10/4/12-Thực trạng chiếm gần 1/4 diện tích đất trong khuôn viên chùa Ông để chia lô bán nền cho các cá nhân đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Đến nay, đất chùa bị chiếm vẫn chưa được trả lại nhà chùa làm nơi thờ cúng.
"Âm thầm" cấp sổ đỏ trong đất chùa Ông
Trước thời điểm chùa Ông được công nhận di tích cấp quốc gia, 18 họ tộc người Minh Hương đồng ý cho gia đình ông Từ Thanh Sơn (con cháu của 18 họ tộc) xin ở tạm trong khuôn viên chùa để tiện lo hương khói, gìn giữ và bảo vệ nơi thờ phụng tổ tiên. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau ông Từ Thanh Dũng (cha ruột ông Từ Thanh Sơn) trở về từ Lâm Đồng và đề nghị con trai giao lại đất chùa để ông khôi phục nguyên trạng di tích cấp quốc gia.
Trưởng Ban quản lý chùa, ông Từ Quang Tuấn cho biết: "Lúc đó, chúng tôi rất vui mừng hành động đó của gia đình cha con ông Dũng. Nhằm hỗ trợ gia đình ông Sơn có nơi ở mới, thành viên trong chùa thống nhất hỗ trợ gia đình ông Sơn 20 triệu đồng và đề nghị địa phương cấp đất ở ngoài khuôn viên ngôi chùa".
Sau thời gian dài chờ đợi, 18 họ tộc Minh Hương mới "tá hỏa" khi phát hiện UBND huyện Tư Nghĩa cấp "sổ đỏ" cho ông Từ Thanh Sơn, với diện tích 608m2. Ông Từ Thanh Sơn ngang nhiên chia thành 3 lô, bán cho hộ bà Thái Thị Hồng Thủy 1 lô (132m2); 2 lô còn lại (476m2) bán cho ông Hà Văn Trường (con trai ông Hà Hóa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa thời đương chức khi sự việc đang diễn ra).
Đất chùa Ông bị chiếm dụng, được cấp sổ đỏ và sang nhượng quyền sử dụng đất ngang nhiên qua nhiều đối tượng sau thời điểm khoanh vùng đất đai trong khuôn viên chùa Ông và được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hành trình đi đòi lại đất tổ tiên
Bất bình trước sự việc khi phát hiện đất trong chùa có sổ đỏ, ông Từ Quang Tuấn, Trưởng Ban quản lý di tích chùa Ông liên tục "kêu cứu" tới các cơ quan chức năng từ tháng 4/2005 đến nay, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 11/11/2005, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đi kiểm tra và yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã Nghĩa Hòa có biện pháp giữ nguyên hiện trạng đất di tích, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, mua bán, chuyển nhượng, lấn chiếm đất trong khu vực đã khoanh vùng bảo vệ của di tích chùa Ông.
Thế nhưng gần 2 năm trôi qua, chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi bị "phớt lờ" và "đâu lại vào đấy". Đến tháng 5/2007, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) Quảng Ngãi nhắc lại "chuyện xưa" với UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu: "Ngày 24/12/2001, UBND huyện Tư Nghĩa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Từ Thanh Minh với diện tích 608m2 (200m2 đất ở và 408m2 đất vườn). Diện tích đất được cấp nằm trong khu vực bảo vệ I (2.730m2) của di tích chùa Ông. Đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định hiện hành của Luật di sản văn hóa".
Nhưng, dường như mọi ý kiến chỉ đạo và yêu cầu thực hiện từ UBND tỉnh, Sở VHTT&DL,... nhưng đều bị địa phương "bỏ ngoài tai". Hai hộ mua đất vẫn bất chấp xây dựng nhà cửa trái phép trong khi việc tranh chấp được UBND tỉnh nghiêm cấm bằng nhiều văn bản. Tiếp đến, Sở VHTT&DL thường xuyên báo động, khuyến cáo UBND huyện Tư Nghĩa về việc xây nhà trái phép tại di tích chùa Ông vào ngày 29/10/2007 và 7/12/2007 nhưng chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ”.
3 năm sau, ngày 11/1/2010, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) lên tiếng về vụ việc, yêu cầu ngăn chặn hành vi chiếm dụng đất di sản, bảo vệ toàn bộ di tích và tìm giải pháp giải quyết thích đáng. Mặc dù nhiều cơ quan ban ngành đã lên tiếng nhưng sự việc vẫn kéo dài cho đến nay.
Sau hơn 10 năm lận đận đi đòi đất tổ tiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều đáng lo ngại, một di tích cấp quốc gia chùa Ông được cả nước biết đến bởi sự linh thiêng, nay lại bị xâm hại nghiêm trọng. Quá trình chiếm dụng đất trong chùa Ông diễn ra thuận lợi như vậy, dường như có bàn tay "vô hình" nào đó đứng đằng sau vụ việc chăng?
Trao đổi với PV Dân trí, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi cho biết: "Về việc chiếm đất ở di tích chùa Ông, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp, tổ chức thanh tra, kiểm tra và phối hợp với chính quyền địa phương nhưng không thành. Cấp quyền sử dụng đất để xây nhà ở, mua bán làm biến tướng di tích quốc gia là trái với Luật Di sản văn hóa. Chúng tôi đề nghị UBND huyện Tư Nghĩa phải chịu trách nhiệm cấp đất mới và hỗ trợ cho họ di chuyển đến nơi khác, đó mới là cách giải quyết hợp lý nhất, chứ để như thế này mãi thì nguy hiểm quá".
Nhằm chung tay tháo gỡ vụ việc, ông Từ Quang Tuấn cho biết: "Địa phương cấp đất sai thì phải cấp đất mới cho họ. Về phía chùa Ông, 18 họ tộc chúng tôi sẽ hỗ trợ một phần để họ xây dựng nhà ở. Tôi kính đề nghị địa phương cần chỉ đạo, thực hiện gấp rút để phục vụ hoạt động của chùa theo quy định".
Trải qua nhiều cuộc chiến xâm lược của đế quốc hùng cường, chùa Ông đứng sừng sững hiên ngang, che chở nhiều chiến sĩ cách mạng và cầu nguyện dân an, thái bình. Hơn 200 năm qua, chùa Ông vẫn lưu giữ từng góc cạnh kiến trúc xưa, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thế nên, đừng để hơn 200 triệu từ việc mua bán, sang nhượng từ những có người thiếu tôn trọng văn hóa lại "đạp đổ" hình ảnh di tích lịch sử văn hóa quốc gia như chùa Ông.
http://dantri.com.vn/c202/s202-583866/chiem-dat-di-tich-lich-su-cap-quoc-gia-de-chia-lo-ban-nen.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét