Vibay

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Hải quân Trung Quốc mạnh cỡ nào?

13/2/12-Trong 15 năm qua, sự phát triển vững mạnh của Trung Quốc về các năng lực hải quân đã thu hút sự chú ý nhiều chưa từng có kể từ thời Liên Xô mở rộng Hải quân tiếp sau Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Tuy nhiên, phần lớn sự chú ý đó tập trung vào ý nghĩa của sự phát triển này đối với an ninh của Đài Loan hoặc một trận đấu có thể với Mỹ. 1 Tuy nhiên, mối quan tâm về lãnh thổ hướng ra phía biển của Bắc Kinh chạm tới tận Biển Đông. Và đó là nơi mà cán cân quân sự gần như ngay lập tức dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc như là kết quả chương trình hiện đại hóa của nước này. Bài báo này sẽ không chỉ tìm hiểu cán cân đó dịch chuyển thế nào mà còn xem xét các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có thể làm gì để bảo vệ tốt nhất các lợi ích lãnh thổ của họ trước sự thay đổi đó.

Khởi nguồn lâu đời của căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là các khu vực tranh chấp trên Biển Đông (Biển Nam Trung Quốc) và các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nằm ở đó. Trung Quốc và 6 nước khác nhận toàn bộ hoặc một số phần của khu vực. Bắc Kinh nhận chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển giữa bờ nam nước này và bờ bắc đảo Borneo. Mặc dù tất cả các nước nhận chủ quyền đều đã bắt giữ các tàu cá xâm phạm lãnh thổ của họ, chỉ có Trung Quốc là sử dụng vũ lực để xác nhận các tuyên bố của mình.

Năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ một Nam Việt Nam bị cô lập về chính trị, và năm 1988, nước này đụng độ với Việt Nam ở Trường Sa khi Liên Xô rút khỏi khu vực. Nhưng đối với hầu hết hai thập niên tiếp đó, Trung Quốc thường kiềm chế đối đầu trực tiếp, khi nước này nhận ra rằng những hành động tham chiến như vậy có thể khiến các chính phủ ở Đông Nam Á đón chào các cường quốc khác vào khu vực ở một thời điểm mà nước này chưa sẵn sàng đối phó với họ. Lối tiếp cận đó được nêu rõ trong chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình: "Bình tĩnh quan sát, ứng xử hài hòa, giữ vững lập trường, che giấu năng lực, chờ đợi cơ hội, thực hiện những gì có thể".

Vì thế, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã cố gắng xoa dịu lo ngại ở Đông Nam Á bằng cam kết của một heping jueqi (sự trỗi dậy hòa bình), và với những tham vọng mới đây hơn về một hexie shijie (thế giới hài hòa). Nước này giảm nhẹ các tranh chấp lãnh thổ và nhấn mạnh các mục đích hòa bình. Thêm vào đó, những lợi ích kinh tế mà sự thịnh vượng của Trung Quốc đem lại cho khu vực cũng đầy sức thuyết phục y như ngoại giao của nước này. Rõ ràng, các nước Đông Nam Á cũng thấy bớt căng thẳng khi Trung Quốc từ chối tham gia cam kết phá giá tiền tệ quét qua khu vực trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997-1998. Họ lại càng an tâm khi Bắc Kinh ký Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông của ASEAN năm 2002 - được biết đến với cách gọi đơn giản hơn là Bộ Quy tắc Ứng xử - và Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác một năm sau đó. Nhiều nước ở Đông Nam Á nhìn nhận các diễn biến này là những nấc thang hướng tới giành được sự chấp nhận của Trung Quốc về các quy tắc đa phương của khu vực.

Nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ muốn các giải pháp đa phương. Thay vào đó, nước này tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán song phương, đáng chú ý nhất là với Philippines năm 2004. Và khi ảnh hưởng kinh tế cùng sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng thì sự tự tin của nước này cũng lên cao. Vào cuối năm 2007, Trung Quốc nâng cấp chính quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành "thành phố cấp huyện", trực thuộc tỉnh Hải Nam. Tiếp đó, vào tháng 3/2010, Trung Quốc lần đầu tiên liệt các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vào "các lợi ích cốt lõi", cùng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương đã tuyên bố từ trước đó.

Kết quả là, một số nước Đông Nam Á đã củng cố quan hệ quân sự của họ với Mỹ và Nhật Bản. Vào tháng 7/2010, căng thẳng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc nóng ran suốt Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17, tại đó các lãnh đạo ở khắp Đông Nam Á lên tiếng về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã đưa ra đề nghị thúc đẩy một giải pháp đa phương đối với các tuyên bố chồng lấn của các bên ở Biển Đông - tách khỏi chính sách lâu nay của nước này là không dính dáng đến cuộc tranh chấp. Đề nghị đó đã chọc giận Trung Quốc và Ngoại trưởng nước này đáp trả bằng một lời cảnh báo không "quốc tế hóa" vấn đề. Vào thời điểm đặc biệt, ba ngày sau đó, hải quân Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận phối hợp lớn ở Biển Đông với sự tham gia của các máy bay, tàu và tàu ngầm mới nhất của nước này, và bao gồm các bài tập phóng tên lửa thật.

Do cuộc tập trận có sự tham dự của các lãnh đạo quân sự Trung Quốc cấp cao nhất, nhiều nước ở Đông Nam Á coi đó là một thông điệp ngăn chặn rất rõ ràng.

Tại một hội nghị cấp bộ trưởng một năm sau đó, Tướng Trung Quốc Liang Guanglie tái khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ "không bao giờ theo đuổi quyền bá chủ hoặc mở rộng quân sự" và chính sách của nước này ở Biển Đông "đơn thuần mang tính chất phòng thủ".

Nhưng trong nửa đầu năm 2011, các tàu Trung Quốc nhổ bỏ các cột dựng trên bãi đá ngầm Amy Douglas mà Philippines tuyên bố chủ quyền, quấy rối một tàu Philippines và cắt cáp hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Khi Việt Nam phản ứng thông qua các cuộc tập bắn đạn thật, Trung Quốc đáp trả bằng một cuộc phô diễn hỏa lực. Sau đó, vào tháng 9/2011, Bắc Kinh cảnh báo cả Hà Nội và New Delhi về việc Việt Nam cho phép một công ty dầu lửa của Ấn Độ thăm dò các lô ở Biển Đông. Những căng thẳng tăng cao như vậy một lần nữa thu hút sự chú ý vào cán cân quân sự đang thay đổi của khu vực. Tất nhiên, các nhà phân tích thận trọng ở Đông Nam Á đang chú ý sát sao hơn đến các năng lực của Trung Quốc và bắt đầu đánh giá lại những điểm mạnh và điểm yếu của đất nước mình.

Chương trình Hiện đại hóa của Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu tăng tốc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nước này năm 1990. Sau khi chứng kiến bước tiến vượt trội về vũ khí tinh vi của Mỹ tại cuộc chiến Vùng Vịnh lần đầu năm 1991, và thất bại của chính nước này trong việc ngăn chặn Mỹ can thiệp vào Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995-1996, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định bắt tay vào một chương trình hiện đại hóa quân sự sâu rộng. Quân đội Trung Quốc không chỉ thay thế các trang thiết bị lỗi thời của mình mà còn sửa đổi các khái niệm chiến đấu và chuyên nghiệp hóa quân lính. Nhưng trong khi phần lớn các năng lực mới của Trung Quốc được hướng tới đáp ứng những thách thức bất ngờ từ phía Đài Loan và Mỹ, nước này cũng có thể sử dụng nhiều khả năng - đặc biệt là các nền tảng hải quân và không quân mở rộng tầm với của nước này - để xác nhận quyền kiểm soát ở Biển Đông, nơi các tuyên bố về biển xa nhất của Bắc Kinh vươn dài hơn 1.500km từ Đảo Hải Nam.


Ảnh minh họa

Rõ ràng, hải quân và không quân của Trung Quốc ngày càng giỏi hơn. Có thể nói tiến bộ đó chủ yếu là nhờ những cải thiện chất lượng, chứ không phải là sự mở rộng, các cấu trúc lực lượng. Hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động không dưới 10 loại tàu khu trục mới và tàu khu trục nhỏ kể từ thập niên 1990, nhiều tàu được trang bị tên lửa và công nghệ radar, khắc phục những lỗ hổng trong khả năng chiến đấu phòng không của nước này và mở rộng năng lực chiến đấu trên biển.
Và mặc dù Hạm đội Nam Hải tuần tra Biển Đông, về mặt lịch sử, là hạm đội cuối cùng trong 3 hạm đội của Trung Quốc được hiện đại hóa, đây lại thường xuyên là hạm đội đầu tiên tiếp nhận các vũ khí mới trong hầu hết thập niên qua. Kể từ năm 2000, lực lượng dưới nước của hạm đội này tăng thêm hai tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Shang cùng với 4 tàu lớp Kilo, 3 tàu lớp Song, và chiếc đầu tiên trong loạt tàu ngầm diesel-điện lớp Yuan mới nhất. Trong khi đó, hạm đội trên mặt biển được bổ sung 2 tàu lớp Luyang II, 2 tàu lớp Luyang I, và một tàu khu trục lớp Luhai cùng với hai tàu lớp Jiangkai và 4 tàu khu trục nhỏ lớp Jiangwei II. Quan trọng không kém, Hạm đội Nam Hải nâng cấp năng lực đổ bộ với hai tàu phục vụ vận tải đổ bộ (LPD) lớp Yuzhao, loại tàu có thể dễ dàng hỗ trợ các nhiệm vụ từ tàu-tới-bờ cần thiết ở quần đảo Trường Sa, chưa kể một loạt các tàu LST lớp Yuting mới chế tạo, các tàu LSM lớp Yunshu, và các tàu LCU lớp Yubei.

Tương tự, không quân Trung Quốc đã tiếp nhận một loạt máy bay chiến đấu mới, trong đó có các chiến đấu cơ như Su-27SK, Su-30MKK, J-10, và J- 11 - phiên bản của Su-27 do Trung Quốc chế tạo. Nhưng quan trọng hơn ở Biển Đông, lực lượng không quân của Hải quân Trung Quốc - với vai trò hỗ trợ các chiến dịch hải quân - cũng biên chế các máy bay chiến đấu hiện đại hơn, trong đó có các chiến đấu cơ Su-30MK2, máy bay tiêm kích-ném bom JH-7A, và máy bay cảnh báo sớm Y-8J. Lực lượng này còn bắt đầu chuyển đổi một số lượng nhỏ các máy bay ném bom H-6D thành các máy bay tiếp dầu trên không. Tuy những máy bay mới này được giới thiệu đầu tiên tới các trung đoàn không quân của hải quân thuộc các hạm đội Bắc Hải và Đông Hải, một số chiếc giờ đã bắt đầu đến tay những trung đoàn được triển khai tới Hạm đội Nam Hải.

Tại Lingshui trên đảo Hải Nam, Sư đoàn Không chiến số 9 đã nhận được một dàn máy bay tiêm kích-ném bom JH-7A và nhiều khả năng sẽ nhận được loạt chiến đấu cơ 24 Su-30MK2 thứ 2 để thay thế các chiến đấu cơ J-8 sắp lỗi thời ở một trong hai trung đoàn máy bay chiến đấu khác. Các chiến đấu cơ mới sẽ cải thiện rất lớn khả năng tiến hành các sứ mệnh tấn công của sư đoàn. Nhưng ngay cả khi có trong tay các máy bay mới có tầm bay xa hơn, Hạm đội Nam Hải vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì một lực lượng không quân yểm trợ mạnh trên các khu vực phía nam Biển Đông. Các máy bay tiếp nhiên liệu chuyên dụng trên không, mà vẫn chưa xuất hiện, sẽ chỉ giải quyết được một phần vấn đề.

Thứ đảm bảo tốt hơn cho một lực lượng không quân yểm hộ bền bỉ và kịp thời trên toàn Biển Đông là hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc. Tuy mới hoàn tất các cuộc thử nghiệm ban đầu hồi tháng 8/2011, con tàu này đã có một lịch sử rất dài. Được Liên Xô khởi công chế tạo năm 1985 nhưng con tàu chưa hoàn tất nằm xếp xó tại một xưởng đóng tàu Ukraine khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cuối cùng, vào năm 1998, Ukraine đã bán tàu này cho Trung Quốc nhưng mãi 5 năm sau tàu mới được lai dắt tới Đại Liên. Vào cuối những năm 2000 xuất hiện thông tin rằng Trung Quốc đã bắt đầu sửa chữa con tàu. Chỉ huy Hải quân Trung Quốc xác nhận những tin tức đó vào tháng 6/2011. Tuy nhiên, khi chiếc tàu sân bay này bắt đầu nhiệm vụ của mình, nhiều người cho rằng nếu không có dàn tàu hộ tống tốt, còn tàu này sẽ không thể tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ. Có thể họ đúng. Tuy nhiên, nếu Quân ủy Trung ương Trung Quốc triển khai tàu tới Biển Đông cùng với một dàn chiến đấu cơ hiệu quả, tàu sân bay mới này sẽ là một địch thủ ngang sức với hầu hết các lực lượng không quân ở Đông Nam Á, khi không có sự hiện diện của sức mạnh không quân hải quân Mỹ. Trong khi boong tàu với đường băng cất cánh ngắn có thể không được thiết kế để hỗ trợ các sứ mệnh tấn công liên tục, tàu sân bay này về cơ bản sẽ cải thiện khả năng cung cấp lực lượng không quân yểm hộ cho các lực lượng hải quân Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực.

Tất nhiên, chất lượng của lực lượng yểm hộ đó sẽ phụ thuộc vào các máy bay mà con tàu chuyên chở. Vào thời điểm viết bài này, ứng viên nhiều khả năng nhất là chiến đấu cơ J-15, loại máy bay được công bố hồi tháng 4/2011. J-15 là một biến thể hải quân của J-11 và được kết hợp một số đặc điểm chiến đấu của nguyên mẫu chiến đấu cơ Su-33 mà Trung Quốc mua từ Ukraine. J-15 khá phù hợp cho các sứ mệnh đặc biệt trên không, mặc dù tầm bay của nó nhiều khả năng ngắn hơn J-11 bởi vì nó phải đủ nhẹ để cất cánh từ boong tàu với đường băng dốc. Cùng lý do đó, trọng tải chiến đấu của J-15 có thể cũng nhẹ hơn, khiến chiến đấu cơ này gặp khó khăn hơn khi chở những vũ khí nặng cần thiết cho cuộc oanh kích. Trong bất kỳ trường hợp nào, J-15 sẽ phải hoàn tất các chuyến bay thử nghiệm trước khi được biên chế cho Hạm đội.

Để trang bị tốt hơn cho các tàu chiến mới thuộc Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở Vịnh Yalong tại mũi nam của đảo Hải Nam. Không giống như căn cứ không quân Yulin cũ hơn nằm ở trung tâm Sanya, căn cứ mới tại Vịnh Yalong trải trên một vùng rộng lớn cách thành phố 15km về phía đông.

Công việc xây dựng ở căn cứ bắt đầu từ đầu thập niên 2000; và cơ sở này được chia làm 2 phần. Phần phía tây có 2 cầu tàu 1.000m thông thường phục vụ các tàu trên mặt biển. Tọa lạc trên một bán đảo, phần phía đông biệt lập hơn, với chỉ một con đường nối với phần phía tây của căn cứ. Phần phía đông này cũng rộng hơn, có cầu tàu riêng dài 800m, 4 cầu tàu 230m cho tàu ngầm, và nổi bật nhất là một đường hầm ngầm dưới nước. So sánh đường hầm này, và sự tương đồng của các cấu trúc gần nó, với những đường hầm được phát hiện ở Jianggezhuang, căn cứ tàu ngầm chiến lược đã đi vào hoạt động từ lâu của Trung Quốc, không ngạc nhiên khi thấy phía cầu tàu của các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tử hình ảnh vệ tinh thương mại có thể thấy rõ đường hầm ngầm dưới nước và các hoạt động xây dựng đang tiếp tục tại căn cứ này. Tuy các cần trục trên tàu và các cơ sở sửa chữa dường như không hiện diện, nếu chúng được lắp đặt, căn cứ này sẽ là một điểm chiến lược để từ đó bắt đầu các chiến dịch vào Biển Đông.

Giới quan sát từ lâu đã nhắc đến vai trò của các tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc như các vũ khí chống hạm để phản công các tàu sân bay Mỹ. Nhưng ở Đông Nam Á, chính kho tên lửa đạn đạo tấn công mặt đất của Trung Quốc mới là một thách thức lớn hơn đối với các hàng rào phòng thủ Đông Nam Á. Với những khó khăn liên quan đến tích hợp DF-21D với hệ thống do thám đại dương và nhắm mục tiêu chính xác để tấn công một mục tiêu phát ra khí thải lớn, chẳng hạn một tàu sân bay trên biển, các tàu chiến cỡ nhỏ đang hoạt động ở ven biển nhiều khả năng sẽ là rào cản trong thời gian ngắn. Dĩ nhiên, các quân đội ở Đông Nam Á sẽ lo lắng hơn về khả năng vô hiệu hóa một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo bình thường nhằm vào các căn cứ hải quân và không quân của họ phối hợp với một chiến dịch hải quân. Trong thập niên qua, các học thuyết hành động được hiện đại hóa của Trung Quốc cho thấy có việc sử dụng như vậy đối với các tên lửa đạn đạo thường và các quân chủng nước này đã bắt đầu các cuộc tập trận chung.

Chắc chắn, năng lực của hải quân Trung Quốc trong tiến hành các chiến dịch liên tục ở những khu vực xa xôi đã được cải thiện bằng việc hiện đại hóa lực lượng này. Nhưng mãi cho tới tháng 12/2008, khi Bắc Kinh quyết định cử một đội tàu nhỏ tham gia nỗ lực chống cướp biển quốc tế ở Vịnh Aden, thì Hải quân nước này mới bắt đầu tích lũy kinh nghiệm thực tế. Lần đầu tiên, họ đương đầu với những điều phức tạp khi triển khai nơi xa và học cách lái chúng. Kể từ đó, các hạm đội Nam Hải và Đông Hải của Trung Quốc đã phái một số đội tàu nhỏ - luôn bao gồm hai tàu khu trục mới hoặc tàu chiến với một tàu tiếp tế lớp Fuchi - luân phiên nhau 4 tháng một lần.

Tuy chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc khá ấn tượng, nước này không phải là duy nhất. Cả Mỹ và Nhật Bản vẫn tiếp tục hiện đại hóa các hạm đội của mình và sẽ là khôn ngoan khi tiếp tục làm như vậy. Nhưng hầu hết các nước ở Đông Nam Á lại không hiện đại hóa các tài sản hải quân và không quân của họ với cùng một tốc độ như thế, bất chấp tầm quan trọng của chúng đối với sự đảm bảo các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Còn tiếp

Thanh Hảo dịch theo viet-studies

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/59979/hai-quan-trung-quoc-manh-co-nao-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét