Vibay

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Trung Quốc biện hộ cho việc bắt ngư dân

22/3/12-Trung Quốc biện hộ cho việc bắt giữ 21 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và cáo buộc hơn 100 tàu cá Việt Nam “đánh bắt trái phép”.


Ông Hồng Lỗi nói ngư dân Việt Nam 'vi phạm chủ quyền của Trung Quốc'

Người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chính thức xác nhận có việc 21 ngư dân và hai tàu cá đang bị giam giữ.

Nhưng ông này còn cáo buộc: “Gần đây, hơn 100 tàu đánh cá Việt Nam đi vào vùng biển xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa đánh bắt cá trái phép.”

“Do không thể ngăn chặn được, các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành điều tra và giải quyết trường hợp hai tàu cá và 21 ngư dân theo luật định.”

Trung Quốc đã bắt 21 ngư dân và hai tàu cá Quảng Ngãi, QNg 66074 TS và QNg 66101 TS, khi các tàu này đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa hôm 3/3.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đã trao công hàm cho Sứ quán Trung Quốc để yêu cầu “thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá Việt Nam”.

Còn tại cuộc họp báo hôm nay, ông Hồng Lỗi nhắc lại: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàngg Sa và không có tranh chấp gì về vấn đề này.”

“Các hoạt ̣động đánh bắt cá của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền lãnh hải của Trung Quốc.”

Có vẻ không quan tâm sự phản đối của Việt Nam, người phát ngôn ở Bắc Kinh nói tiếp:
“Các hành động liên quan từ phía các ngành chức năng của Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn trong khuôn khổ thực thi luật pháp.”

“Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ có những biện pháp hiệu quả để quản lý và tăng cường nhận thức để các ngư dân này không đánh bắt cá trái phép,” ông Hồng Lỗi nói.

Việt Nam phản đối

Chiều thứ Ba 21/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đề cập tới vụ việc.
Ông nói: "Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam."

Ông Nghị cũng cho hay Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để "giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân".

Những ngày vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã đấu khẩu vì những diễn biến quanh quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

Việc Việt Nam gửi chư tăng ra trụ trì các chùa ở quần đảo Trường Sa cũng bị Trung Quốc lên án là “thách thức chủ quyền”.

Như một cách phản ứng, Trung Quốc cũng loan báo sẽ tăng cường tuần tra tại Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, hạm đội Nam Hải thuộc Lực lượng hải giám nước này vừa hoàn thành chuyến tuần tra lần thứ ba nhằm “chấm dứt việc khai thác dầu khí bất hợp pháp”.


Tàu Hải Tuần thuộc đội tàu hải giám của Trung Quốc ở Biển Đông

Còn trong một cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay, Bộ trưởng nông nghiệp Việt Nam Cao Đức Phát nói đang có đề án thành lập lực lượng kiểm ngư.

Ông nói: “Việc giải quyết các tình huống tranh chấp giữa các nước, lực lượng kiểm ngư cũng có trách nhiệm tham gia.”

'Không ngạc nhiên'

Trong khi đó, một chuyên gia từ Singapore, Robert Beckman, tỏ ra không ngạc nhiên trước cuộc khẩu chiến Việt – Trung những ngày qua.

Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nói với BBC Tiếng Việt rằng có thể đoán sẽ xảy ra những vụ thế này trong bối cảnh tranh chấp biển đảo.

Tuy vậy, ông không nghĩ vụ bắt giữ các ngư dân sẽ là “điểm bước ngoặt” cho sự xấu đi trong quan hệ.

“Hy vọng hai phía sẽ gặp nhau để tìm cách làm nguội tình hình,” ông nói.
Vị chuyên gia này cũng “hy vọng sẽ không có những cuộc biểu tình tương tự mùa hè năm ngoái” ở Việt Nam.

“Mặc dù các vụ vệc như thế khơi dậy cảm xúc trong dư luận, nhưng tranh chấp tốt nhất nên để các chuyên gia ở các cơ quan chính phủ giải quyết,” ông nhận định.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120322_china_fishermen_reax.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét