Vibay

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Tôi mơ ngày đứng trên mãnh đất quê hương Đà Nẵng nhìn mặt trời lặng xuống biển

(Vibay-05/01/2012) Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử TP. Đà Nẵng, đã nói thế trong chương chình truyền hình Người đương thời: "Sức mạnh của niềm tin" được Truyền hình VTV phát sóng tuần qua.

Nghĩa là ông đứng trên Quần đảo Hoàng Sa thân yêu của chúng ta để ngắm hoàng hôn vào ngày Hoàng Sa trở về với Tổ quốc Việt Nam.


Ông Bùi Văn Tiếng

Ông cũng đề nghị nhà nước nên có chính sách cho phép không những công dân Việt Nam mà còn cho cả công dân nước ngoài, những người quí mến Việt Nam, đăng kí làm Công dự danh dự của Huyện đảo Hoàng Sa. Ông cho rằng đó là cách thiết thực để tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam trên Quần Đảo Hoàng Sa ra thế giới.

Khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi của đọc giả xem truyền hình gửi đến, tôi không nhớ chính xác câu hỏi nhưng nội dung câu hỏi như thế này: Theo ông, thanh niên, sinh viên có nên biểu tình đòi chủ quyền Hoàng Sa không ? - Ông Bùi Văn Tiếng không trả lời là nên hay không (*) mà chỉ nói chung chung là sinh viên nên học tập cho tốt để giúp ích nước nhà.

Bee.net.vn trích dẫn chương trình này cho biết thêm:

"Hoàng Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là của Việt Nam, những chân lý lịch sử, chủ quyền ấy không thể chối cãi. Hoàng Sa cần thêm nhiều công dân để tiếp tục góp thêm bằng chứng “chủ quyền sống” và nhân rộng nhận thức, vai trò, trách nhiệm của công dân với quần đảo thiêng liêng này" - ý tưởng của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử TP. Đà Nẵng.

Tại buổi đối thoại trong chương trình “Người đương thời” (VTV cuối tháng 12/2011, phát sóng vào tuần vừa qua), ông Bùi Văn Tiếng cũng đã đề xuất ý tưởng này và nhận được sự ủng hộ của người dẫn chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan cũng như khán giả.

Người đứng đầu Hội Nghiên cứu lịch sử TP. Đà Nẵng giải thích, cùng với quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, rất nhiều thế hệ binh lính và người dân trực tiếp góp phần giữ gìn, bảo vệ chủ quyền tại quần đảo này. Đó là những đội quân Hoàng Sa từ thế kỷ 16 – 17, đến những người lính khố xanh của nhà Nguyễn, hay những đội Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng Hòa… và họ cũng chính là những công dân của Hoàng Sa.

"Đến nay, do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta chủ yếu thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa trên cương vị pháp lý, những công dân Hoàng Sa chưa được nhắc đến, chú trọng nhiều. Đà Nẵng có UBND huyện đảo Hoàng Sa với Chủ tịch UBND huyện, Chánh văn phòng huyện… Tuy nhiên, công dân thì chưa có. Trong nhiều giải pháp chủ quyền Hoàng Sa, theo tôi cần có những công dân danh dự cho quần đảo thiêng liêng này" - ông Bùi Văn Tiếng nói.

Theo nhà sử học Đà Nẵng, ý tưởng này sẽ nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm với chủ quyền Hoàng Sa đến mọi người dân Việt Nam bởi không có gì bị mất đi nếu như nó vẫn luôn được nhắc tới và không bị lãng quên cùng với những hành động cụ thể. Có một thứ sức mạnh vô hình mạnh hơn bất kì một loại vũ khí nào đó chính là Niềm Tin, chỉ cần có niềm tin thì chắc chắn bất cứ điều gì ta cũng có thể làm được. Và niềm tin, ý thức Hoàng Sa sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các công dân Hoàng Sa.

Đứng trên góc độ nghiên cứu, ông Bùi Văn Tiếng cũng mong muốn có thêm nhiều cuốn sách tư liệu Hoàng Sa được xuất bản và phổ biến. Hiện còn ít đầu sách về vấn đề này trong khi ta có rất nhiều tư liệu, bằng chứng lịch sử, pháp lý chưa được xuất bản để nhân rộng, phổ biến và giúp mọi người có thể tiếp cận.

Bạn nghĩ gì về ý kiến "Công dân danh dự của Huyện đảo Hoàng Sa" của ông Bùi Văn Tiếng ?
--------------------

(*): Có thể ông né tránh trả lời thẳng thắn vấn đề vì ông không thể nói "nên biểu tình" trên đài truyền hình Trung ương (?). Tuy nhiên, một số blogger đã phê phán câu trả lời này như blog Nguyễn Trường Thuy,...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét