Đại tá Cao Hoà Bình, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Hải quân, cho biết việc mua mới tàu chiến là cả một quá trình; việc đặt đóng, tiếp nhận, đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cho tàu chiến sau đó còn tốn kém, phức tạp hơn.
Về chiến hạm Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ (thuộc Lữ đoàn 162, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân) do Nga chế tạo vừa về quân cảng Cam Ranh gần đây, Đại tá Bình cho biết không phải mua theo lô sản xuất mà đội ngũ chuyên gia kỹ thuật Hải quân cách đây 5-6 năm đã phải nghiên cứu, tư vấn, đưa ra các thông số kỹ thuật riêng cho tàu và vũ khí trang bị sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết, vùng biển và nghệ thuật tác chiến của Việt Nam.
Trước việc làm thế nào để đảm bảo bí mật vì mỗi khi Việt Nam nhận tàu chiến mới thì nhiều thông số kỹ thuật, vũ khí, khí tài...của loại tàu chiến đó lại được đăng tải trên mạng, đại tá Bình cho biết, các chiến hạm đều được đặt đóng riêng nên thông tin chỉ dựa trên loại tàu chưa hẳn chính xác. Mặt khác, theo đại tá Bình, bí mật và sức mạnh của Hải quân Việt Nam còn được thể hiện ở nghệ thuật quân sự, tác chiến... Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Đinh Gia Thật, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định hiện Hải quân Việt Nam đã làm chủ được mọi trang bị vũ khí trên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.
Sau khi hai Nhà nước chính thức ký văn bản về việc đặt đóng tàu 2 chiến hạm kể trên, Hải quân Việt Nam cử đội ngũ kỹ thuật viên từ 5 - 10 người thường xuyên có mặt tại nhà máy Gorky ở Zelenodolsk thuộc tập đoàn Rosoboronexport (Liên bang Nga) từ khi bắt đầu chế tạo (năm 2008) để giám sát, tổ chức nghiệm thu từng công đoạn. Khi đóng xong tàu, Hải quân Việt Nam có mặt tại Nga để nghiệm thu tàu hạ thuỷ trên biển, rồi đóng gói, niêm phong, cho tàu lên đốc (phà loại to) để chở về Việt Nam. Tại vùng biển Việt Nam, tàu được nghiệm thu một lần nữa khi hạ thủy.
"Điều này có nghĩa Hải quân Việt Nam nắm được công nghệ và làm chủ tàu chiến ngay từ phút đầu tiên. Mỗi người lính kỹ thuật Hải quân được xem như một nhà khoa học", đại tá Bình khẳng định. Không chỉ 2 chiến hạm kể trên, các tàu chiến của Hải quân Việt Nam nhập từ Nga gần đây như tàu tuần tra lớp Project 10412... là cả tổ hợp công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực cơ khí, điện tử, tin học...
Theo đại tá Bình, để có được một tàu chiến đưa về Việt Nam, còn phải chi thêm số tiền tương đương với tiền mua tàu để xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu cảng, trạm tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng, nơi trú đậu...), để đón và đảm bảo tàu hoạt động tốt. Ngay từ khi tàu bắt đầu được sản xuất ở Nga, Hải quân Việt Nam đã phải thành lập kíp tác chiến cho tàu. Những người lính hải quân này được đào tạo, huấn luyện đặc biệt tại Việt Nam trước khi sang Nga học thêm trong 3 tháng.
Ngũ chiến hồi sinh
Chuyện hồi sinh của 5 tàu chiến thuộc lớp tàu 159 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam từ năm 1984 là ví dụ điển hình cho tinh thần sáng tạo, năng động, luôn làm chủ mọi hoàn cảnh của Hải quân Việt Nam.
Giữa tháng 10 - 2011, phóng viên Tiền Phong được dịp khám phá 2 tàu chiến săn ngầm HQ-13 và HQ-15 (chuyên phát hiện, săn đuổi và tấn công các mục tiêu ngầm trên biển) đang làm nhiệm vụ tại vùng biển thuộc Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân) tác chiến. Các thủy thủ trên tàu cho biết, đây là 2 trong số 5 tàu chiến thuộc lớp tàu 159, trước khi chuyển sang Việt Nam đã được phía Liên Xô sử dụng nên chỉ hoạt động thêm được 10 - 15 năm do tàu quá cũ, các thiết bị hư hỏng không còn để thay thế (nhà máy ở Nga không còn sản xuất). Những năm 1990 - 95, các tàu 159 lần lượt chỉ còn chức năng ... di chuyển trên biển.
Tuy nhiên, thật bất ngờ, khi chúng tôi ghé thăm, 2 tàu chiến HQ-13 và HQ-15 tưởng như đã ngừng hoạt động nay đang trong tình huống báo động có địch (diễn tập).
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có chiều dài 102 mét, chiều rộng 13,7 mét, chịu được sóng gió cấp 10 - 12. Trên tàu có sân đỗ cho máy bay trực thăng tấn công, trang bị hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại có tầm bắn chính xác hàng trăm kilômét.
Những hồi còi báo động, loa chỉ huy vang rền khắp vùng sóng nước. Chỉ chưa đến 1 phút, hàng chục chiến sĩ Hải quân đã có mặt tại mọi ví trí tác chiến trên tàu từ buồng chỉ huy chính, chỉ huy phụ, buồng máy, đài quan sát, rađa (trên cao và dưới đáy tàu) tới các ụ pháo, dàn phóng thủy lôi. Ngó vào các hầm tàu, chiến sĩ hải quân mang theo trang bị vũ khí đang chạy đi chạy lại rầm rập. Trên boong tàu HQ-15 cả phía trước và phía sau, chúng tôi phải cúi rạp người để tránh va chạm với ụ pháo 37 ly, 76 ly và 2 ụ pháo 25 ly đang quay tít mù để xác định, tìm diệt mục tiêu. Các chiến sĩ cho biết, mỗi ụ pháo này đều nặng trên 10 tấn, riêng ụ 76 ly nặng tới 26 tấn và có thể bắn chính xác mục tiêu trong vòng bán kính tới 100 km. Dàn phóng thủy lôi gồm 5 quả ở trên mỗi tàu cũng sẵn sàng phóng ra để tự tìm, tiêu diệt mục tiêu.
Tàu chiến HQ-13 còn được trang bị thêm 1 dàn phóng ngư lôi, 2 dàn bom chìm, mỗi dàn 12 quả có sức công phá cực mạnh. Thuyền trưởng tàu HQ-15, thiếu tá Vũ Hồng Sơn cho biết bộ đôi tàu chiến này chưa tham chiến một trận nào, nhưng tàu và chiến sĩ luôn trong tình huống sẵn sàng chiến đấu. Cũng theo thiếu tá Sơn, bộ đôi tàu chiến này thường xuyên tham gia huấn luyện, diễn tập và tuần tiễu, góp phần bảo đảm an ninh trên biển.
Về sự hồi sinh của lớp tàu 159, trong đó có 2 tàu chiến kể trên, đại tá Cao Hoà Bình cho biết năm 2005 - 06, với sự giúp đỡ của một số chuyên gia nước ngoài, Hải quân Việt Nam khôi phục được trên 80% chức năng săn ngầm của tàu chiến. Trong vòng 6 năm, mọi chức năng khác của lớp tàu 159 như phóng lôi, phát hiện mục tiêu từ xa, bắn bom ngầm... đều đã được Hải quân Việt Nam tự khôi phục với chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc thay mới cả cụm thiết bị, khí tài. Không chỉ khôi phục, trong quá trình tìm tòi sáng tạo để sửa chữa tàu, chiến sĩ Hải quân còn nâng cấp thêm nhiều tính năng để tàu có thể tác chiến trong tình hình mới như thiết bị nghe sóng thủy âm (không còn sử dụng công nghệ cũ theo kiểu áp tai nghe sóng mà nay đã có thể tự động thu được hình ảnh); cải tiến và nhiệt đới hóa hệ thống ra-đa, bắn pháo tự động...
Trí Đường - Tùng Duy
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/564775/Ngu-chien-hoi-sinh-tpp.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét