Vibay

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Hải quân Việt Nam với chiến thuật “lấy kỳ binh đánh lớn”

(Phunutoday-17/1/2012) - Hệ thống chiến thuật mà FC Barca đang vận hành, thứ mà người ta vẫn gọi là tiki-taka, thì bất kỳ một HLV của bất kỳ đội bóng đá nào trên thế giới đều biết, đều nghiên cứu kỹ để tấn công, chống đỡ nhưng vô hiệu. Bởi điều quan trọng nhất là chiến thuật đó bùng phát lúc nào và ở đâu trên sân thì họ chỉ biết được khi đã phải vào lưới nhặt bóng.

Kỳ 1 Hải quân Việt Nam tạo thế và chuẩn bị cho lối đánh

Chiến thuật của Hải quân Việt Nam cũng vậy, chẳng lạ gì với các chuyên gia quân sự đối phương, nhưng lúc nào, ở đâu và biến hóa như thế nào nữa thì là điều không thể biết.

Nói cách khác, anh có thể biết được chiến thuật cơ bản nhưng anh không thể nào biết được ý đồ thực hiện chiến thuật.

Một đất nước có chiều dài nhưng hẹp rất dễ bị chia cắt chiến lược khi địch tấn công bằng Hải quân từ hướng biển thì Hải quân Việt Nam phải tạo ra một vành đai phòng ngự hướng biển đủ rộng, có chiều sâu, nhiều lớp nhằm ngăn chặn, tấn công đối phương ít nhất cũng ngoài vùng lãnh hải.



Hai tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất Việt Nam trên quân cảng Cam Ranh là chiếc số 1 Đinh Tiên Hoàng và số 2 Lý Thái Tổ. Ảnh: VNE

Hãy khoan nói về hệ thống phòng thủ bờ biển hiện đại của VN như K300-P (Bastion-P), máy bay SU-30 hiện đại, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9…bởi theo như tính năng kỹ chiến thuật của nó thì chẳng có tàu chiến nào của đối phương mà không bị tiêu diệt khi xảy ra tác chiến.

Nếu như thế thì Hải quân Việt Nam cần gì phải sắm tàu ngầm, tầu chiến làm gì?

Thực tế chiến tranh ít ra cũng không hoàn toàn như thế, mà nếu có như thế thì Hải quân VN cũng không đủ tiềm lực, công nghệ để đối đầu với tiềm lực của Hải quân đối phương-một cường quốc có nền khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại vượt trội.

Làm sao Hải quân Việt Nam có thể đối đầu với các tàu khu trục hạm, tuần dương hạm hiện đại khi không có các loại tương đương hoặc có nhưng quá ít?

Rõ ràng là khi tấn công từ hướng biển lực lượng hải quân địch sẽ chiếm giữ những vị trí mà nằm trong tầm phát huy hỏa lực nhưng có thể ngoài tầm hỏa lực giáng trả của Hải quân Việt Nam hoặc vào gần bờ khi khả năng phòng thủ chống tên lửa và không quân là rất cao.

Vì thế khi Hải quân Việt Nam tên lửa không đủ độ xa, không đủ độ chính xác và không thể vượt qua sự phòng thủ của địch, nghĩa là công nghệ không làm gì được thì chiến thuật sẽ ra đòn phát huy tác dụng.

Đó chính là phương châm: Những gì mà công nghệ không thể làm được thì chiến thuật có thể.

Vì vậy các tàu tấn công tên lửa, phóng lôi nhỏ gọn, cơ động nhanh; tàu ngầm KILO; máy bay SU-22M4…sự kết hợp các loại này với nhau trong 2 hình thức tác chiến chủ yếu tập kích và phục kích sở trường của Hải quân Việt Nam là một trong những câu trả lời cho vấn đề làm thế nào để giáng trả khi địch có vũ khí tối tân hiện đại hơn.

Tư tưởng quân sự “lấy nhỏ đánh lớn” được Hải quân Việt Nam kế thừa và phát triển, đó là: Lấy nhỏ nhưng nhiều đánh lớn nhưng ít.

Nhỏ mà nhiều thì cơ động nhanh tấn công được nhiều hướng, tấn công được dồn dập làm đối phương lúng túng, rối loạn dẫn đến mắc sai lầm.

Đây là kinh nghiệm quý báu được rút ra từ trận ngày 01/8/1964 của 3 xuồng phóng lôi tấn công khu trục hạm Maddox của Mỹ.

Đến trận thứ 2 ngày 19/4/1972 tấn công 01 Tuần dương hạm, 02 Khu trục hạm và 01 Hộ tống hạm của Mỹ thì cách đánh được phát triển cao hơn, đó là hợp đồng với lực lượng không quân, tức tấn công với nhiều tầng (trên không và trên mặt biển).

Đến nay thì lối đánh được coi như là sở trường đó được củng cố hoàn thiện. Hải quân Việt Nam có đủ khả năng tấn công trên một không gian có chiều sâu bao gồm dưới lòng biển của lực lượng tàu ngầm, trên mặt biển của nhiều tàu tên lửa, phóng lôi nhỏ gọn, tốc độ lớn, cơ động nhanh và trên không của máy bay SU-22M4-loại máy bay có thể bay rất thấp với tốc độ cao nên tránh được phát hiện của radar, hay máy bay hiện đại khác khi cần như SU-30…

Như vậy ở khu vực xảy ra tác chiến, hải quân địch phải đối phó với một cuộc tấn công trên nhiều hướng, liên tục dồn dập với nhiều tầng nhiều lớp bao gồm trên không, trên biển và trong lòng biển.

Hình thức tác chiến phù hợp để dành yếu tố bất ngờ không gì khác ngoài tập kích và phục kích.

Tập kích là dùng lực lượng cơ động nhanh bí mật áp sát đối phương tấn công trước vào kẻ địch làm chúng bị bất ngờ, lúng túng đối phó, làm cho đội hình địch rối loạn (ít nhất là thời gian đầu).

Điều quyết định nhất của trận tập kích là làm sao cơ động đến vị trí tấn công mà địch không phát hiện hoặc quá muộn khi phát hiện được. Hải quân Việt Nam có 3 thuận lợi cơ bản để tổ chức các trận tập kích.

Bờ biển, hải đảo là của Việt Nam nên lực lượng tập kích như tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay được coi như là bí mật với quân địch.

Lực lượng tập kích rất cơ động. Đặc biệt vũ khí trang bị rất nguy hiểm mà có thể gây cho quân địch mất sức chiến đấu ngay từ loạt đầu (rất phù hợp với lối đánh tập kích).

Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam tùy theo tình hình có rất nhiều sự lựa chọn để sử dụng lực lượng. Chẳng hạn như khi nào thì dùng tàu ngầm với tàu tên lửa; khi nào thì hợp đồng tác chiến với máy bay…

Nếu như tập kích là chủ động cơ động để tấn công trước thì phục kích là hình thức tác chiến “nằm chờ giặc đến”. Điều quyết định thành bại của hình thức tác chiến này là phục kích ở đâu mà địch sẽ đi qua.

Phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển bao gồm rất nhiều lực lượng hợp đồng tác chiến với nhau từ cấp chiến thuật, chiến dịch cho đến cấp chiến lược. Chiến thuật lấy nhỏ nhưng nhiều đánh lớn nhưng ít của Hải quân Việt Nam chỉ là một trong nhiều lối đánh. Không loại trừ dùng ít đánh nhiều hoặc dùng lớn đánh nhỏ...

Đó chính là sự sáng tạo, linh hoạt của người cầm quân. Dấu hiệu đã cho thấy Hải quân Việt Nam chuẩn bị rất kỹ, rất chủ động cho nhiệm vụ của mình.

Le Ngọc Thống

http://phunutoday.vn/xahoiol/tieudiem/201201/Hai-quan-Viet-Nam-voi-chien-thuat-lay-ky-binh-danh-lon-2125274/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét