14/2/12-Chỉ tính riêng giữa các nước Đông Nam Á, Singapore đã hiện đại hóa toàn diện 3 quân chủng vũ trang của nước này và đưa cả ba lên vị trí đầu tiên - biến quốc đảo này thành một vai trò an ninh quan trọng trong khu vực.
Chương trình Hiện đại hóa của Đông Nam Á
Singapore đã đầu tư không chỉ vào các chiến đấu cơ F-15SG mới, các tàu ngầm lớp Archer được trang bị thiết bị độc lập khí, và các tàu khu trục nhỏ lớp Formidable; mà còn cả vào hoạt động huấn luyện chung và tích hợp hệ thống thông tin cần thiết để cực đại hóa khả năng chiến đấu của họ. Đến năm 2012, phi đội 111 của Singapore sẽ thay thế dàn máy bay cảnh báo và kiểm soát đường không E-2C bằng các máy bay Gulfstream G550 có sức chịu đựng dài hơn được trang bị các radar EL/W-2085 tốt hơn. Mặc dù không có quyền lợi trực tiếp trong tranh chấp lãnh hải Biển Đông, Singapore là nước có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại luân chuyển qua vùng biển này. Và những lợi ích của nước này về tự do hàng hải thường hướng theo các lợi ích tương tự của Mỹ.
Nhưng ngoài Singapore ra, tốc độ hiện đại hóa quân sự ở Đông Nam Á trong thập niên qua không đồng đều. Nhiều nước trong khu vực đã chứng kiến tiến bộ công nghệ mà họ từng nắm giữ vượt trội so với Trung Quốc hồi đầu những năm 1990 giờ đây đang tụt lùi. Từng được ca ngợi như "những con hổ kinh tế", các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã bắt tay vào các chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng hồi thập niên 1990, trong đó Thái Lan đã tiến đến mức có được một tàu sân bay nhỏ năm 1997. Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á tàn phá nền kinh tế của họ, nhiều nước buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và phần lớn vẫn tiếp tục cắt giảm ngân khố nhiều năm sau khi khủng hoảng kết thúc.
Chỉ một vài nước tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực hiện đại hóa. Malaysia có được hai tàu khu trục nhỏ lớp Lekiu năm 1999, hai tàu ngầm lớp Scorpene năm 2009, và 18 chiếc Su-30MKM bắt đầu từ 2007. Nhưng nước này phải từ bỏ hai tàu khu trục lớp Lekiu bổ sung để đổi lấy 6 tàu tuần tra ven biển lớp Kedah ít hiệu quả hơn nhưng rẻ hơn. Và thậm chí đến bây giờ, Malaysia có vẻ đã mua được chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của mình, nước này đã phải trì hoãn việc mua máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không, đồng thời cắt giảm ngân sách huấn luyện. Trong khi đó, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ hồi những năm 2000, đặt mua 2 tàu khu trục lớp Gepard, 10 tàu hộ tống nhỏ lớp Tarantul V, và 4 chiến đấu cơ Su-30MK2V. Tuy nhiên, việc giao các tàu này rất chậm - với chỉ 2 tàu khu trục nhỏ và 3 tàu hộ tống nhỏ hiện đang hoạt động. Mặc dù vậy, Hà Nội đã quyết định tăng tốc chương trình hiện đại hóa của mình, tăng 70% ngân sách quốc phòng và đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo cùng 20 chiến đấu cơ Su-30MK2V bổ sung năm 2009.
Tuy nhiên, Malaysia và Việt Nam là hai ngoại lệ. Đối với phần lớn khu vực, các nước Đông Nam Á đã bước vào một thời kỳ bất ổn sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Một số lãnh đạo lâu năm trong khu vực phải từ bỏ quyền lực, trong đó có Suharto của Indonesia và Mahathir Mohamad của Malaysia, còn Thái Lan sa vào một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp. Cùng lúc đó, các phong trào phiến quân bùng nổ. Abu Sayyaf và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro trở nên hung hăng hơn ở Philippines và quân nổi dậy Hồi giáo leo thang ở miền nam Thái Lan. Ở phía nam, Indonesia hứng chịu một phong trào nổi dậy ở Đông Timor và kết quả là vùng đất này trở thành nước độc lập năm 2002. Sau đó, quốc đảo này lại bị sóng thần tấn công với 200.000 người thiệt mạng năm 2004.
Những bất ổn nội tại triền miên như vậy đã chuyển mối quan tâm khỏi phòng thủ bên ngoài, đặc biệt là khi nhiều nhà phân tích ở Đông Nam Á tin rằng sự ràng buộc đa phương của ASEAN với Trung Quốc sẽ dẫn tới các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ. Trên tất cả, họ chỉ ra lợi ích của Trung Quốc trong sự ổn định kinh tế khu vực sẽ làm giảm bớt tiềm năng xung đột quân sự như thế nào. Những đánh giá như vậy ngày càng nhiều sau khi Bắc Kinh ký bộ quy tắc ứng xử với ASEAN. 16 Kết quả là, sự kết hợp của các ngân sách quốc phòng thu nhỏ, hướng tập trung vào an ninh nội địa và sự lạc quan về các lợi ích của hội nhập kinh tế đã khiến các nước Đông Nam Á dành ra các nguồn lực chỉ đủ để duy trì chứ không thực sự hiện đại hóa các năng lực quân sự của họ.
Đánh giá cán cân quân sự
Việc Đông Nam Á không hiện đại hóa với tốc độ có thể so với Trung Quốc kể từ cuối thập niên 1990 đã làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông. Nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức mạnh quân sự; trong đó quan trọng nhất trong các hoạt động hải quân là địa lý và công nghệ. Ở Biển Đông, địa lý chủ yếu giúp ích cho các bên tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á. Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam là những nước nằm sát với vùng biển mà họ nhận chủ quyền, trong khi Trung Quốc cách xa hơn. Thêm vào đó, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã vận hành các sân bay nhỏ ở quần đảo Trường Sa và gần hơn nữa trên các đảo Borneo và Palawan.
Lợi thế địa lý đó làm tăng lợi thế về công nghệ của các nước Đông Nam Á hồi đầu những năm 1990. Trong khi không bên tuyên bố chủ quyền nào ở Đông Nam Á có thể bảo vệ toàn bộ khu vực, hợp lại họ có thể thực hiện một chiến lược từ chối tiếp cận biển mà sẽ vô hiệu hóa một nỗ lực nhằm xác nhận quyền kiểm soát lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu họ hòa hợp các tuyên bố lãnh hải của mình với nhau. Tuy Trung Quốc thắng cả hai trận chiến trong khu vực, cả hai đều là những trận chiến ngắn bề nổi được giải quyết bằng hỏa lực và ngư lôi. Trong trận đầu, các tàu phóng ngư lôi của Trung Quốc đã đánh chìm một tàu quét thủy lôi của Miền Nam Việt Nam và hải quân của Miền Nam Việt Nam phải rút đi sau khi Mỹ từ chối giúp đỡ; ở trận thứ 2, hai tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã áp đảo 3 tàu vận chuyển quân dụng được trạng bị nhẹ của Việt Nam. Chẳng trận nào Hải quân Trung Quốc buộc phải duy trì quyền kiểm soát biển ở những khu vực mà họ chiến đấu.
Chắc chắn, nhược điểm hoạt động lớn nhất của Hải quân Trung Quốc hồi đầu những năm 1990 là họ không có năng lực bảo vệ chính mình trước những đối thủ trên không bằng các vũ khí tầm xa. Khi đó, chỉ một ít các tàu của nước này trang bị các tên lửa đất đối không hoặc hệ thống vũ khí tầm gần. Và không một chiến đấu cơ trên mặt đất nào của lực lượng không quân thuộc Hải quân đủ tầm bay để cung cấp đầy đủ lực lượng yểm hộ trên Biển Đông. Trong khi các chiến đấu cơ của họ có thể sử dụng đường băng trên đảo Woody để tiếp nhiên liệu, không gian hạn chế gây nghi ngờ về tỷ lệ xuất kích cao. Thậm chí sau khi Hạm đội Nam Hải nhận được dàn chiến đấu cơ Su-30MK2 mới, Trung Quốc cũng khó có thể duy trì một đội tuần tra chiến đấu trên không gồm hơn 6 chiếc Su-30MK2s trên bầu trời Biển Đông cùng một lúc, do nhu cầu phải luân phiên các chiến đấu cơ được tiếp đầy đủ nhiên liệu cho đội tuần tra và thời gian bay dài từ căn cứ của họ tới Quần đảo Trường Sa. Chỉ khi Hạm đội Nam Hải chuyển đổi một số máy bay ném bom H-6D thành máy bay tiếp nhiên liệu trên không thì một phần áp lực đó mới dịu bớt. 18 Tuy nhiên, nếu không có máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, sự phối hợp với các tàu trên biển và đánh chặn hiệu quả sẽ vẫn rất mơ hồ.
Thế nhưng, kể từ giữa thập niên 1990, chương trình hiện đại hóa hải quân mau chóng của Trung Quốc đã mang lại cho Hạm đội Nam Hải một số tàu được trang bị vũ khí phòng thủ trên không hiệu quả, trong đó có các tàu khu trục lớp Luyang II và Luyang I cùng các tàu lớp Jiangkai II.
Tàu khu trục lớp Luyang II được lắp các máy phóng thẳng đứng được trang bị các tên lửa đất đối không 48 HHQ-9 có tầm bắn 100km - vượt xa tên lửa hành trình đối hạm AGM-84 Harpoon phóng từ máy bay. Tàu khu trục lớp Luyang I cũng có hệ thống phóng thẳng đứng, nhưng là loại được trang bị các tên lửa đất đối không 48 SA-N-12 có tầm bắn ngắn hơn (35km). Cuối cùng, tàu lớp Jiangkai II được trang bị các tên lửa đất đối không HHQ-16. Tất cả những tàu này cũng được trang bị hai hệ thống vũ khí tầm gần Type 730, gần giống với Phalanx của Mỹ, để thủ tiêu các tên lửa hành trình đối hạm sắp đến. Trong khi việc duy trì các chiến đấu cơ trên mặt đất sẽ vẫn khó khăn về mặt hậu cần, tàu sân bay của Trung Quốc cùng với dàn chiến đấu cơ J-15, có thể cung cấp sự hỗ trợ trên không kịp thời và liên tục cho các tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực.
Cùng lúc đó, hải quân Trung Quốc đã tăng cường khả năng chiến đấu trên biển bằng các tên lửa hành trình chống hạm mới. Trong khi các tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 vẫn là một vũ khí lợi hại với tầm bắn 120km, tên lửa hành trình chống hạm YJ-62, trên các tàu khu trục lớp Luyang II, có tầm bắn thậm chí còn xa hơn, 280km. Cuối cùng, các tàu ngầm tấn công mới của Trung Quốc, chẳng hạn như tàu lớp Shang, lớp Song và lớp Yuan được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, đều được trang bị không chỉ các ngư lôi mà còn cả tên lửa hành trình chống hạm C-801A có tầm bắn 40km.
Căn cứ vào số lượng và tầm bắn của các vũ khí chống tàu nổi của Trung Quốc, các lực lượng trên mặt biển ở Đông Nam Á sẽ rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng. Tên lửa MM40 Exocet tiêu chuẩn của Hải quân Malaysia có tầm bắn chỉ 70km và chỉ có hai tàu khu trục lớp Lekiu của nước này hiện được trang bị năng lực tên lửa đất đối không. Mặc dù các tàu hộ tống lớp Kedah được chế tạo phù hợp với các tên lửa hành tình chống hạm và phòng không, những hệ thống tiện ích này vẫn đang chờ đợi ngân sách trong tương lai.
Được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm SS-N-25 có tầm bắn 130km, các tàu khu trục lớp Gepard và các tàu hộ tống lớp Tarantul V của Việt Nam đang tạo ra một thách thức nghiêm trọng hơn cho các lực lượng của Trung Quốc trên biển. Nhưng các tàu này hạn chế về khả năng phòng không, với các tên lửa đất đối không tầm ngắn trên các tàu lớp Gepard là tinh vi nhất. Rõ ràng, các lực lượng chiến đấu trên mặt biển ở Đông Nam Á sẽ phải cân nhắc thận trọng làm thế nào tận dụng tốt nhất việc sử dụng khí thải, tiếng ồn ven biển và dữ liệu mục tiêu để tiếp cận đủ gần một lực lượng hải quân Trung Quốc, từ đó có thể phóng đủ số tên lửa nhằm chọc thủng các hàng rào phòng thủ.
Thách thức khi đối mặt với số lượng lớn các vũ khí chống tàu nổi của Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của hai tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia và 6 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilo của Việt Nam, đặc biệt khi sự thành thạo của Trung Quốc trong chiến tranh chống tàu ngầm vẫn chưa được cải thiện thực sự. Rất khó bị phát hiện dưới nước, các tàu ngầm của Malaysia có thể dễ dàng tiếp cận một lực lượng Trung Quốc để triển khai các tên lửa Exocet SM39 của họ - một trong số đó đó đã được thử nghiệm thành công ở tầm bắn 40km trong cuộc tập trận hồi tháng 8/2010. Và tuy vẫn chưa biết rõ vũ khí nào sẽ song hành cùng các tàu ngầm hạt nhân mới của Việt Nam, có thể đoán chúng sẽ được trang bị cùng loại tên lửa SS-N-27 tầm bắn 180km gây thương vong cao được thấy trên các tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc và Ấn Độ. Trong một cuộc chiến kéo dài, các tàu ngầm của Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò quyết định.
Kiểm soát các vùng trời phía trên Biển Đông là một bài toán quan trọng khác. Nếu Hạm đội Nam Hải phải dựa vào các chiến đấu cơ Su-30MK2 để yểm trợ trên không, các tư lệnh Đông Nam Á sẽ cố gắng kéo các chiến đấu cơ Trung Quốc xa về phía nam hết sức có thể trước khi va chạm, làm tăng khó khăn về hậu cần của Trung Quốc. Từ đó, các chiến đấu cơ F/A-18 và Su-30MKM của Malaysia hoặc Su-30MKV của Việt Nam có thể tập trung tham gia và vô hiệu hóa đội tuần tra không chiến nhiều khả năng nhỏ hơn của Trung Quốc để giành ưu thế cục bộ trên không. Sau đó, họ có thể nhằm vào các máy bay của Trung Quốc cũng như vào các hệ thống trên không đang cung cấp sự giám sát vượt quá chân trời và các dữ liệu mục tiêu cho hạm đội Trung Quốc, nhờ thế, các tàu chiến Đông Nam Á có thể tiến gần để thực hiện một vụ tấn công. Trong khi các chiến đấu cơ Đông Nam Á có thể tự thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình do trước tiên cần phải chọc thủng vỏ bọc trên không của Trung Quốc, các chỉ huy của họ sẽ phải cân nhắc thận trọng mọi rủi ro của việc cử các chiến đấu cơ vào trận đánh trên không khi mang các vũ khí nặng như vậy. Tuy nhiên, nếu các tàu sân bay Trung Quốc có mặt, các lực lượng không quân của Đông Nam Á sẽ đối mặt với thách thức thậm chí gay gắt hơn khi phải đánh bại một số lượng tương đương các chiến đấu cơ J-15 đã được tiếp nhiên liệu đầy đủ. Trong trường hợp đó, sự thành công của Đông Nam Á có thể xoay quanh các lực lượng không quân hành động phối hợp, vốn có thể đòi hỏi cả sự đồng thuận trước về chính trị lẫn sự luyện tập chung.
Ngay cả khi như vậy, các chiến đấu cơ và các tàu ngầm của Malaysia và Việt Nam hoạt động từ một số nhỏ các căn cứ, tạo ra điểm yếu mà Trung Quốc có thể tận dụng. Tất cả các Su-30MKM của Malaysia đều đóng tại Gong Kedak và tất cả các tàu ngầm của nước này sẽ được đặt tại một căn cứ mới ở Vịnh Sepanggar. Tương tự, tất cả các Su-27s và Su-30MKV của Việt Nam đều tập trung tại Biên Hòa và tất cả các tàu ngầm của nước này nhiều khả năng đóng tại Cam Ranh, nơi Việt Nam mới bắt đầu chương trình nâng cấp 3 năm đối với các cơ sở sửa chữa tàu và tàu ngầm tại cảng. Những căn cứ tập trung này sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tên lửa đạn đạo hoặc trên không tầm xa, nếu Bắc Kinh quyết định leo thang cuộc xung đột. Mặc dù phòng không trên mặt đất của Malaysia bao gồm một số hệ thống tên lửa đất đối không Rapier, chúng chỉ được thiết kế để đáp trả các mối đe dọa độ thấp và sẽ không hiệu quả trong việc chống lại các tên lửa đạn đạo. Việt Nam sẽ có một cơ hội tốt hơn. Năm 2003, nước này đặt mua hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU độ cao có thể tấn công các mục tiêu nhanh với độ chính xác 70%, bao gồm các tên lửa đạn đạo. Mặc dù đơn hàng này được tin là bao gồm hai khẩu đội pháo, chỉ có một khẩu đội gồm 12 máy phóng tên lửa và 62 tên lửa đã được xác nhận, và một bức ảnh cho thấy khẩu đội pháo này được triển khai gần Hà Nội.
Chắc chắn, căn cứ hải quân Trung Quốc ở Vịnh Yalong giúp cho Hạm đội Nam Hải dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ các chiến dịch hải quân quy mô lớn ở Biển Đông. Với thế chủ động, hải quân Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công từ đó để chiếm giữ các đảo tranh chấp chỉ cần sự hỗ trợ của máy bay ném bom H-6G, như một số người nghĩ. Nhưng sự thành công của một chiến dịch như vậy - nếu gặp phải kháng cự kéo dài - sẽ đòi hỏi một sự giám sát liên tục trên biển mà có thể phát hiện và phân biệt giữa các mục tiêu thù địch đang tiến đến với sự ồn ào thương mại và ồn ào ven biển. Mặc dù hải quân Trung Quốc được tiếp cận các hệ thống HF-DF trên mặt đất và các radar vượt quá chân trời cũng như các máy cảm biến trên tàu, việc kết hợp chúng để tạo ra nhận thức năng động và mạch lạc vẫn là một thách thức lớn cần phải giải quyết.
Điều đó đặc biệt đúng khi xem xét một viễn cảnh nhiều khả năng hơn ở Biển Đông, trong đó một cuộc đối đầu trên biển leo thang, các lực lượng được báo động và được triển khai chiến đấu. Trong trường hợp đó, tính sẵn sàng về hoạt động và cấu trúc của các lực lượng cả Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ giữ vai trò then chốt trong việc xác định tương quan lực lượng tại điểm va chạm. Căn cứ vào khoảng cách từ Vịnh Yalong tới rìa bắc của quần đáo Trường Sa, các tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải từ đó sẽ phải chạy 30 giờ với tốc độ 20 knot để tập trung sức mạnh. Vì vậy, nếu các lực lượng Đông Nam Á, đặc biệt là của Việt Nam và Malaysia, duy trì vị thế sẵn sàng cao hơn, họ có thể triển khai nhanh chóng hơn để cân bằng quy mô tham gia.
Mặc dù vậy, Trung Quốc rõ ràng đã đi một chặng đường dài để khắc phục thế bất lợi về địa lý của nước này ở Biển Đông, bằng cách đầu tư vào công nghệ với tốc độ nhanh hơn so với Đông Nam Á. Do vậy, các quốc gia Đông Nam Á giờ phải chơi trò đuổi bắt. Trong khi một số nước, chẳng hạn như Việt Nam, đã đang ở trong tiến trình hiện đại hóa vũ khí, các nước khác, chẳng hạn như Philippines, chỉ vừa mới bắt đầu.
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/60098/can-quan-quan-su-tai-dong-nam-a--dang-choi-tro-duoi-bat.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét