Vibay

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Việt Nam có bạn cạnh tranh mới

Giữa lúc mà bối cảnh thế giới đang có nhiều rối ren thì những bước cải cách chính trị và kinh tế ở Myanmar đang đem lại một luồng gió mới, gây phấn chấn cho không ít người, và tạo ra một kỳ vọng vào con đường dân chủ và phát triển đang được dần khai lối trên xứ sở Chùa Vàng. Là quốc gia thuộc ASEAN, một Myanmar đổi mới không những sẽ đem đến cho Việt Nam nhiều điều tham khảo hữu ích mà còn kích thích cạnh tranh một cách tích cực.Mặc dù không phải ai cũng vội tin là nhà cầm quyền Myanmar sẽ thành công với định hướng mới, nhưng những gì đã và đang xảy ra từ khi chính phủ dân sự được thiết lập đã phần nào xóa bớt những nghi ngờ đối với chính phủ Thein Sein, tạo cơ hội cho những gia tăng hợp tác.

Trong nỗ lực đẩy mạnh cải cách, chính phủ Thein Sein cũng đã có những thỏa thuận (hoặc đang thương lượng) ngừng bắn với 11 nhóm sắc tộc có vũ trang. Theo lời Tổng thống Thein Sein, vì người dân Myanmar muốn có hòa bình và ổn định trong nước cho nên quá trình cải cách của Myanmar sẽ dựa trên những nguyện vọng của người dân. Nếu đây là thành tâm của chính phủ Myanmar thì con đường cải cách của Myanmar đang làm lóe lên nhiều tia hy vọng.


Và cũng vì nguyện vọng của người dân nên Naypyidaw đã quyết định ngừng công trình xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD được đầu tư bởi Trung Quốc cũng như nhà máy điện chạy bằng than trị giá 8 tỉ USD của một công ty Thái Lan. Hai quyết định này tất nhiên đã không làm hài lòng hai nước láng giềng, nhưng chúng cần thiết trong việc phần nào chứng tỏ sự quan tâm của chính phủ đối với dư luận. Hơn nữa, những động thái này cũng cho thấy Myanmar đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên có nhiều tác hại và đa phương hóa các nguồn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là giảm bớt ảnh hưởng kinh tế quá lớn của Trung Quốc.


Trung Quốc hiện nay đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar với đa phần các dự án tập trung vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này. Một số hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại Myanmar đã làm dậy lên làn sóng phản đối từ người dân địa phương, nhưng dưới thời chính phủ quân phiệt chúng vẫn được tiến hành.


Bên cạnh đó, Myanmar bắt đầu nhìn về phương Tây. Ông Thein Sein đã nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ cấm vận là động thái cần thiết nếu như phương Tây muốn thấy dân chủ phát triển mạnh mẽ ở Myanmar. Và đây cũng không nằm ngoài ý muốn của Mỹ; vấn đề chỉ là Mỹ đang muốn thấy thêm những bước tiến cải cách chắc chắn từ Myanmar. Washington cũng đã có những động thái đáp trả lại những diễn biến tích cực của Naypyidaw, chẳng hạn như tuyên bố gần đây về việc sẽ trao đổi đại sứ giữa hai nước. Có ý kiến trong chính giới Mỹ cho rằng dường như có một sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ nhà cầm quyền Myanmar giữa hai phe cải cách và bảo thủ; do đó, những động thái tích cực của Myanmar cần được nhìn nhận và đáp ứng xứng đáng để ủng hộ cho tiến trình cải cách.


Một khi mà các cấm vận được dỡ bỏ, đầu tư từ các nước phương Tây sẽ tràn vào Myanmar để khai thác thị trường được cho là đầy tiềm năng trong tương lai này. Naypyidaw cũng đã gởi đi những tín hiệu đón chào nồng nhiệt, chẳng hạn như kế hoạch miễn thuế lên đến tám năm (và có thể kéo dài thêm nếu như đem lại nhiều lợi ích cho Myanmar) và những sửa đổi khác để làm cho luật đầu tư thông thoáng và cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.


Chính phủ Thein Sein còn tỏ ra khéo léo khi chính thức nhờ Singapore giúp đỡ cải cách các lĩnh vực pháp lý, ngân hàng, và tài chính nhằm chuẩn bị cho làn sóng đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế. Singapore là một nước phát triển với thể chế tốt nhất so với các nước trong khối ASEAN. Do đó, nhờ Singapore giúp đỡ thay vì Trung Quốc hay một nước phương Tây nào đó, Myanmar dường như đang làm được một công đôi việc một cách rất chiến lược: học hỏi ở chỗ đáng học hỏi mà không phải "ngã" quá mạnh theo phương Tây trong con mắt của Trung Quốc.

Từ những diễn biến ở trên, có thể thấy Myanmar đã có những bước đi ban đầu đúng hướng nhằm từng bước thoát khỏi những hệ lụy của mấy thập niên dưới chế độ quân nhân. Nếu hành trình này được thúc đẩy với sự thành tâm của Naypyidaw thì một Myanmar đổi mới sẽ là một điểm sáng trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra nhận định rằng: "Chính phủ mới đang đứng trước một cơ hội lịch sử để thúc đẩy quá trình phát triển và nâng cao mức sống của người dân. Myanmar có triển vọng tăng trưởng cao và có thể trở thành một biên giới kinh tế mới của châu Á...".





Một góc thành phố Yangon, Myanmar. Ảnh V.T

Trong sự so sánh giữa Myanmar và Việt Nam dựa trên một số tiêu chí (xem
bảng bên dưới) thì Myanmar có trình độ phát triển tương đối thấp hơn
cũng như có một vài bất cập nghiêm trọng hơn cả Việt Nam. Nhưng tương
quan này có thể sẽ thay đổi nhanh chóng một khi Myanmar bắt đầu gặt hái
những lợi ích từ cải cách (cũng như làm vững mạnh thêm tiến trình cải
cách) và nếu như Việt Nam không có những bước tiến khả quan cho riêng
mình.


Trước tiến trình phát triển của Myanmar, trong một chừng mực nào đó, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Myanmar trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, và khách du lịch quốc tế bên cạnh việc bảo vệ thị phần xuất khẩu của một số hàng hóa, đặc biệt là gạo. Tuy nhiên, đây là cú hích tích cực để Việt Nam chấn chỉnh lại mình một cách mạnh mẽ hơn. Tinh thần cải cách Myanmar có vài điểm tham khảo đơn giản nhưng có giá trị đối với tình hình Việt Nam hiện nay.


Trước hết, cải cách phải theo nguyện vọng của người dân. Việt Nam nên có những cuộc khảo sát rộng rãi toàn quốc để biết được những nguyện vọng của người dân và sử dụng như một động cơ tạo sức ép để vượt qua những rào cản "lợi ích nhóm" nhằm có những chính sách cải cách sâu rộng, đi sát với thực tế.


Trong nỗ lực đấu tranh với các tệ nạn như tham nhũng, lạm dụng quyền hành, cửa quyền... thì cần phải khuyến khích và tạo điều kiện cho giới truyền thông tiếp cận để chuyển tải chính xác những bức xúc của người dân cũng như đánh động dư luận trong những trường hợp bị bưng bít. Một nền báo chí trung thực, chính xác, đa chiều và không bị định hướng sẽ góp phần làm nhà nước vững mạnh hơn.


Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị sửa đổi hiến pháp. Nếu quyết tâm thì đây là cơ hội để đưa ra những thay đổi thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một bản hiến pháp thành công, ở phương diện căn bản nhất, phải bảo vệ những quyền tự do, dân chủ của người dân, giới hạn quyền lực của nhà nước và làm tỏa sáng tinh thần thượng tôn pháp luật. Hiến pháp phải là điểm nương tựa pháp lý vững chãi cho mọi người dân, bất kể khuynh hướng chính trị, tôn giáo, và sắc tộc, một khi những quyền tự do chính đáng của họ bị xâm phạm. Và một bản hiến pháp tốt cần phải luôn được thực thi và bảo vệ. Theo đây, Việt Nam nên cân nhắc để thiết lập một tòa bảo hiến độc lập để giải thích hiến pháp một khi có những sự tranh chấp có liên quan.


Đối với những cải cách kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển một cách bền vững, công bằng và ổn định thì cần phải dựa trên việc xây dựng một nền tảng vững chắc. Theo đây, muốn tăng trưởng kinh tế thành công thì không thể nào lơ là yếu tố đơn giản nhưng quan trọng nhất là phải gia tăng năng suất. Thiếu những chính sách thiết thực để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất thì không khỏi có những trường hợp tăng trưởng nhưng bất ổn, tăng trưởng nhưng không đóng góp nhiều cho tiến trình phát triển.


Việt Nam cần phải có những động thái chính sách mạnh mẽ để "nói không" với những dự án đầu tư nước ngoài gây ra ô nhiễm môi trường, bong bóng kinh tế, và bức xúc xã hội trong khi vẫn tăng cường thu hút các nguồn đầu tư sạch, có công nghệ cao, và có nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực trong nền kinh tế. Muốn được như vậy thì phải có những cơ chế thông thoáng, minh bạch, và tạo dựng niềm tin.


Cạnh tranh với các nước trong khu vực để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng và thúc đẩy phát triển nói chung nên được xem như là một cuộc chạy đua tích cực để cải thiện thể chế. Trong tinh thần này thì khái niệm đối thủ cạnh tranh không tồn tại, thay vào đó là bạn cạnh tranh để cùng nhau hướng tới một cuộc sống no ấm và tự do hơn cho người dân. Một Myanmar cải cách là một người bạn tích cực của Việt Nam.


Các chỉ số mới nhất Các chỉ số mới nhất


Vietnam Myanmar Singaporer
Chỉ số cảm nhận tham nhũng (2011) 180/182 112/182 5/182
Chỉ số tự do kinh tế (2012) 173/179 136/179 2/179
Chỉ số phát triển con người (năm 2011) 149/187 128/187 26/187

Nguồn: Tác giả thu thập và sắp xếp từ các báo cáo kể trên của Transparency International, The Heritage Foundation & The Wall Street Journal, và UNDP

Theo Trần Lê Anh/ Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét