BẮC KINH (NV) - Mở màn đầu năm 2012, Trung quốc loan báo tàu chiến cỡ lớn tập trận bắn đạn thật trên biển Ðông. Tin này chỉ là một phóng sự hình ảnh được đăng tải trên tờ Quân Ðội Nhân Dân, Nhân Dân Nhật Báo cũng như trang nhà của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc về cuộc tập trận bắn đạn thật của khu trục hạm Quảng Châu vào ngày 9 tháng 1, 2012 vừa qua.
Tuy nhiên, các nguồn tin này không cho biết cuộc tập trận diễn ra ở đâu trên biển Ðông và có sự phối hợp của các tàu khác, lực lượng nào khác không.
Tập trận, huấn luyện tác chiến, là một chuyện bình thường của bất cứ một đơn vị, lực lượng quân sự nào để sẵn sàng chiến đấu khi cần đến, cũng chẳng phải loan tin ồn ào.
Nhưng hiển nhiên chuyện khu trục hạm Quảng Châu (mang số hiệu 168, trang bị hỏa tiễn), trọng tải 6,500 tấn, một trong những chiến hạm lớn và tối tân nhất trong Hải quân Trung Quốc và do chính Trung Quốc sản xuất năm 2004, được loan báo, mang tín hiệu chính trị rõ rệt đến với các nước láng giềng đang tranh chấp chủ quyền biển Ðông với Bắc Kinh, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Trọng tải chiến hạm lớn nhất của Việt Nam mới mua của Nga, hộ tống hạm lớp Gepard, chỉ bằng một phần ba khu trục hạm Quảng Châu.
Hàng năm, Trung Quốc mở nhiều cuộc tập trận hải quân, bắn đạn thật trên biển Ðông và loan báo rầm rộ để đe dọa Việt Nam và các nước láng giềng đang tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Ngày 10 tháng 1 năm 2012, Tướng La Nguyên (Luo Yuan), phó tổng thư ký Hội Khoa Học Quân Sự Trung Quốc, viết một bài phân tích trên tờ Quân Ðội Nhân Dân kêu gọi Bắc Kinh hãy bình tĩnh và tiếp tục kế hoạch phát triển sức mạnh quân sự của nước họ trước tin tức Hoa Kỳ chuyển hướng sự chú ý đến vấn đề an ninh ở Á Châu.
Một số bài báo của Bắc Kinh đã đả kích sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ chỉ là kềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Bài viết của Tướng La Nguyên không nói thẳng ra tên nước Việt Nam mà chỉ bóng gió nói rằng một số nước từng bị Mỹ hà hiếp nay bắt tay với kẻ thù chỉ vì lợi ích riêng cho dù trong bản chất thì sự hợp tác đó “không thể”.
“Những nước đó có vẻ hòa hợp (với Mỹ) nhưng thực tế lại mâu thuẫn với Mỹ”, La Nguyên viết.
Theo các tin tức trong thời gian qua, ngoài việc phát triển một lực lượng tàu ngầm tối tân và hàng không mẫu hạm, Trung Quốc đã biến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc đặt tên lại là Vĩnh Hưng đảo) chiếm của Việt Nam từ 1974 thành một căn cứ quan trọng cho cả hải quân và không quân để khống chế toàn bộ biển Ðông.
Hai cầu cảng biển đã được xây dựng trong khi phi trường với phi đạo dài 3 km đã được tân trang từ lâu với khả năng cho các loại phi cơ quân sự. Rất nhiều cơ sở quân sự đã được xây dựng trên đảo này để đồn trú một lực lượng quân sự lớn.
Ngày 9 tháng 1 năm 2012, tờ Quân Ðội Nhân Dân của Trung Quốc cũng có bài bình luận cổ võ “một lực lượng hải quân hùng mạnh có thể bảo vệ lợi ích của Trung Quốc”. (T.N.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=142969&z=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét