Nào có kém ai...
23 tuổi, Phan Thị Thùy Dung (Q.12) hiện đang làm kế toán cho một khách sạn tại quận 1. Nghe thông tin tuyển quân, dù có chút băn khoăn vì công việc đang ổn định nhưng nhớ về hình ảnh người cha công an quá cố từng làm nhiệm vụ nơi biên giới, Dung bảo như được tiếp thêm sức mạnh để quyết định lên phường đăng ký nhập ngũ.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Giờ tuy không phải đánh giặc nhưng tôi mơ ước được khoác trên mình bộ quần áo lính, làm mọi việc có thể để cống hiến cho Tổ quốc”, Nguyễn Đặng Bảo Trân, cô SV cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin (19 tuổi, H.Bình Chánh), chia sẻ.
Trong gia đình Trân, ông nội, ông ngoại, các chú các bác đều theo quân đội khiến từ nhỏ Trân đã ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục.
“Tôi ở gần bà nội. Bà xem tivi thấy các phát thanh viên mặc quần áo bộ đội thì hay nói: “Con ơi! Con gái mặc đồ lính đẹp lắm. Nội muốn cháu gái của nội xinh như thế. Bao giờ con vào bộ đội, nội sẽ tiễn con đi!”, Bảo Trân chia sẻ. Trân cho biết từ những lời dạy của bà, cô thêm quyết tâm vào bộ đội.
Nguyễn Đặng Bảo Trân (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) - nữ thanh niên tình nguyện nhập ngũ - cùng bà nội tham gia “Hội trại tòng quân” tại huyện Bình Chánh
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bìa trái) tặng hoa, động viên các nữ tân binh trước khi lên đường nhập ngũ - Ảnh: Minh Đức
Nguyễn Thị Trường Kha (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh), nữ thanh niên tình nguyện nhập ngũ, trong buổi giao lưu “Hội trại tòng quân” tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh chụp tối 7-2 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Nguyễn Thị Trường Kha (H.Bình Chánh) thì chia sẻ Kha cũng có ước mơ mặc áo lính từ nhỏ vì thấy các chú bộ đội rất kỷ luật, nghiêm túc và mạnh mẽ, quyết đoán. Kha thích những đức tính đó, từ khi học trung học phổ thông đã tìm cách nhập ngũ để thử sức nhưng không thấy tuyển nữ.
Năm nay đang ôn thi đại học, biết tin có tuyển nữ vào quân đội là Kha đăng ký ngay. Kha tự tin dù khó khăn gian khổ thế nào cũng sẽ vượt qua tất cả và cống hiến được nhiều nhất cho đất nước.
Từ vùng núi Cao Bằng, cô đảng viên trẻ dân tộc Tày Dương Thị Nguyệt vào Sài Gòn thi đại học nhưng không đỗ. Duyên may lại đưa Nguyệt đến với nghiệp quân nhân, trở thành dân quân tự vệ, công tác tại bộ phận văn thư bảo mật của Quận đội Gò Vấp.
Nguyệt khoe: “Những câu chuyện của ông nội kể lúc còn sống về quá trình tham gia kháng chiến của ông đã xây dựng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ quá đẹp, nên mình đã ước mơ được trở thành bộ đội từ ngày bé”. Cô cháu gái ngày ấy nay đang chuẩn bị tiếp bước ông nội và các bác, viết tiếp trang sử truyền thống quân nhân của gia đình.
“Phải mất một tuần thuyết phục, cuối cùng mẹ mới xiêu lòng, ủng hộ con gái nhập ngũ đợt này đó”, Nguyễn Thị Đoan Trang, nữ dân quân P.Thới An (Q.12), cho biết.
Dù đang buôn bán tại cửa hàng thời trang và luyện thi đại học, nhưng Trang quyết định gác lại hết mọi việc để kịp có mặt trong quân đội kỳ này. Cô bạn lý giải: “Quân đội là một trường học lớn, chắc chắn sẽ cho mình nhiều điều”.
Ai cũng có trách nhiệm
Hỏi các bạn có ngại những gian khó sẽ gặp và cả kỷ luật sắt trong quân đội, họ đều lắc đầu bảo có hề gì. “Mình nghĩ các bạn nam làm được thì cớ gì nữ lại không thể chứ, nếu khó thì tập dần rồi cũng quen. Hơn nữa, trách nhiệm nào có phân biệt nam hay nữ”, Thùy Dung cười tươi nói.
Còn Dương Thị Nguyệt tự tin: “Mình có điều kiện làm quen với kỷ luật quân đội hai năm qua và cũng rất quyết tâm, vì còn gì sướng hơn khi ước mơ được trở thành bộ đội từ ngày bé nay sắp thành hiện thực. Vậy có còn gì là khó khăn đâu nào”.
Nắng gió thao trường, thử thách huấn luyện trong những tháng quân trường các cô gái đều đã được chia sẻ nên dường như chẳng còn gì là trở ngại với họ.
Nguyễn Thị Đoan Trang nói: “Đã chia tay những người bạn thân thiết, ngay người yêu ban đầu không ủng hộ nhưng thấy mình kiên quyết quá nên cũng chuyển sang ủng hộ luôn. Có lẽ cuộc sống khi đi vào kỷ luật sẽ vất vả hơn một chút nhưng có sá gì, chắc chắn sẽ vượt qua hết”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét