Vibay

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Việt Nam là khách hàng mua S-400 thứ ba

24/3/12-Tới trước năm 2015, hai quốc gia đầu tiên được Nga cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400 sẽ là Belarus và Kazakhstan.

Nga không có kế hoạch xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf trước năm 2015 và có lẽ sẽ chưa thể cung cấp các hệ thống tên lửa này cho Belarus và Kazakhstan tới sau năm 2014, người đứng đầu công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin nói với RIA Novosti.

"Cho đến năm 2015, tất cả các hệ thống tên lửa S-400 sẽ chỉ được sản xuất với số lượng đủ cho quân đội Nga", ông Isaikin nói.

Trước đó, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST), ông Ruslan Pukhov tiết lộ rằng, Việt Nam có thể sẽ mua từ 4 - 6 hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU2 hoặc S-400 trong trường hợp hệ thống này được xúc tiến xuất khẩu (>> chi tiết).

Tuy nhiên, thông tin trên từ Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga đã cho thấy,Việt Nam hoàn toàn có thể là khách hàng thứ 3 có được hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất thế giới này (sau Belarus và Kazakhstan). Với việc chỉ sản xuất với số lượng đủ để phục vụ trong quân đội Nga đến năm 2015, và sau đó mới bắt đầu được xuất khẩu sang hai nước lân cận của mình. Theo dự đoán, việc Việt Nam có thể ký kết hợp đồng mua S-400 nhanh nhất là vài năm sau đó (tính từ năm 2015).

Ngoài Việt Nam, nước bạn Trung Quốc cũng đang "khát khao" để có được hệ thống tên lửa tiên tiến này (>> chi tiết). Tuy nhiên, với những bài học xương máu về khả năng sao chép công nghệ quân sự Nga của Trung Quốc, điển hình là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (sao chép từ hệ thống tên lửa S-300 của Nga) thì khả năng xuất khẩu hệ thống tên lửa S-400 sang Trung Quốc sẽ không cao.


Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (định danh NATO là SA-21 Growler) được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng của Lực lượng phòng thủ tên lửa và phòng không quân đội Nga đến năm 2020.
S-400 Triumf do Tổ hợp công nghiệp quân sự Almaz-Antei nghiên cứu chế tạo để có thể bảo vệ các mục tiêu chính trị quan trọng, các trung tâm hành chính, kinh tế và các căn cứ quân sự trước các cuộc không kích, các loại bom, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo chiến thuật... từ trên không.

Radar của hệ thống S-400 có khả năng phát hiện ra các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km và ở độ cao 40 - 50 km. Hệ thống sử dụng một loạt các công nghệ tên lửa tối tân để tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của đối phương.

Tên lửa của hệ thống S-400 có thể phá hủy các mục tiêu trên không ở phạm vi lên tới 250 km và tấn công các tên lửa đạn đạo không chiến lược ở khoảng cách 60 km.

Đối với các mục tiêu như máy bay, UAV, trực thăng, bom..., tên lửa S-400 có thể tấn công phá hủy từ độ cao 10m đến 27 km. Phá hủy mục tiêu có tốc độ tối đa 4.800 m/giây và chỉ mất 5 phút để triển khai hệ thống.

Phạm Thái (theo RIA Novosti)

http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Viet-Nam-la-khach-hang-mua-S400-thu-ba/20123/191370.datviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét