Đánh giá về những thách thức của quân đội ta trong tình hình mới, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho rằng đất nước còn nghèo nên chúng ta có những khó khăn nhất định trong việc đầu tư cho quân đội. Tuy nhiên, theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, trong tình hình hiện nay cần tăng cường ưu tiên cho các lực lượng quan trọng như Không quân, Hải quân, Tác chiến điện tử, Trinh sát điện tử…
“Quân đội ta yêu chuộng hòa bình, luôn mong muốn tình hình khu vực ổn định, hợp tác cùng phát triển. Đồng thời, chúng ta cũng đã tích cực thể hiện bằng những hành động cụ thể để thế giới và các nước xung quanh hiểu rằng nhân dân và Quân đội Việt Nam luôn yêu hòa bình, không mong muốn chiến tranh”, Trung tướng Võ Văn Tuấn nhấn mạnh.
Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cũng khẳng định, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, QĐND Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa. Hải quân, Phòng không - Không quân cùng các lực lượng khác của quân đội đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển, hải đảo và đất liền thiêng liêng của Tổ quốc.
Thế trận mới trên biển
Việc các nước có xu hướng vươn ra biển, kể cả quốc gia không có biển đặt ra những thách thức mới trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Đinh Gia Thật, Phó Chính uỷ Quân chủng Hải quân, cho biết cùng việc được đầu tư trang bị vũ khí hiện đại, Hải quân Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì, kiên cường, khôn khéo để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đồng thời giữ được môi trường hoà bình trên biển.
“Đây là bài toán khó với lực lượng Hải quân. Để hoàn thành hai nhiệm vụ song hành này, Hải quân phải được đầu tư hơn nữa về trang bị; khả năng, trình độ của cán bộ chiến sĩ phải được không ngừng nâng cao. Trong nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Hải quân Việt Nam xác định 3 vấn đề: Bảo vệ chủ quyền biển đảo; Bảo vệ các hoạt động kinh tế trên biển và tìm kiếm cứu nạn trên biển”, Thiếu tướng Đinh Gia Thật nói.
Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cũng cho rằng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hải quân Việt Nam vẫn phải dựa vào nền nghệ thuật quân sự của dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, huy động sức mạnh chiến tranh nhân dân trên biển.
“Phải đưa được nhiều lực lượng cùng làm nhiệm vụ trên biển như tự vệ biển, lực lượng thực thi pháp luật...để cùng với Hải quân, Cảnh sát biển tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi có trang bị mạnh, lực lượng mạnh, chúng ta luôn chủ động trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo; không phụ thuộc vào diễn biến khách quan”, Thiếu tướng Đinh Gia Thật nói.
Hơn 2.000 km đường tuần tra biên giới
Sau 5 năm xây dựng đường Tuần tra biên giới, với lực lượng chính thuộc Bộ tư lệnh Công binh triển khai trên khắp 25 tỉnh biên giới, đến nay đã cơ bản hoàn thành hơn 2.000 km đường (trong tổng số hơn 10.000km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang).
Riêng tuyến Tây Nguyên đã hoàn thành hơn 500km, còn tuyến Việt - Trung đã hoàn thành trục đường từ cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) đến Móng Cái (Quảng Ninh) dài 215km và ôtô có thể chạy được (nền đường rộng 5,5m, mặt đường rộng 3,5m).
Hải quân Việt Nam có trang bị vũ khí hiện đại, nhưng chúng ta không đe doạ, không uy hiếp nước nào mà để nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, giữ môi trường hoà bình cho đất nước, hoà bình trên biển. Chúng ta lấy sự phòng thủ, bảo vệ làm mục tiêu xây dựng quân đội. Việc đầu tư trang bị vũ khí cho Hải quân cũng không nằm ngoài mục tiêu này” - Thiếu tướng Đinh Gia Thật, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân nói. |
Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, Trưởng Ban quản lý dự án Đường tuần tra biên giới, những thách thức mà người lính xây dựng tuyến đường này ngày đêm phải đối mặt như địa hình núi cao, thời tiết khắc nghiệt (lượng mưa nhiều, có vùng mưa kéo dài tới 9 tháng), vận chuyển vật liệu hết sức khó khăn, điều kiện sinh hoạt trên biên giới chẳng khác nào thời chiến, nhưng đã được từng người lính nỗ lực chịu đựng vượt qua, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Con đường một lần nữa khẳng định chủ quyền quốc gia trong sự nghiệp đảm bảo ANQP trong tình hình mới khi chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, đường tuần tra biên giới đã giúp ngăn chặn và hạn chế đáng kể những vụ xâm nhập trái phép. Tại những nơi con đường đi qua, kinh tế xã hội vùng biên khởi sắc.
Trước đây nhiều người ở Lạng Sơn phải vào tận Tây Nguyên để làm ăn thì nay đã trở về vùng biên giới quê hương trồng cây, chăn nuôi xuất khẩu rất hiệu quả. Người dân địa phương không còn muốn sang bên kia biên giới để làm thuê nữa mà có thể làm giàu ngay trên đất quê mình.
Có vùng còn lập thêm xã mới, bám biên giới phát triển kinh tế. Ngay trên những đoạn đường vừa mới xây dựng, học sinh đã có thể đi lại thuận tiện, nhiều người dân sắm xe máy. Việt Nam và các nước láng giềng có điều kiện tốt hơn để tuần tra chung, giao lưu trên đường tuần tra biên giới.
Tác động nhiều mặt, nhiều chiều
Nói về những khó khăn của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, cho rằng công tác biên phòng rất toàn diện, chịu sự tác động nhiều mặt, nhiều chiều, cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong xu thế mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay, tác động cụ thể là lượng người qua lại các tuyến biên giới, cửa khẩu ngày càng tăng, dẫn đến nhiều phức tạp nảy sinh.
Những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, Chính phủ, đời sống xã hội của đồng bào trên biên giới, nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, dân số đông cũng kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh như tội phạm gia tăng, nhiều đối tượng lợi dụng trà trộn qua biên giới với động cơ xấu…
Đặc biệt là thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Mặt khác, lực lượng biên phòng còn thiếu thốn về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nên cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.
“Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Việt Nam luôn có đủ niềm tin, phẩm chất, tư cách và xứng đáng là người cầm súng gác cửa trên các tuyến biên cương Tổ quốc” , Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng khẳng định.
Nguyễn Minh – Tùng Duy –Trí Đường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét