Vinacomin có thể bắt đầu bán alumina bắt đầu từ tháng 4 này khi nhà máy Tân Rai đi vào chạy thử nghiệm.
Trong cuộc trao đổi này, ông Hòa nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng để giai đoạn chạy thử nghiệm nhà máy diễn ra trong thời gian ngắn nhất có thể, tiến tới đưa nhà máy hoạt động với toàn bộ công suất”.
Ông Hòa cho biết, trong giai đoạn chạy thử nghiệm, nhà máy alumina Tân Rai - nhà máy chế biến bauxite của Việt Nam - sẽ hoạt động với 70-80% công suất. Cũng theo ông Hòa, nhà máy trị giá 460 triệu USD này có công suất thiết kế 600.000 tấn sản phẩm alumina mỗi năm.
Công tác xây dựng nhà máy Tân Rai tại Lâm Đồng đến nay đã hoàn tất 99%. Tuy nhiên, dự án đã bị trì hoãn do thời tiết mưa nhiều và thủ tục hành chính chưa hoàn thiện khiến quá trình giải ngân bị mắc kẹt. “Trời mưa kéo dài khiến việc xây bể chứa bùn đỏ gặp khó khăn, trong khi các thủ tục mà phía nhà thầu Trung Quốc không hoàn thiện kịp thời đã làm quá trình giải ngân bị đình trệ. Dự án vì thế bị trì hoãn”, ông Hòa giải thích.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy alumina Tân Rai sẽ đi bắt đầu hoạt động vào quý 4/2011, thay vì từ tháng 4 này như thông tin ông Hòa vừa công bố.
Nhà máy Tân Rai do nhà thầu China Aluminum International Engineering (Chalieco) xây dựng. Chalieco là công ty con của Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chinalco), một công ty quốc doanh, đồng thời là hãng nhôm lớn nhất nước này.
Ông Hòa cũng cho biết, Vinacomin dự kiến sẽ huy động 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu nội tệ tại thị trường trong nước để có vốn đầu tư cho các dự án, trong đó có dự án alumina Tân Rai. Tuy nhiên, ông Hòa chưa đề cập đến thời điểm cụ thể của đợt phát hành. Về phát hành trái phiếu nước ngoài, ông Hòa cho hay, Vinacomin còn đang hoãn.
Song song với nhà máy alumina Tân Rai, Vinacomin còn đang đầu tư xây dựng nhà máy alumina Nhân Cơ ở Đắc Nông, với sản lượng ban đầu dự kiến ở mức 300.000 tấn alumina vào năm 2014, tăng lên 650.000 tấn vào năm 2016. Alumina là một loại bột màu trắng chế biến từ quặng bauxite, được dùng để sản xuất ra nhôm.
Vinacomin dự báo, sản lượng alumina của nhà máy Tân Rai năm nay sẽ là 300.000 tấn, rồi tăng lên 500.000 tấn vào năm 2013 và 650.000 tấn vào năm 2014.
Vinacomin và Tập đoàn Cơ khí và luyện kim Vân Nam của Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ, trong đó Vinacomin sẽ bán cho đối tác Trung Quốc 600.000-900.000 tấn alumina mỗi năm.
Theo thông tin từ ông Hòa, Vinacomin hiện chưa chưa chốt hợp đồng với các đối tác nước ngoài, mặc dù Trung Quốc sẽ là thị trường lớn bán alumina lớn nhất của tập đoàn này. “Chúng tôi mới đàm phán với các đối tác và nhận được nhiều sự quan tâm”, ông Hòa nói.
Phương Anh
Theo Reuters
http://dantri.com.vn/c76/s76-578055/viet-nam-se-ban-alumina-tu-thang-4.htm
------------
(*): Nhôm Ô xít - Do alumina có nhiệt độ nóng chảy cao, vật liệu gốm sứ alumina vẫn giữ được 90% độ bền ở 1100 °C và được dùng để chế tạo các chi tiết cần có tính chịu nhiệt. Vật liệu gốm sứ alumina nung có thể cứng hơn cacbua vonfram hay ziricon và có tính chống mài mòn cực tốt do đó được dùng để chế tạo các chi tiết nghiền, dụng cụ & dao cắt, ổ bạc làm việc ở nhiệt độ cao và rất nhiều chi tiết cơ khí khác. Alumina là yếu tố quan trọng thứ hai sau silica (điôxít silíc). Cùng với silica và các ôxít trợ chảy, alumina ngăn chặn sự kết tinh (nhờ đó tạo thành thủy tinh – men ổn định).
không nên sản xuất alumina, đơn giản vì việc sản xuất nó đi đem lại hệ quả lớn hơn cái lợi nó đem lại, tài nguyên cạn kiệt, tàn phá cảnh quan thiên nhiên, các chất hóa học tồn đọng ảnh hưởng thế hệ sau này... và hơn hết, không nên bán cho Trung Quốc vì đất nước học không thiếu nguồn tài nguyên này, nhưng vì sao họ không khai thác, lý do là họ sợ ảnh hưởng của nó đối với đất đai và con người họ khi khai thác, ngoài ra, họ có thể lấy 1 vài lý do để tác động tới Việt Nam trong trường hợp xung đột xảy ra, điều đó là vô cùng nguy hiểm.
Trả lờiXóa