Vibay

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Công dân danh dự của Hoàng Sa hay công dân Hoàng Sa?

7/2/12-Danh hiệu “công dân danh dự của Hoàng Sa” được hiểu một cách xuyên tạc bằng cách đánh tráo khái niệm, đánh đồng với công dân danh dự của quốc gia, theo cách hiểu thông thường thì hậu quả sẽ tại hại. Và như vậy, vô hình trung, hành động đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa sẽ có thể được lý giải rằng một bộ phận người yêu nước đã tự coi mình “người nước ngoài” đối với mảnh đất quê hương đó.


Học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng tìm đọc tư liệu trong cuốn Ký ức Hoàng Sa do UBND huyện đảo Hoàng Sa sưu tầm và biên soạn - Ảnh: ĐĂNG NAM

Tiếp theo các bài báo do Tuổi Trẻ phát hành, dư luận đang sôi nổi bàn về việc trở thành “công dân danh dự của Hoàng Sa”. Trong niềm vui, sự háo hức bày tỏ lòng yêu nước đối với mảnh đất ruột thịt vẫn còn đang bị tạm chiếm trái phép, thiết nghĩ cũng nên bình tĩnh bàn thêm về thuật ngữ “công dân danh dự của Hoàng Sa” để sử dụng một cách chính danh thuật ngữ đó tránh mọi cách nói xuyên tạc có thể xảy ra.

Theo quan sát thì trên thế giới vẫn tồn tại ba loại công dân danh dự. Công dân danh dự toàn cầu, công dân danh dự quốc gia và công dân danh dự của thành phố. Thứ nhất, “công dân danh dự toàn cầu” phải là người đặt quyền lợi quốc tế lên trên quyền lợi quốc gia. Thứ hai, “công dân danh dự của quốc gia”, ở các nước phương Tây, việc phong tặng danh hiệu vẫn thường xảy ra để vinh danh hay bày tỏ lòng tri ân với những người có những hoạt động vì lợi ích của xã hội nói chung. Ở Hoa Kỳ, theo yêu cầu của Nghị viện, Tổng thống có thể trao danh hiệu Công dân danh dự của Hoa Kỳ cho một người không phải là công dân của Hoa Kỳ. Đây là một đặc ân cho đến nay chỉ được Hoa Kỳ thực hiện 7 lần trong đó 5 lần là truy tặng. Còn ở Canada Thống đốc bang, với sự cho phép của Nghị viện, có quyền trao tặng danh hiệu công dân danh dự cho người có phẩm chất xứng đáng. Tính đến năm 2009 Canada chỉ có 5 công dân danh dự quốc gia.

Về “công dân danh dự của thành phố”, trên thực tế chưa có một định nghĩa chính thức mang tính hàn lâm đủ rõ ràng và cụ thể về thuật ngữ “công dân danh dự”. Do vậy, công dân danh dự của thành phố thông thường theo các tiêu chí riêng của từng thành phố. Tuy nhiên, những chuẩn mực chung thường thấy là công dân đó có thể cư trú hoặc không tại thành phố đó, phải có những phẩm chất đạo đức hoặc có những thành tích thể thao nổi bậc, hoặc can đảm hiếm có hoặc có sự cống hiến tận tuỵ nhất định cho thành phố, v.v… Nói một cách khác, danh hiệu công dân danh dự của thành phố được trao cho người đạt một mức độ phẩm chất nhất định và được cộng đồng ghi nhận, tri ân. Việc công nhận phẩm chất phải ở phạm vi rộng tức là có sự công nhận của cư dân của thành phố và cư dân khác ngoài thành phố đó.

Xét về số lượng danh hiệu “công dân danh dự” được trao tặng thì “công dân danh dự của thành phố” nhiều hơn, tuy nhiên vẫn là số ít, không hề có chuyện “công dân danh dự” phổ cập, đại trà. Cần nói thêm là, nếu trao tặng được thì danh hiệu đó cũng có thể bị rút lại. Đơn cử, trường hợp, Hội đồng nhân dân thành phố Braunau (Áo), nguyên quán của Adolf Hitler đã rút lại danh hiệu công dân danh dự của nhà độc tài này hồi tháng 7 năm 2011.
Ở nước ta, cũng từng có việc trao danh hiệu công dân danh dự thành phố (tỉnh). Năm 2007 Chủ tịch UBND Lào Cai đã trao danh hiệu Công dân danh dự của tỉnh cho ông Edouard Danjoy, giám đốc Cơ quan phát triển Pháp ở Việt Nam vì có những hoạt động tích cực phát triển tỉnh Lào Cai.

Việc đưa ra những ý tưởng đăng ký làm “công dân danh dự của Hoàng Sa” để thể hiện lòng yêu nước tha thiết, đau đáu về một vùng đất đang bị trạm chiếm trái phép thật sự cần được ủng hộ. Nhưng cách dùng từ của ông Bùi Văn Tiếng - trưởng Ban tổ chức Thành ủy kiêm chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử TP Đà Nẵng trên Tuổi Trẻ chưa phải là thật thận trọng vì hai lẽ. Một là, so với những chuẩn mực thông thường thì danh hiệu “công dân danh dự” không phải là danh hiệu của phong trào thi đua cứ đăng ký và đạt được. Danh hiệu này chỉ được trao sau khi người xứng đáng đã có những đóng góp tích cực và được công nhận, tri ân. Trong khi ông kêu gọi đăng ký làm “công dân danh dự của Hoàng Sa” rồi tiếp theo mới có những hành động cụ thể để đấu tranh giành lại Hoàng Sa xem ra là ngược quy trình. Hai là, việc mở rộng cho mọi đối tượng trong và ngoài nước đăng ký sẽ tạo một làn sóng trở thành công dân (danh dự) của Hoàng Sa vì muốn thể hiện lòng yêu nước mà không chắc những người đăng ký sẽ hiểu rõ ý nghĩa của danh hiệu này, càng dễ xa rời mục đích kêu gọi mọi người có hành động thiết thực, cụ thể để giành lại lãnh thổ của Việt Nam hơn là chỉ dừng lại ở chừng mực kêu gọi, hô hào suông. Hơn nữa, nếu danh hiệu “công dân danh dự của Hoàng Sa” được hiểu một cách xuyên tạc bằng cách đánh tráo khái niệm, đánh đồng với công dân danh dự của quốc gia, theo cách hiểu thông thường thì hậu quả sẽ tại hại. Và như vậy, vô hình trung, hành động đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa sẽ có thể được lý giải rằng một bộ phận người yêu nước đã tự coi mình “người nước ngoài” đối với mảnh đất quê hương đó.

Nên chăng phát động phong trào đăng ký làm “công dân Hoàng Sa” là đủ. “Công dân danh dự của Hoàng Sa”, theo ý nghĩa riêng có của danh hiệu cao quý đó, xin gác lại sau. Cuộc đấu tranh này, như truyền thống giữ nước của dân tộc, tuy hãy còn lâu dài và bền bỉ nhưng tin rằng sẽ đạt đựơc thắng lợi sau cùng, lãnh thổ Việt Nam sẽ lại toàn vẹn.


Sài Gòn,
Nguyễn Thị Hải Vân

http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenThiHaiVan_CongDanHoangSa.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét