dk thi moi lam dc chu. biet la viec da roi. nhug ko fai lam ah, dkm. thang post pai nay ... m ko hieu ji ah

    Trả lờiXóa