Vibay

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Gần lắm, Hoàng Sa!

11/2/12-Nhiều năm nay, hàng chục người đã lặn lội khắp nơi để gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa, chuẩn bị cho một dự án trưng bày quy mô vào dịp 30-4 này ở Bảo tàng Đà Nẵng

Dự án Trưng bày chuyên đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được Bảo tàng Đà Nẵng hoàn thiện, gửi lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét trình UBND TP phê duyệt. “Đây là dự án có quy mô trưng bày lớn nhất từ trước đến nay về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” - ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển

Để hoàn thành dự án, nhiều năm nay, hàng chục CBNV Bảo tàng Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa đã lặn lội khắp mọi miền Tổ quốc để gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa. Bất kể nơi nào có tư liệu về quần đảo này là những người nặng lòng với Hoàng Sa ở Đà Nẵng lại khăn gói lên đường.


Nhiều người dân đến xem tư liệu về Hoàng Sa đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng

Anh Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Sưu tầm - Bảo tàng Đà Nẵng, người đã có hơn 10 năm làm công tác sưu tập tư liệu Hoàng Sa, cho biết không ít lần anh phải xa gia đình cả tháng trời, đến nhiều nơi ở TPHCM, Đà Lạt, Hà Nội… để gặp các nhân chứng từng một thời sinh sống ở quần đảo này, hay đến những trung tâm lưu trữ khắp cả nước để tìm kiếm tư liệu. “Vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, chúng tôi đều đi cả rồi. Nghe ở đâu có thông tin về Hoàng Sa là chúng tôi lập tức tới ngay” - anh Thiện khẳng định.

Anh Thiện cho biết có rất nhiều kỷ niệm khó quên trong những chuyến đi sưu tầm tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa. “Nhiều người tuổi cao, sức yếu nhưng nghe có đoàn công tác đến tìm hiểu về Hoàng Sa là vẫn say sưa kể lại hàng giờ mà không hề biết mệt mỏi. Với họ, Hoàng Sa thật gần” – anh Thiện nhận xét.

Có lần, khi đoàn đến Quảng Nam, cụ Lê Châu (SN 1930, ngụ tại TP Hội An - người từng ở Hoàng Sa) đang điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn bảo con trai đưa về gặp. Vừa gặp nhau, cụ Châu đã ôm chầm lấy anh Thiện bật khóc, rồi mải mê kể liền 2 giờ về những ngày tháng sinh sống tại Hoàng Sa. Cụ còn bảo con trai đưa đoàn về nhà lấy vỏ ốc và những kỷ vật của mình mang về từ quần đảo này để gửi tặng UBND huyện đảo Hoàng Sa.

“Cụ Trần Hữu Cát, SN 1921, ngụ tại Liên Chiểu - Đà Nẵng, dù già yếu, ngồi xe lăn nhưng vẫn tìm đến đoàn công tác nói chuyện nhiều giờ liền về những năm tháng sinh sống ở Hoàng Sa. Tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Đức và ông Nguyễn Văn Thành cũng trò chuyện say sưa về Hoàng Sa, nơi một thời họ từng ở, rồi ghi lại hồi ký về quần đảo này gửi tặng đoàn công tác. Thậm chí, cụ Bùi Văn Khiêm (SN 1929, quê Hải Dương, hiện định cư ở Mỹ) còn cố gắng bay về Việt Nam lần cuối, tìm đến Đà Nẵng chỉ để được kể về Hoàng Sa, nơi ông từng sinh sống” – anh Thiện xúc động.

Anh Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa, cho biết một lần anh tìm đến nhà một nhân chứng là ông Trần Huynh ở Hòa Vang - Đà Nẵng nhưng ông đã ra đồng thăm ruộng. Nghe tin có người ở UBND huyện đảo Hoàng Sa đến tìm hiểu, ông Huynh về ngay để cung cấp tư liệu Hoàng Sa. “Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra từ 9 giờ đến gần 14 giờ, quên cả bữa trưa. Lúc ấy, tôi đói lả nhưng thấy bác Huynh kể chuyện say sưa quá nên không dám cắt lời” - anh Nguyện cảm động.

Trưng bày 8 chủ đề

Theo quy mô dự án Trưng bày chuyên đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, phía bên trái trước Bảo tàng Đà Nẵng sẽ xây dựng một hòn đảo mang biểu tượng của Hoàng Sa, cân xứng với biểu tượng đảo Trường Sa đã xây dựng phía bên phải. Bên trong bảo tàng sẽ dành 500m2 diện tích tại tầng 3 để trưng bày, giới thiệu trên 300 tư liệu, hiện vật của Hoàng Sa đã được sưu tầm.

Dự án sẽ giới thiệu các tài liệu và hiện vật theo 8 nhóm chủ đề về Hoàng Sa. Chủ đề Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên sẽ mở đầu khu trưng bày, hàm ý Hoàng Sa thiêng liêng nhưng rất gần gũi. Tại đây sẽ giới thiệu tổng quan về Hoàng Sa. Bên cạnh tài liệu ghi nhận cột mốc, ranh giới Hoàng Sa là nhiều bức ảnh về quần đảo này, cả những con rùa, cánh chim, bóng cây... gắn với các địa danh Quan Hà, Cam Tuyền, Vĩnh Lạc…

Các chủ đề Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn, Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời Nguyễn, Những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa… sẽ tập hợp đầy đủ thư, dụ, chiếu, bản đồ do những người tâm huyết đã dày công sưu tầm, gìn giữ. Đây là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1858-1954, Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1954-1974, Các văn bản quản lý Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa từ 1975 đến nay cùng Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử là những chủ đề khẳng định mạnh mẽ Hoàng Sa là của Việt Nam. Trong đó, Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử giới thiệu ảnh chân dung, tiểu sử, hồi ký của 25 nhân chứng từng sống và làm việc ở Hoàng Sa cùng những phim tư liệu, băng ghi âm…

Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng như CBNV Bảo tàng Đà Nẵng đang trông đợi dịp 30-4 này và kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng, dự án trưng bày sẽ ra mắt người dân cùng du khách.

Việc phải làm!

Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết nhiều năm qua, ông rất mong có một cuộc trưng bày chuyên đề quy mô lớn về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này nhưng do việc sưu tầm tư liệu, vật chứng, nhân chứng chưa đủ nên chưa thể tiến hành.

“Bây giờ, tất cả tư liệu, chứng cứ đã đầy đủ, vì vậy, trưng bày chuyên đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là việc phải làm và cần hoàn thành sớm để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân. Đây sẽ là một kho tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa trong lịch sử, góp phần khẳng định quần đảo này là máu thịt của Đà Nẵng, là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam từ rất lâu” - ông Đặng Công Ngữ nhìn nhận.

Theo ông Ngữ, cuộc trưng bày cũng là một kênh trong công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao hiểu biết về biển đảo, về Hoàng Sa và góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc. Qua đó, người dân, nhất là các thế hệ học sinh – sinh viên, sẽ nhận thức được tầm quan trọng của quần đảo này đối với lịch sử đất nước Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Hoàng Sa là của Việt Nam!

Trong số những tư liệu, hiện vật được trưng bày theo dự án, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa vừa ra mắt đầu năm 2012 là một tư liệu có tính phổ cập kiến thức, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Kỷ yếu Hoàng Sa dày hơn 200 trang, gồm các phần: Hoàng Sa là của Việt Nam, Công tác quản lý Nhà nước đối với huyện Hoàng Sa, Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử, Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Cuốn sách giới thiệu vị trí địa lý, tầm quan trọng cùng những nội dung cơ bản của quá trình xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đối với Hoàng Sa.

Điểm nổi bật của cuốn kỷ yếu này so với các tài liệu về Hoàng Sa là phần giới thiệu của 25 nhân chứng từng sống, làm việc tại quần đảo này trong những năm 1950-1970; cảm nhận của họ về Hoàng Sa và thời gian ở tại đây.


Ông Đặng Công Ngữ (trái) giới thiệu cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa

“Những ngày tháng sống ở Hoàng Sa rất đẹp. Bây giờ, mỗi khi nhớ đến Hoàng Sa, tôi nghĩ một ngày nào đó sẽ có dịp bước chân trở lại trên đảo với niềm tự hào đó là một phần của đất nước chúng ta và thuộc chủ quyền của ta” – nhân chứng Nguyễn Văn Đức bộc bạch. Ông Nguyễn Văn Cúc tâm sự: “Tôi thấy mình may mắn được làm việc, được cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và muốn chia sẻ để mọi người biết, để con cháu thế hệ mai sau biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp là một phần của Tổ quốc Việt Nam, hãy ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam”. Trong khi đó, ông Phạm Khôi cảm khái: “Hoàng Sa đã, đang và mãi mãi là của Việt Nam chúng ta. Ước gì tôi được ra đảo một lần nữa thì có chết cũng sướng. Tôi xin viết vài chữ để lưu lại những kỷ niệm đẹp của tôi lúc còn ở đảo để con cháu sau này được biết sự thật rằng: Hoàng Sa là của Việt Nam!”.

http://nld.com.vn/20120211101825593p0c1002/gan-lam-hoang-sa.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét