Vibay

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Ngoại giao VN có tài nhưng vị thế yếu?

22/3/12-BBC trích dẫn từ Asia Times Online, bài có tiêu đề "A new breed of diplomat for Vietnam", cho chúng ta một cái nhìn về một thế hệ ngoại giao mới của Việt Nam.


Ông Phạm Bình Minh là con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

Báo Asia Times Online vừa có bài viết ca ngợi thế hệ các nhà ngoại giao mới của Việt Nam nhưng cũng nói rằng họ bị lép vế về quyền lực so với những người nắm an ninh.

Tác giả ký tên The Hanoist mở đầu câu chuyện với hình ảnh Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói chuyện với cử tọa quốc tế trực tiếp bằng tiếng Anh chứ không qua phiên dịch.

Thông thạo tiếng Anh cũng là yếu tố được ghi trên lý lịch chính thức của ông Nguyễn Quốc Cường, đương kim đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Asia Times nói các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Quốc Cường và Lê Hoài Trung, Đại diện của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc đều tốt nghiệp Trường Quan hệ quốc tế hàng đầu, Fletcher School of Law and Diplomacy thuộc Tufts University ở Hoa Kỳ.

Cùng học trường này ra nên ba nhà ngoại giao này được Asia Times gọi là "mafia Fletcher" có quyền lực trong Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Sự thăng tiến của họ cũng được mô tả là dấu hiệu của sự thay đổi lớn so với những năm trước đây khi mà nhà ngoại giao Lê Văn Bàng bị bắt quả tang đang cùng người lái xe mò sò trái phép ở New York và cả hai "làm như họ không biết nói tiếng Anh" khi bị xét hỏi.

Ông Bàng, người sau này là đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Mỹ, đã dùng quyền miễn trừ của nhà ngoại giao để không bị cảnh sát buộc tội.

Quyền con người

Nhưng tác giả The Hanoist nói vấn đề chính mà những nhà quan sát Việt Nam muốn biết là sự thay đổi thế hệ ở Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng thế nào tới chính sách, liệu Việt Nam cộng sản có 'Tây hơn' và có cởi mở với các dòng tư tưởng chính trị đa dạng hay vẫn độc đoán như hiện nay.

Phép thử lớn được cho là vấn đề quyền con người, điểm thường gây tranh cãi giữa Hà Nội và các nước dân chủ Tây phương.

Bấm Asia Times Online nhận định các nhà ngoại giao Việt Nam "có lẽ ý thức rõ những tác hại quốc tế của thực trạng nhân quyền tồi tệ của chính phủ nước họ."

Các nhà ngoại giao Việt Nam thiếu quyền lực để thực thi chính sách mà họ muốn theo đuổi vào thời điểm quốc tế quan trọng "

Tờ báo mạng này cũng nói nhân quyền có thể là cản trở lớn nhất trong việc thiết lập quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Báo cũng nhắc lại chuyện các quan chức Hoa Kỳ như Thượng Nghị sỹ John McCain và Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell nhấn mạnh rằng Hà Nội cần cải thiện quyền con người trước khi Washington có thể bán thiết bị quân sự cho Hà Nội.

Hoa Kỳ cũng không phải là quốc gia duy nhất có vấn đề với Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Bài báo nói có tin nói rằng năm ngoái Pháp đã ngưng đối thoại an ninh với Việt Nam sau khi blogger mang cả quốc tịch Pháp và Việt Nam, giáo sư Phạm Minh Hoàng bị bắt.

Ông Hoàng nay đã được trả tự do và người ta cho rằng đối thoại an ninh Pháp - Việt sẽ được nối lại.

'Thời điểm quan trọng'

Asia Times nói hiện cũng đang có những câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của Bộ Ngoại giao ở cấp cao.
Trang báo nói giới lãnh đạo ở Hà Nội sẽ phải cân nhắc giữa quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, vốn được xem là đe dọa cho an ninh nội địa qua sức ép về nhân quyền và với Trung Quốc, vốn là đe dọa bên ngoài khi Bắc Kinh tìm cách thống lĩnh Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông.


Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam không nằm trong Bộ Chính trị như Bộ trưởng Công an

Theo Asia Times, quan điểm của giới ngoại giao và ngành an ninh Việt Nam có thể khác nhau trong vấn đề này.

Một điểm quan trọng mà bài trên trang này nêu ra là hiện không có bất kỳ đại diện nào của Bộ Ngoại giao trong Bộ Chính trị 14 người.

Bài báo nhận định ông Phạm Bình Minh, một trong hai nhân vật ngoại giao có trong danh sách 175 Ủy viên Trung ương có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị nhưng phải đợi tới kỳ Đại hội Đảng 2016.
Asia Times nói Việt Nam từ 1991 theo đuổi chính sách ngoại giao "làm bạn với tất cả" nhưng chính sách này nay đã hết đà.

Trang báo nói mặc dù thế hệ các nhà ngoại giao mới của Việt Nam có nhiều tiến bộ nhưng họ vẫn thiếu quyền lực để thực thi chính sách mà họ muốn theo đuổi vào "thời điểm quan trọng trong quan hệ quốc tế của đất nước".

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120322_vietnam_diplomats.shtml

http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/NC22Ae01.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét